21:07 09/05/2019 Về xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên những ngày này mới cảm nhận được không khí vui tươi, nhộn nhịp tràn về từng thôn xóm. Bước chuyển mình của Cao Nhân hôm nay là cả một chặng đường 70 năm vẻ vang, kể từ ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên mang tên nhà chí sĩ yêu nước Tống Văn Trân- tiền thân của Đảng bộ xã ngày nay đã lãnh đạo chính quyền, nhân dân địa phương vượt qua khó khăn, gian khổ để đi đến những thắng lợi, xây dựng quê hương giàu đẹp...
Chặng đường 70 năm vẻ vang
Cao Nhân nằm ở phía Tây Bắc của huyện Thủy Nguyên, với vị trí chiến lược quan trọng, là vùng quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử và sớm có phong trào cách mạng. Trải suốt chiều dài lịch sử xây dựng quê hương, các thế hệ người Cao Nhân đã nỗ lực, kiên trì, cần cù và sáng tạo khai phá đất đai, mở mang trang ấp, lập nên cộng đồng dân cư trù phú với 2 làng Nhân Lý và Thái Lai.
Qua lao động sản xuất, người Cao Nhân đã góp cho quê hương những sản vật nổi tiếng là cau, trầu... Hiện, xã được công nhận là làng nghề trồng và chế biến cau truyền thống tiêu biểu của cả nước.
Ngược dòng lịch sử, với truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh chống lại áp bức cường quyền, nhân dân Cao Nhân đã sớm tham gia vào các hoạt động đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Ngay sau cách mạng Tháng 8-1945, tổng Thái Lai (gồm Thái Lai, Nhân Lý, Câu Tử Ngoại, Câu Tử Nội, Cao Kênh, Đồng Lý, Phương Mỹ) được bố trí thành đơn vị hành chính xã, lấy tên là Nguyễn Thái Học, sau đổi thành Cao Nhân.
Bộ máy chính quyền xã, thôn được thiết lập, nhanh chóng bắt tay vào việc chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất và xây dựng lực lượng vũ trang, trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững chính quyền và chế độ mới. Để tập trung lãnh đạo nhân dân địa phương tiến hành cuộc “kháng chiến, kiến quốc”, Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến hợp nhất thành Ủy ban kháng chiến hành chính xã.
Trước yêu cầu cấp bách của kháng chiến, từ tháng 5-1947, một số đồng chí ưu tú như Hoàng Thanh Tâm, Phạm Chí Viễn (người xã Cao Nhân), Phạm Năng đã được biệt phái về địa phương để khôi phục phong trào. Và ngày 10-5-1949, Huyện ủy Thủy Nguyên ra quyết định tách số đảng viên xã Cao Nhân đang sinh hoạt trong Chi bộ ghép Lê Hồng Phong để thành lập Chi bộ Đảng xã Cao Nhân mang tên nhà chí sĩ yêu nước Tống Văn Trân, gồm 5 đồng chí (do đồng chí Nguyễn Văn Khương làm Bí thư), đánh dấu sự kiện chính trị trọng đại và là mốc son trong lịch sử của xã. Kể từ đây, Chi bộ đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo trực tiếp, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng tại địa phương.
Ngay sau đó, Cao Nhân là nơi sớm tổ chức đấu tranh toàn dân, toàn diện, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát động quần chúng nổi dậy phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đánh hàng trăm trận, tiêu diệt, bắt sống hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều phương tiện vũ khí của kẻ thù. Tiêu biểu như tháng 10-1949, trung đội du kích Cao Nhân phối hợp với bộ đội 34 phục kích trên đường 200; cuối tháng 11-1950, du kích xã tập kích bọn phản động, diệt tên cầm đầu và bắt một số tên đưa ra khu du kích để cải tạo...
Đầu năm 1952, đơn vị hành chính xã Cao Nhân được phân thành 2 xã. Thôn Câu Tử được tách ra cùng với thôn Cao Kênh để thành lập xã Hợp Thành. Xã Cao Nhân còn lại 4 thôn (Nhân Lý, Thái Lai, Đồng Lý, Phương Mỹ). Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhân dân Cao Nhân đã kiên cường bám trụ giữ đất, giữ làng, nuôi giấu cán bộ, trở thành “tấm lá chắn” vững chắc cho vùng tự do. Nhiều người con quê hương đã chiến đấu và anh dũng hi sinh, tiêu biểu là anh hùng LLVT nhân dân Phạm Chí Viễn...
Bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tháng 11-1956, các thôn Phương Mỹ và Đồng Lý được tách ra thành lập xã Mỹ Đồng. Xã Cao Nhân còn lại 2 thôn Nhân Lý và Thái Lai. Và đầu năm 1965, Cao Nhân thành lập Đảng bộ xã. Cũng từ đây, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân địa phương đạt nhiều thắng lợi, trong đó phải kể đến phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Những năm 1964-1975, với vị trí chiến lược, Cao Nhân là vùng trọng điểm bị máy bay địch bắn phá ác liệt.
Dù vậy, nhân dân xã tích cực đào hầm chống bom đạn, vừa lao động sản xuất vừa phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng một trận địa tên lửa phòng không chiến đấu và đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường. Tính đến năm 1975, xã đã tiễn đưa hơn 350 con em lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Sau ngày thống nhất đất nước, trước muôn vàn khó khăn nhưng hòa chung với công cuộc xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh của cả nước, Cao Nhân đã nhanh chóng bắt tay xây dựng lại xã nhà. Đảng bộ xã đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới với mục tiêu “dân giàu nước mạnh”. Trải qua 22 kỳ đại hội, từ một Chi bộ với 15 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã có 12 Chi bộ với 204 đảng viên.
Đến diện mạo mới
Bộ mặt nông thôn của xã Cao Nhân hôm nay đã khang trang, đổi thay nhiều lắm!. Dọc tỉnh lộ 352 là những ngôi nhà cao tầng san sát hay những vựa cau, vườn chuối cùng nhiều loại cây ăn quả bát ngát, xanh mướt trải dài bên con sông Cấm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ không ngừng được tăng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 22,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2%, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 100% đường giao thông thôn xóm được bê tông hóa, ANCT- TTATXH được giữ vững ổn định..., là những kết quả tiêu biểu mà xã đạt được.
Một góc xã Cao Nhân ngày nay
Đặc biệt, chỉ trong mấy năm trở lại đây, Cao Nhân đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình khang trang về điện đường, trường trạm, di tích văn hóa- lịch sử. Đến năm 2018, xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; phong trào khuyến học, khuyến tài và các mặt công tác về giáo dục, y tế, đền ơn đáp nghĩa... luôn được địa phương quan tâm, chú trọng.
Bí thư Đảng ủy xã Cao Nhân Đỗ Văn Tuyến cho biết, công tác xây dựng Đảng và chính quyền, các đoàn thể được kiện toàn, củng cố đã nâng cao năng lực và sức chiến đấu, hiệu quả hiệu lực trong lãnh chỉ đạo, điều hành. Đảng bộ xã đặc biệt chú trọng triển khai và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức học tập và quán triệt đầy đủ các Nghị quyết của Đảng, đã trở thành nếp trong sinh hoạt các Chi bộ và các tổ chức, đoàn thể.
Những thành quả hiện tại không làm quên đi quá khứ gian khổ nhưng đầy anh hùng của vùng đất vốn được xem là mục tiêu càn quét và oanh kích của địch trong suốt những năm kháng chiến ác liệt. Cao Nhân ngày nay đã trở thành một vùng quê trù phú, bình yên bên dòng sông Cấm.
Nói như Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Tuyến, đây là niềm tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, trong đó phải ghi nhận sự hy sinh cao cả của 116 anh hùng liệt sỹ trung trinh đã ngã xuống cùng với 6 mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với cách mạng của địa phương. Trong giai đoạn mới, niềm vinh dự và tự hào cũng là trách nhiệm lớn lao để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Nhân đoàn kết, tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững, giàu đẹp.
THỦY NGUYÊN
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024