16:29 27/08/2023 Đảo “ngọc” Cát Bà đang mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, đặc biệt nơi đây các di tích khảo cổ học có nhiều cả về số lượng, đa dạng về loại hình như: Cái Bèo, Ao Cối, Vạ Bạc... Đây là những cơ sở quan trọng, và là một trong những lĩnh vực quan trọng để Cát Bà - Cát Hải đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, từng bước khai thác các giá trị ấy phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của huyện đảo, nhất là với kinh tế du lịch.
Di chỉ Cái Bèo thuộc địa phận thị trấn Cát Bà, nằm cách trung tâm thị trấn 1,5km về phía Đông Nam. Khu Di chỉ Cái Bèo là thung lũng bằng phẳng, 3 mặt là núi đá vôi bao bọc, còn mặt phía Đông quay ra biển.
Khu Di chỉ rộng khoảng 18.000m2 dốc thoải từ Nam ra Bắc, độ cao 3,5m so với mặt biển. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo làm cho nơi đây rất kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản.
Có lẽ vì thiên nhiên đã quy tụ về đây vẻ đẹp cảnh quan cùng với sự thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ đã chọn đây làm nơi quần tụ lâu dài và tạo nên nền văn hóa đặc sắc.
Theo tài liệu và nghiên cứu khảo cổ học vùng ven biển và hải đảo Đông Bắc Việt Nam của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã nhiều lần tham gia khai quật Di chỉ Cái Bèo thì năm 1938 nữ khảo cổ người Pháp là M.Colani đã có công phát hiện ra và tiến hành thám sát vịnh Cá trên đảo Cát Bà, đó chính là Di chỉ Cái Bèo hiện nay.
Tháng 4 năm 1972, cán bộ khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo lại tiếp tục đào 2 hố thám sát và lấy tên là Di chỉ Cát Bà. Kết quả thám sát cho thấy địa tầng mang dấu tích của người Việt cổ dày 0,5 đến 0,9 m, đất màu nâu pha nhiều sỏi. Hiện vật thu được gồm 2 rìu đá, 7 bàn mài rãnh hình ống máng, 1 chì lưới và nhiều mảnh gốm xốp.
Theo kết luận của các nhà khảo cổ thì hiện vật thu được thuộc nền văn hóa Hạ Long. Từ đó đến nay, Di chỉ Cái Bèo đã được Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức 4 lần khai quật thám sát di chỉ vào các năm 1973, 1981, 1986 và 2006 và lấy tên là Di chỉ Cái Bèo.
Qua các cuộc khai quật đã phát hiện các lớp đất cấu tạo khác nhau, nằm theo một trật tự nhất định hợp thành tầng văn hóa khá dày khoảng 2,6 m và có thể phân biệt được 3 lớp sớm, muộn khác nhau. Lớp 1 thuộc sơ kỳ thời đồ đá mới, cách ngày nay khoảng 7.000 năm. Lớp 2 thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, cách ngày nay 4.500 năm và lớp thứ 3 thuộc nền văn hóa Hạ Long, cách đây 4.000 năm.
Các hiện vật thu được hơn 479 công cụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới, nồi gốm, dụng cụ ghè đẽo, chặt thô, mũi nhọn... là những xương, răng cá và thú. Những dụng cụ này thể hiện ở những niên đại khác nhau từ 7.000 đến 4.000 năm. Cư dân đảo Cát Bà, trong đó có người cổ Cái Bèo làm nghề đánh cá là chủ yếu.
Qua kết quả các lần thám sát cho thấy Cái Bèo là di tích khảo cổ thềm biển có quy mô lớn, địa tầng dày, có tổ hợp di tích và di vật phong phú. Những vết tích văn hoá ở đây đã phản ánh sự phát triển kế tiếp từ Trung kỳ Đá mới - đặc trưng cho nền văn hoá Cái Bèo sang Hậu kỳ Đá mới - đặc trưng cho văn hoá Hạ Long.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Sử, Viện Di chỉ khảo cổ học Việt Nam, Di chỉ Cái Bèo là một trong những di tích quý hiếm nhất của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đây là làng chài cổ nhất ở Việt Nam. Di chỉ Cái Bèo là 1 di tích văn hóa quý giá, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích văn hóa cấp Quốc gia năm 2009.
Trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch tại Cát Bà, hướng du lịch sinh thái, văn hoá cổ là khuynh hướng sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch. Nhiều du khách sẽ muốn đến thăm nơi mà cách đây hàng ngàn năm con người đã sống, đánh bắt được rất nhiều cá biển, thú rừng loại lớn, biết làm đồ gốm, biết chế tác công cụ đá.
Đồng thời qua đó sẽ nâng cao được hiệu quả giáo dục cộng đồng về các tri thức văn hoá, ý thức bảo tồn, trân trọng bản sắc văn hoá cổ của dân tộc, lòng tự hào về lịch sử của người dânđảo.
Lan Phương
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão