Doanh nghiệp và người lao động còn thờ ơ!

10:25 11/06/2018

Phòng tránh bệnh nghề nghiệp nhằm bảo đảm sức khỏe, quyền lợi cho người lao động và cũng chính là lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá công tác này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức...

Người lao động cần được định kỳ khám sức khỏe để phát hiện bệnh liên quan đến nghề nghiệp

 Chưa được quan tâm đúng mức

Thường xuyên phải làm việc trong môi trường nhiều bụi, tiếng ồn nhưng anh Đỗ Đăng Dương, một công nhân đúc ở xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên không mấy khi mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

Ngay đeo khẩu trang, một thao tác đơn giản giúp bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh về hô hấp nhưng không phải người lao động nào ở đây cũng thực hiện. Theo anh Dương, xưởng sản xuất không có quy định bắt buộc nên ai thích thì đeo.

Khi được hỏi về phòng tránh bệnh nghề nghiệp, anh thành thực: “Bản thân tôi cũng chưa bao giờ được cho đi khám sức  khỏe nên hiện giờ cũng không rõ trong người có bị bệnh không...”(?).

Còn trường hợp của anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân cơ khí có thâm niên hơn 10 năm làm việc ở một nhà máy đóng tàu. Sau khi nghỉ việc, chuyển chỗ làm mới thì anh Hùng bất ngờ phát hiện mình bị chứng bệnh liên quan đến cột sống, khiến việc sinh hoạt đi lại cũng khó khăn.

“Quá trình làm việc tại nhà máy tôi thường xuyên phải thao tác hàn cắt trong điều kiện chật hẹp, không đúng tư thế là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Trước đây chúng tôi cũng được tổ chức đi khám nhưng không phát hiện được. Giờ lắm lúc thấy đau quá, tôi chỉ tự đi khám và mua thuốc về uống thôi...”, anh Hùng chia sẻ.

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện làm việc cũng như yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động. Ví dụ, công nhân nghề may thường sinh bệnh bụi phổi silic, công nhân thợ mỏ dễ bị bệnh điếc, công nhân cơ khí, người lao động tiếp xúc với nhựa, than, dầu hỏa, dầu nhờn dễ mắc bệnh sạm da nghề nghiệp…

 Thông tư 19 của bộ Y tế về việc quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp quy định: doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Điều này giúp cho người lao động chủ động, sớm được phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên theo đánh giá của Sở LĐTB&XH, từ năm 2015-2017, trung bình mỗi năm mới có một phần lực lượng lao động trên địa bàn thành phố được khám sức khỏe định kỳ. Năm 2017, cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, hơn 3.802 người bị phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp, tăng 500 trường hợp so với năm 2016.

Còn tại Hải Phòng, xảy ra 165 vụ tai nạn lao động, tăng 16 vụ so với năm 2016. Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, đã thực hiện giám sát, quan trắc môi trường lao động tại 88 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 13.393 mẫu bao gồm vi khí hậu, ánh sáng, bụi, ồn, phóng xạ, điện từ trường… phát hiện có 863 mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Phải tự bỏ “tiền túi” chữa bệnh

Có nhiều lý do khiến không ít người lao động còn chưa được khám bệnh nghề nghiệp. Thực tế để khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động sẽ làm tốn kém một phần kinh phí không nhỏ nên các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) thường bỏ qua hoặc mang tính “đối phó”.

Ngoài ra, còn do đội ngũ bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp và cán bộ làm công tác xét nghiệm y học lao động còn mỏng. Trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và chẩn đoán bệnh còn thiếu và chưa đồng bộ, thiếu các xét nghiệm chuyên sâu.

Đặc biệt, nguyên nhân chính vẫn là do người sử dụng lao động và người lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng đối với công tác khám sức khỏe định kỳ, khám, phát hiện, chẩn đoán và giám định về bệnh nghề nghiệp.

Thậm chí, có trường hợp bản thân người lao động khi phát hiện bệnh nghề nghiệp nhưng không làm thủ tục giám định do sợ phiền hà, sợ mất việc. Trong khi đó, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động nhiều nơi còn mang tính hình thức.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, thực hiện các chế độ chính sách về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, bồi dưỡng độc hại, cải thiện điều kiện làm việc tại nhiều đơn vị còn mang tính thụ động; kiến thức về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới còn hạn chế, chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện, danh mục bệnh nghề nghiệp được quy định trong thông tư liên Bộ (LĐTB&XH - Y tế) gồm hơn 28 bệnh, chia thành 5 nhóm. Theo các chuyên gia, để xây dựng danh mục bệnh nghề nghiệp nhằm bảo đảm chế độ cho người lao động phải dựa trên kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học về y tế.

Trong đó, việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp dựa theo kết quả giám sát môi trường lao động, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp và kết quả khám sức khỏe định kỳ của cơ sở sử dụng lao động.

Bất cập ở chỗ là do không nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế quy định, không ít lao động mắc bệnh vì ảnh hưởng của nghề nghiệp lại không được bảo hiểm xã hội chi trả mà phải tự bỏ tiền túi để chữa bệnh.

Do đó nhiều ý kiến cho rằng việc bổ sung bệnh nghề nghiệp nguy hiểm nhằm bảo đảm sức khỏe, quyền lợi cho người lao động là yêu cầu bức thiết hiện nay. Không ít lao động tâm tư, phải tự lo chữa chạy những bệnh không có trong danh mục bệnh nghề nghiệp.

Đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người lao động, trong thời gian tới, ngành mở rộng quy mô giám sát môi trường lao động, bảo đảm kiểm soát có hiệu quả các yếu tố, nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, khảo sát đánh giá hiện trạng điều kiện lao động trong một số cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống thống kê, báo cáo về giám sát môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân người lao động cần nâng cao ý thức chấp hành an toàn lao động, thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ lao động, góp phần hạn chế bệnh nghề nghiệp.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông