Đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc từ Ninh Bình - Hải Phòng

23:15 28/07/2022

Tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng kết nối nhiều tỉnh, thành phố, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Tại công văn 657/TTg-CN ngày 22/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao UBND tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện dự án này theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ các công việc phục vụ dự án.
Sơ đô tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

Khó khăn khách quan

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (ký hiệu CT.08) là tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ ở miền Bắc Việt Nam. Đường cao tốc này có điểm đầu là nút giao với Đường cao tốc Bắc – Nam (Việt Nam) tại xã Khánh Hoà, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại phường Tràng Cát, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với tổng chiều dài toàn tuyến dài 109 km.

Theo dự kiến các đoạn tuyến cao tốc Hải Phòng - Thái BìnhThái Bình - Ninh Bình sẽ được xây dựng bằng ngân sách các tỉnh và nối liền, trở thành tuyến cao tốc ven biển, thúc đẩy phát triển các tỉnh Bắc bộ. Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng nằm trong chương trình phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Đây là tuyến cao tốc nằm ở cạnh đáy của tam giác đồng bằng sông Hồng, dự án cũng nằm trong chương trình "hai hành lang, một vành đai kinh tế".

Thiết kế kỹ thuật Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng có mặt cắt ngang cho 6 làn xe, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ thay thế vai trò của đường quốc lộ 10, tạo cơ hội để các tỉnh vùng duyên hải châu thổ sông Hồng nối thông thuận tiện với tuyến đường Bắc Nam.

Cũng theo Bộ GTVT, trong dự Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng có 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần thứ nhất là xây dựng đoạn Đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình và Tiếp đến dự án thành phần thứ hai là xây dựng đoạn Đường cao tốc Thái Bình - Ninh Bình.

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GTVT và các tỉnh liên quan triển khai công tác chuẩn bị cho các dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần thứ nhất (xây dựng đoạn Đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình) được xây dựng cơ chế đầu tư là Dự án BOT và đã được khởi công vào ngày 13/5/2017 (thay vì năm 2020 như quy hoạch trước đây) và dự kiến 2019 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên ngay sau đó do có thay đổi về cơ chế đầu tư BOT và bệnh dịch Covid-19 nên dự án này dừng không thực hiện được.

Tiếp đến dự án thành phần thứ hai (xây dựng đoạn Đường cao tốc Thái Bình - Ninh Bình). Tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng ý để UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai đoạn Ninh Bình đến Nam Định theo hình thức PPP trong giai đoạn 2017-2021. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nam Định và Ninh Bình phối hợp với Bộ GTVT, tiếp thu ý kiến các Bộ, thực hiện đánh giá đầy đủ về sự cần thiết, nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn lực, trên cơ sở thống nhất về quy mô phân kỳ đầu tư, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Đến tháng 2/2018, các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình có cuộc họp và thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình theo hình thức PPP. Tuyến cao tốc ven biển này sẽ bắt đầu tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và kết thúc tại xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với tổng chiều dài 79,4 km, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình là 18 km, Nam Định dài 28,7 km và đoạn qua Thái Bình dài 32,7 km, tuyến đường được đầu tư theo quy mô đường cấp II đồng bằng, có định hướng cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, bề rộng 26 m.

Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư là 10.643 tỷ đồng, trong đó phần tham gia của Nhà nước là 6.659 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 5.659 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng); vốn của nhà đầu tư 3.984 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ 2017 – 2022. Để hoàn vốn cho Dự án, nhà đầu tư dự kiến thu phí hoàn vốn trong thời gian 23 năm.

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án để sẵn sàng khởi công

Mới đây tại Thái Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố về triển khai Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đã khẳng định, đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, là hành lang kết nối từ các địa phương với sân bay, cảng biển, tạo động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, việc đầu tư Dự án là cần thiết, phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nghe báo cáo về tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

Quan điểm chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đó là tuyến đường bộ cao tốc nêu trên đi qua Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hình thức hợp đồng BOT. Trong đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 80 km; với khoảng 18 km đi qua Ninh Bình, khoảng 33 km qua Thái Bình và khoảng 29 km qua Nam Định. Đoạn còn lại dài 9 km từ cầu vượt sông Thái Bình đến Quốc lộ 37 do thành phố Hải Phòng đầu tư.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cho các tỉnh, thành phố cần nâng cao vai trò trách nhiệm, bảo đảm tính chuẩn xác, đúng quy định của pháp luật trong triển khai đầu tư Dự án; sớm đưa Dự án vào sử dụng, bảo đảm lợi ích của người dân; nâng cao động lực phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Các địa phương có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó tập trung bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, triển khai song song các công việc liên quan như hoàn thiện các thủ tục phê duyệt đầu tư Dự án, sau đó tiến hành ngay các phương án kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng.

Đơn vị tư vấn và chủ đầu tư phải thật sự sát sao triển khai các công việc liên quan đến Dự án, nhất là phối hợp với các tỉnh, thành phố trong thống nhất hướng tuyến cao tốc, vấn đề về phương án bố trí vật tư xây dựng và các nội dung quan trọng trong thực hiện Dự án.

Tỉnh Thái Bình được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các thủ tục đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng án này. Đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã giao các sở, ngành chức năng của tỉnh tham mưu các giải pháp trong triển khai Dự án trên địa bàn; tập trung vào các nội dung liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, san lấp, phương án bố trí nguồn vốn trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể khởi công Dự án vào cuối năm 2022 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, Tập đoàn Geleximco đã có văn bản xin đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn này là nhà đầu tư quan tâm và lập Đề xuất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư công trình, làm việc với các địa phương có Dự án đi qua theo đúng các quy định hiện hành./.

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông