18:42 28/03/2024 Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg chính thức phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” (đề án). Mục tiêu mà đề án hướng tới là nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu. Đề án được triển khai hứa hẹn sẽ tạo ra sự bứt phá, chuyển mình mạnh mẽ, góp phần đưa ngành chăn nuôi nói chung, công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi nói riêng của Việt Nam phát triển lên một bước tiến mới…
4 nhóm nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Đề án đã xác định rõ 4 nhóm nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trước hết phải bàn đến nhóm nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến. Triển khai nhóm nội dung này, Việt Nam sẽ tập trung rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định.
Mặt khác, hỗ trợ phát triển và kết nối bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, công nghệ tiên tiến gắn với chế biến, thương mại sản phẩm. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết chuỗi; áp dụng KHCN tiên tiến vào giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ, chế biến từ trung ương tới địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.
Tiếp đến, Việt Nam sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến. Đáng chú ý, song song với việc tập trung phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở trong nước, Việt Nam sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu, lên kế hoạch thực hiện phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi trọng điểm, quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực; tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như:: Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... và các thị trường tiềm năng khác; tập trung phân tích, dự báo nhu cầu, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có thương hiệu làm căn cứ để định hướng phát triển.
Đồng thời chủ động thực hiện các chương trình truyền thông nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đến các kênh phân phối của thị trường quốc tế; kịp thời nắm bắt những rào cản thương mại do chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu bằng cách sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các nhà quản lý, doanh nghiệp xuất khẩu.
Tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chăn nuôi đặc sản của Việt Nam…
Mục tiêu phấn đấu
Ngoài 4 nhóm nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm kể trên, đề án đã xác định rõ 5 nhiệm vụ, dự án ưu tiên cần tập trung thực hiện, phấn đấu đạt được một số mục tiêu cụ thể như: Phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030.
Phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới, bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25%-30% năm 2025, từ 40%-50% vào năm 2030. Tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt khoảng 2,0 - 3,0%/năm hiện nay lên 3,5 - 4,5%/năm giai đoạn 2023 - 2025 và 4,5 - 5,5%/năm giai đoạn 2026 - 2030.
Về trình độ công nghệ, hiện cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 - 30% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45-50% vào năm 2025 và 35 - 40% vào năm 2030. Đối với cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến khoảng từ 60% tăng lên 70 - 75% vào năm 2025 và 80 - 85% vào năm 2030.
Sản lượng trứng chế biến tăng tương ứng gấp 2 lần vào năm 2025, gấp 3 lần vào năm 2030. Các cơ sở chế biến sữa quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến hiện nay đạt từ 85-90% đến năm 2025 và các năm tiếp theo đạt từ 95 - 100%. Về chỉ tiêu phát triển thị trường, Việt Nam phấn đấu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1,0 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3,0 - 4,0 tỷ USD vào năm 2030…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam ưu tiên huy động đa dạng nguồn vốn và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai dự án. Trong đó, ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, dự án còn huy động nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2023 - 2030 và nguồn kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước cùng nguồn kinh phí hỗ trợ khác theo quy định pháp luật.
Trách nhiệm của từng bộ ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW
Về triển khai thực hiện, đề án đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW và các cá nhân có liên quan.
Theo đó, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm toàn diện về tính khả thi, hiệu quả của đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nội dung của đề án với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan không để xảy ra trùng lặp, chồng chéo với các đề án, dự án do Bộ và các cơ quan, tổ chức đã, đang thực hiện.
Căn cứ kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đề án và các dự án ưu tiên theo từng thời kỳ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách mới, đặc thù lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi như giết mổ gắn với chế biến, nâng cao tỷ lệ sản phẩm qua chế biến, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, quản lý môi trường để thúc đẩy lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại, hiệu quả, an toàn và bền vững. Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong giết mổ, bảo quản, chế biến các sản phẩm chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi phù hợp lộ trình phát triển…
Bộ Công Thương thì chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ NN&PTNT đánh giá nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng; xây dựng định hướng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 và các năm tiếp. Đổi mới nội dung, hình thức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế các sản phẩm chăn nuôi; nâng cao năng lực phát triển sản phẩm chăn nuôi chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các chương trình quảng bá thương hiệu một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực và lợi thế tại các thị trường trọng điểm…
UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung đề án, điều kiện thực tế của địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương; chỉ đạo tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, kinh phí triển khai đề án. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác truyền thông đến toàn thể người dân được biết và phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung đề án …
Bình Huệ
22:01 22/11/2024
22:00 22/11/2024
21:17 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão