Đừng tự đưa mình vào “cửa tử”

09:25 12/10/2017

Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu và ước tính ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia. Mặc dù kỹ thuật điều trị ung thư ở nước ta khá tiên tiến nhưng tỷ lệ người tử vong vẫn chiếm khá cao, nguyên nhân được chỉ ra do người dân chủ quan không khám sức khỏe định kỳ nên phát hiện bệnh muộn. Và, thay vì điều trị theo phác đồ điều trị hiện đại thì nhiều người bệnh lại tin theo các bài thuốc gia truyền rỉ tai của các “ông lang, bà mế” khiến cho đường đến “cửa tử” ngày càng trở nên gần hơn...

Kỳ 1: Chết oan vì “lang băm”

Bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ung bướu Bệnh viện Việt Tiệp

2h chiều, tại khoa Ung bướu bệnh viện Việt Tiệp, không khí tĩnh mịch trong nỗi ưu tư, cảnh người bệnh nằm điều trị kín các phòng chạy suốt dọc hành lang khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Người nặng thì thiêm thiếp nghỉ, người nhẹ hơn thì ngồi rủ rỉ với người nhà hoặc các bệnh nhân khác.

Mỗi người một hoàn cảnh, một nét mặt, một miền quê nhưng tựu chung đều đang mang trong mình căn bệnh ung thư, một căn bệnh vốn được coi như “án tử” treo lơ lửng trên đầu. Họ đến đây đều chung một mong muốn duy nhất, đó là tìm cho mình một cơ hội để chữa bệnh và kéo dài sự sống.

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng bệnh, PGS.TS, bác sỹ Lê Minh Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Giám đốc Trung tâm ung bướu cho biết, trong số những người đang nằm điều trị tại đây, có rất nhiều trường hợp sau khi được chẩn đoán ung thư đã từ chối điều trị bằng Tây y mà theo lời “rỉ tai” của người quen, bạn bè, hàng xóm mà tìm đến các “bài thuốc cổ truyền”.

Tuy nhiên, bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, đến khi họ buộc phải quay lại Tây y chữa trị thì cơ hội sống không còn nhiều… 

Tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam đang gia tăng đáng quan ngại

Để giúp chúng tôi mục sở thị, bác sỹ Quang dẫn chúng tôi đến giường một bệnh nhân để tìm hiểu. Được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi từ tháng 7-2017, bà Chu Thị Thanh H. (54 tuổi, ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) không nhập viện theo phác đồ điều trị mà quyết định ở nhà tự chữa. Nhưng chỉ sau 3 tháng, ngày 3-10, gia đình phải đưa bà nhập viện cấp cứu trong tình trạng bệnh tiến triển nặng, tràn dịch màng phổi.

Chúng tôi gặp bà H. khi bà đang gập người trong cơn ho rũ rượi. Đôi mắt phờ phạc thâm quầng vì thiếu ngủ, những cơn ho khiến mặt bà tím lại. Trong đôi ba câu bập bõm tâm sự của bà, chúng tôi được biết: Sau khi phát hiện bị ung thư, bà H. xem như án tử treo lơ lửng trên đầu. “Có bệnh thì vái tứ phương”, nghe người quen mách nước, ở Sơn La có một thầy tu chữa ung thư rất giỏi, đã chữa khỏi nhiều người bị ung thư gan, ung thu phổi, ung thư vòm họng…, bà H. liền giục người thân tức tốc tìm mua thuốc của thầy.

Nhưng thật buồn, những thang thuốc của ông thầy tu vùng núi cao ấy không những làm cho bệnh của bà thuyên giảm mà còn làm cho bệnh tiến triển theo hướng tiêu cực ngày càng nhanh hơn. Khi gia đình buộc phải đưa bà quay lại bệnh viện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn tràn dịch màng phổi, khả năng nói của bà hầu như không còn, và sự sống của bà giờ đây cũng leo lét như ngọn đèn trước gió…

Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu H. (sinh 1972, ở xã An Đồng, huyện An Dương).

Đầu năm 2014, khi thấy trong người có dấu hiệu không bình thường, chị H. đã đến bệnh viện để khám sức khỏe. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán chị mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được nếu chị H. đồng ý mổ để cắt khối u. Tuy nhiên, chị H. đã từ chối lời khuyên của bác sỹ, quyết định về nhà điều trị bằng thuốc nam mà không hề biết rằng, chính chị đã tự mình tước bỏ cơ hội sống của mình.

Sau hơn 1 năm tự biến mình thành “ nhân dược” của mấy bài thuốc lá, cao đắp trị ung thư của mấy ông lang thượng ngàn, tháng 6/2015 chị H. quay lại bệnh viện khi căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn với tình trạng hoại tử khối u tại vú, tràn dịch màng phổi. Theo lời bác sỹ Quang, sau khi được điều trị hóa chất kéo dài hơn 2 năm, khoảng 2 tháng trước, chị H. đã trút hơi thở cuối cùng. “Nếu tuân thủ triệt để theo phác đồ điều trị của bác sỹ thì cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân này là có” - bác sỹ Quang buồn bã chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư: Số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam cho thấy nước ta có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm; tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia.

Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau.

Tại Hải Phòng, theo PGS.TS, bác sỹ Lê Minh Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp, Giám đốc Trung tâm ung bướu, tháng nào khoa cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị tai biến nặng nề, thập tử nhất sinh ở giai đoạn cuối do dùng các loại lá thuốc, thuốc nam, lá đu đủ, thậm chí cả thực phẩm chức năng để chữa bệnh. Lúc đến bệnh viện thì khối u sưng to, di căn nhiều nơi, bệnh nhân suy kiệt... nên điều trị chủ yếu là nâng cao chất lượng sống, giảm đau cho người bệnh chứ không còn cơ hội để chữa trị.

Bác sỹ Quang cho biết thêm: Bệnh ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi bệnh, nếu ở giai đoạn muộn có thể giúp kéo dài sự sống. Nhưng nhiều người khi phát hiện ung thư lại không đi điều trị mà tự ở nhà uống thuốc nam, nước lá đu đủ khiến bệnh nhân bỏ qua mất “thời gian vàng” khiến khối u phát triển nhanh hơn. Điều quan trọng nhất khi bị ung thư cần phải điều trị bằng các biện pháp tiên tiến đã được chứng minh, nếu muốn có thể dùng thêm thuốc nam để hỗ trợ mà thôi.

Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Ngoài phẫu thuật, hóa chất, xạ trị còn có nhiều loại thuốc đáp ứng điều trị rất tốt. Nhiều người chỉ truyền hóa chất, khối u đã gần như hết hẳn.

Nếu bị chẩn đoán mắc ung thư, người bệnh nên lựa chọn phương pháp của y học hiện đại để khống chế bệnh trước, sau đó duy trì và tăng cường thể trạng bằng phương pháp y học cổ truyền thì sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn...

(còn nữa)

Bùi Hạnh - Phạm Ngân

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông