Đổi thay Bạch Long Vỹ

09:35 04/08/2019

Cách đây 25 năm, vào ngày 27-7-1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật tổng thể phát triển huyện đảo Bạch Long Vỹ. Từ đó đến nay, từ một đảo đá chơ vơ giữa trùng khơi, huyện đảo trở mình thành vị trí chiến lược phát triển kinh tế biển cũng như quốc phòng an ninh của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

Tàu đánh cá về đảo Bạch Long Vỹ

Hành trình của lịch sử

          Là đảo đá nằm đơn độc, chơi vơi giữa trùng khơi mênh mông, từ thế kỷ 19 trở về trước đảo còn có tên Vô Thủy (không nước), suốt thời gian dài chỉ đóng vai trò là nơi tránh gió của ngư dân. Vào đầu thế kỷ 20, khi tìm được nước ngọt trên đảo, một số cư dân tới đây lập nghiệp, chủ yếu làm nghề ngư.

Năm 1937, chính quyền Bảo Đại nhà Nguyễn của Việt Nam cho lập đồn canh phòng và xây dựng chế độ lý trưởng trên đảo, rồi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đảo do quân Nhật quản lý. Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, một bộ phận tàn quân Quốc dân đảng Trung Quốc chiếm giữ Bạch Long Vĩ, đến tháng 7-1955 quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo.

Ngày 16-1-1957, Việt Nam đã tiếp quản lại Bạch Long Vĩ, khẳng định chủ quyền đối với đảo, vùng biển, vùng trời và thềm lục địa quanh đảo theo luật biển quốc tế.

Cuối năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, toàn bộ dân cư của đảo đã được sơ tán về đất liền, nên cho đến năm 1992 trên đảo Bạch Long Vĩ chỉ có lực lượng vũ trang thường trực. Ngày 9-12-1992, Chính phủ ra Nghị định số 15/NĐ/CP thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng.

Hiện thực hóa Nghị định này, một năm sau đó 62 thanh niên xung phong Hải Phòng đã vượt biển, trở thành những công dân đầu tiên xây dựng huyện đảo, đồng thời cũng là những nhân chứng sống động cho quá trình biến Bạch Long Vỹ từng bước trở thành tiền đồn kinh tế.

Công dân trên huyện đảo Bạch Long Vỹ

Ươm mầm giữa đại dương

Có thể nói, Bạch Long Vỹ là một bức minh họa cho trang sử sáng bừng của tuổi trẻ Hải Phòng, mở ra hướng đi chiến lược trong phát triển kinh tế biển, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bạch Long Vĩ  nguyên sinh là một đảo nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách Hòn Dáu (Đồ Sơn) 110km, với diện tích tự nhiên 2,33 km2, trong đó có 1,78 km2 hoàn toàn không ngập triều, 0,55 km2 là bãi còn ngập triều cao. Theo kết quả nghiên cứu, vùng biển đảo Bạch Long Vỹ gìn giữ một kho sinh vật biển rất có giá trị.

Ngoài hai kiểu hệ sinh thái đa dạng vùng triều và dưới triều, khu hệ sinh vật biển của đảo Bạch Long Vỹ đặc biệt phong phú, trong đó hệ thực vật có 274 loài, hệ động vật có 738 loài. Với vị trí lý tưởng được thiên nhiên ban tặng, Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn nhất của vịnh Bắc Bộ, rộng 1.500 hải lý vuông, lượng tàu thuyền ra vào âu đảo tính bình quân có tới hơn 20 nghìn lượt/năm.

Chính vì điều này, trong Quyết định 379 của Thủ tướng Chính phủ cũng các văn bản chiến lược của thành phố, từ lâu Bạch Long Vĩ đã được xác định là một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và cứu hộ cứu nạn trên biển.

Mấy năm gần đây, huyện được đầu tư khá lớn, xây dựng mới hơn 40 công trình với vốn hàng nghìn tỷ đồng, hạ tầng cơ sở đã góp thêm cho niềm tự tin vươn xa của đảo. Vừa đúng 25 năm thực hiện Quyết định 379, những ai chứng kiến hành trình lịch sử của huyện đảo mới thấm thía hết ý nghĩa của cụm từ “thay da, đổi thịt”.

Đảo giờ có điện 24/24h, hệ thống viễn thông trực tuyến với đất liền, có Trung tâm y tế quân dân y với trang thiết bị hiện đại, có chi nhánh Ngân hàng chính sách phục vụ nhân dân vay phát triển kinh tế… Đặc biệt năm từ năm 2017, hồ chứa nước ngọt cũng đã hoàn thành, cùng với con tàu Hoa Phương Đỏ được đóng mới, đã góp phần làm cho kinh tế huyện đảo gần hơn với đất liền.

Đến Bạch Long Vĩ thời điểm này, có thể dễ dàng nhận thấy những con đường mới mở, lượn lách qua các khu rừng ngăn ngắt, vòng vo xoáy tròn lên đỉnh đảo. Đứng trên cao, nơi có lầu Phật án ngự, ngắm đền thờ Đức thánh Trần, Chùa Bạch Long thấp thoáng ẩn trong những bóng cây, từng đàn bò, dê nhẩn nha đùa trên bãi cỏ, thấy hơi thở cuộc sống mạnh mẽ rất nhiều.

Nhưng đẹp nhất có lẽ là âu tàu, nơi trú ngụ của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi, từng hàng tàu neo đậu san sát, điểm khởi đầu của một biệt khu hậu cần nghề cá.

Trung tâm huyện đảo Bạch Long Vỹ

          Quyết tâm nơi tiền đồn

          Năm 2019, Trung ương ban hành 2 Nghị quyết quan trọng liên quan trực tiếp đến Hải Phòng, đó là Nghị quyết 36 về chiến lược kinh tế biển và Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển Hải Phòng.

Trong các chương trình hành động thực hiện 2 Nghị quyết này, Hải Phòng đều tái khẳng định mục tiêu xây dựng huyện Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.

Không thể bàn lùi, nhưng muốn biến giấc mơ thành hiện thực phải nhìn thẳng vào thực tại. Xét cho cùng, dù được đầu tư nhưng Bạch Long Vĩ vẫn thiếu rất nhiều, bởi yếu tố địa chất quá khắc nghiệt.

Nước ngọt có đấy nhưng chưa nói là đủ, nhất là để phục vụ cho một trung tâm hậu cần trên biển, mặt khác ngay cả rác thải cũng chưa biết vứt đi đâu, để thì ô nhiễm, đốt thì lo mất an toàn mà chôn thì không sâu được vì dưới lớp cát toàn là đá rắn. Nguồn nhân lực cũng khó mà đáp ứng được việc vận hành một trung tâm dịch vụ trong tương lai gần.

Mọi chi phí trên đảo hiện còn quá lớn, để cân đối chưa thể một lúc mà làm ngay được, chỉ tính đơn giản tiền dầu chạy máy phát điện bình quân đã ngót nghét hàng chục tỷ/năm.

Đảo đơn độc cách đất liền hơn 100 cây số, tàu hậu cần chạy ròng rã trên dưới mười tiếng mới tới nơi, mỏi mong chờ được cái ăn cái uống từ đất liền ra khổ lắm. Nên việc đưa người ra đảo là chuyện không nhỏ, hiện nay tất cả chỉ dựa vào tàu của Tổng đội TNXP, một phần là tàu ngư dân và đôi khi phải nhờ tàu của quân đội.

Mà “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, đối với Bạch Long Vỹ càng rõ, chuyện vượt biển không thể không nghe ngóng ý… trời. Để đảo có đủ nước, đủ điện, đủ cơ ngơi dịch vụ thì lẽ đương nhiên phải chủ động được mọi thứ, nhưng chắc chắn không thể có ngay trong một sớm một chiều.

Cái được đã khá nhiều, vẫn biết để đảo thực sự vươn mình thì còn nhiều việc phải làm, nhưng với nỗi niềm đau đáu của mỗi người đất liền luôn hướng ra nơi tiền tiêu Tổ quốc, hy vọng “Bạch Long Vỹ - đuôi rồng trắng” sẽ tiếp tục vẫy vùng.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích