09:36 23/04/2019 Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo và bền vững, Công ty TNHH Dow Cheimical Việt Nam đã ký kết thoả thuận dự án xây dựng thí điểm đường giao thông từ nhựa tái chế. Đây có thể được xem là cứu cánh giảm thiểu ô nhiễm trắng đối với Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung.
Rác thải nhựa đang huỷ diệt nhiều loài sinh vật biển
Qua khảo sát, các sản phẩm nhựa bắt đầu được sử dụng cách đây 60-70 năm và đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống hiện đại, từ trong sinh hoạt đến các hoạt động sản xuất công nghiệp, kỹ thuật, thiết kế…
Cũng chính vì vậy, tốc độ sản xuất các sản phẩm nhựa ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng sản phẩm là chai nhựa thì cứ mỗi giây lại có 20.000 chai nhựa được bán ra.
Theo thống kê của các chuyên gia về môi trường, ước tính đến nay, con người đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỷ tấn đã trở thành phế thải và 79% trong số đó hiện còn đang nằm tại các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên. Những năm gần đây, rác thải nhựa là nỗi kinh hoàng của nhiều quốc gia, thành phố, nhất là khu vực các nước đang phát triển hoặc giáp biển.
Với 112 cửa biển và là đất nước đang có tốc độ phát triển nóng, 80% rác thải biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Theo đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố thì mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa. Với lượng rác thải nhựa này, Việt Nam nằm trong tốp đầu, sau Trung Quốc, Inđônêxia và Philipppin.
Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: Ô nhiễm rác thải biển không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực. Việc hạn chế rác thải nhựa không chỉ một quốc gia muốn là có thể thực hiện mà phải nhiều quốc gia phối hợp đưa ra những giải pháp đồng bộ.
Khu CN Đình Vũ-nơi thực hiện dự án làm đường giao thông từ nhựa tái chế
Nằm trong dự án hợp tác thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Công ty TNHH Dow Chiemical Việt Nam đã ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty CP Khu CN Đình Vũ mang đến một giải pháp mang tính cứu cánh giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, đó là xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Chiemical Việt Nam-cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng hơn 90km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan và Mỹ, đây sẽ là nền tảng để chúng tôi triển khai áp dụng dự án này tại Việt Nam”.
Đại diện doanh nghiệp cũng bật mí, rác thải nhựa được sử dụng trong dự án này chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, chẳng hạn như màng nhựa polyethylen.
Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150 đến 180 độ C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hoà với nhựa đường giúp nâng cao độ bền cho con đường. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.
Đây cũng là một minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.
Song hành cùng với Công ty TNHH Dow Chiemical Việt Nam là Công ty CP Khu Công nghiệp Đình Vũ (DEEP C)-đơn vị tiên phong trong việc xây dựng và chuyển hóa các khu công nghiệp truyền thống thành các khu công nghiệp sinh thái.
Theo nội dung thảo thuận đã ký kết thì đoạn đường giao thông thử nghiệm làm từ nhựa tái chế đầu tiên dài 1km tại khu Công nghiệp Đình Vũ, sẽ chuyển hoá gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo-tương đương với khoảng 1 triệu bao bì nhựa được các khách hàng của Dow Chiemical tại các khu vực lân cận cung cấp.
Dự kiến đoạn đường trên sẽ hoàn thành vào tháng 9-2019, sau đó Trường Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên phạm vi toàn tổ hợp khu công nghiệp.
Ông Đỗ Quang Hưng-Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của DEEP C I và III-cho biết: Một trong những mục tiêu chính của sáng kiến khu công nghiệp sinh thái là thúc đẩy sự cộng sinh công nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải công nghiệp.
Trong tương lai, dự án sẽ thu hút chính quyền địa phương, các đơn vị thu gom rác thải và chuỗi giá trị ngành nhựa cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải biển và rác thải nhựa tại Việt Nam, đồng thời phát triển thị trường đầu ra tốt hơn cho rác thải nhựa. Sự hợp tác liên kết trên là một giải pháp cho sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Kim Oanh
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024