Điệp viên đã lên sao Hoả

16:30 07/08/2012

12h32 trưa ngày 6-8 (giờ Hà Nội), thiết bị thăm dò tự hành mang tên Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hoả. Sự kiện đánh dấu một bước tiến vĩ đại của con người trong hành trình chinh phục hành tinh đỏ.
12h32 trưa ngày 6-8 (giờ Hà Nội), thiết bị thăm dò tự hành mang tên Curiosity của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hoả. Sự kiện đánh dấu một bước tiến vĩ đại của con người trong hành trình chinh phục hành tinh đỏ.

Curiosity sẽ hoạt động trên sao Hoả từ 2 đến 10 năm
Curiosity sẽ hoạt động trên sao Hoả từ 2 đến 10 năm

Thiết bị Curiosity có 6 bánh và to như một chiếc xe hơi 4 chỗ được phóng đi từ mũi Canaveral ở bang Florida (Mỹ) vào tháng 11 năm ngoái. Nó đã bay mải miết suốt 9 tháng qua, bỏ lại đằng sau quãng đường 570 triệu km từ trái đất đến sao Hoả và đáp thành công xuống vùng lòng chảo mang tên Gale trên bề mặt hành tinh đỏ. “Quá trình hạ cánh được xác nhận. Chúng ta đang lăn bánh trên sao Hỏa”, một thành viên thuộc nhóm điều khiển tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực tuyên bố trong tiếng reo hò vui mừng của cả phòng. Vài phút sau đó, Curiosity đã chuyển về ba tấm ảnh đầu tiên từ bề mặt sao Hỏa, trong đó có một tấm chụp chính bánh xe của nó.

Trước đó, các nhà khoa học NASA hồi hộp đến thót tim vì không thể biết Curiosity sẽ hạ cánh như thế nào trên thực tế. Về lý thuyết, trong quá trình lao xuống, thiết bị phải thực hiện hàng loạt cú nhào lộn khó. Do độ trễ của tín hiệu từ Curiosity tới trái đất nên thiết bị sẽ đổ bộ theo chế độ tự động hoàn toàn, con người không thể can thiệp vào giây phút lịch sử này. Nếu nỗ lực đổ bộ thất bại, NASA sẽ không có cơ hội thực hiện chuyến bay tương tự trong tương lai do kinh phí eo hẹp. Tuy nhiên, “điệp viên” Curiosity đã tiếp đất thành công và nó sẽ ở lại sao Hoả tới 2 năm để làm nhiệm vụ của mình.

Theo NASA, chi phí chế tạo Curiosity lên đến 2,5 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong các thiết bị thăm dò vũ trụ hiện đại và đắt tiền hạng nhất mà cơ quan này điều khiển. Sứ mệnh của Curiosity là tìm hiểu xem môi trường trên sao Hỏa có thể hỗ trợ sự sống của vi khuẩn hay không. Vì thế nó được trang bị nhiều máy móc tối tân, bao gồm một máy có khả năng phóng tia laser vào những khối đá để tìm hiểu thành phần cấu tạo của chúng. Về hình dáng, Curiosity giống như một chiếc xe sáu bánh, nặng một tấn và chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Điệp viên” Curiosity và những thiết bị tinh vi của nó sẽ trải qua quá trình kiểm tra kỹ thuật trong vài tuần trước khi bắt tay vào sứ mệnh kéo dài hai năm. Các nhà khoa học không hy vọng Curiosity sẽ tìm thấy người ngoài hành tinh hay các sinh vật sống, nhưng mong nó có thể giúp phân tích các mẫu đất đá để phát hiện ra các dấu hiệu sự sống từng tồn tại trên hành tinh này trong quá khứ.  Giám đốc chương trình sao Hỏa của NASA, ông Doug McCuistion, nói nhiệm vụ này “mang tính sống còn” để khẳng định sự sống không là duy nhất trên Trái đất, để tìm hiểu cách sao Hỏa đã thay đổi từ một hành tinh ướt sang khô và liệu con người có thể tiếp cận sao Hỏa cho các nhiệm vụ tương lai.


Việt Anh (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông