Đưa chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường vào cuộc sống

    23:17 28/07/2022

    Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và có hiệu lực từ ngày 25-8 tới. Trong đó, bổ sung thêm các chế tài phạt tiền đối với hành vi vứt rác thải trên vỉa hè, lòng đường, đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường; hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

     Đặc biệt, Nghị định 45/2022/NĐ-CP cho phép việc dùng hình ảnh, video người dân cung cấp để xử phạt hành vi xả rác. Quy định này được thể hiện tại Điều 8.

    Trong đó, việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật được so sánh với nồng độ tối đa cho phép của các thông số môi trường trong quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để xác định hành vi vi phạm hành chính.

    Theo Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và môi trường, chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định đã được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 26 của Nghị định 45/NĐ-CP chưa được áp dụng. Vì lẽ, giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình.

    Theo Luật Bảo vệ Môi trường quy định, Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải,  các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có thể căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội để xây dựng lộ trình thực hiện cho phù hợp. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Như vậy, đến ngày 1/1/2025, chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt mới có hiệu lực.

    Ở Hải Phòng, việc phân loại rác tại nguồn trong những năm qua mới được triển khai ở quy mô nhỏ lẻ, ở mức “tự phát” do đơn vị quản lý, thu gom, vận chuyên CTR thực hiện. Điển hình, từ năm 2016, được sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, cùng sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng  đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn.

    Đơn vị đã tổ chức 226 hội nghị, hoạt động tuyên truyền với khoảng 20.000 người tham dự; triển khai 113 mô hình phân loại rác tại nguồn tại các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ dân phố tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay, mô hình phân loại rác tại nguồn dần rơi vào “teo tóp” do thiếu cả cơ chế và chế tài xử phạt.

    Thực tế cho thấy để nhân rộng phân loại rác tại nguồn là một việc khó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị  mới có thể thực hiện. Giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác đầu nguồn là rất cần thiết./.

    Đoàn Lanh

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông