09:58 29/08/2022 Từ khi thành phố mở cửa trở lại sau dịch, từ khóa “foodtour Hải Phòng” trở nên thịnh hành với những người ưa thích du lịch và trải nghiệm, nhất là với những bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên trong tương lai để trở thành một loại hình du lịch đặc trưng, thành phố và người dân cần có những nhìn nhận và hành động thích hợp...
Cách hiểu mới về du lịch ẩm thực
Du lịch ẩm thực là khái niệm mới xuất hiện trong khoảng 25 năm trở lại đây, được hiểu là sự tiếp cận và trải nghiệm văn hóa của một địa điểm thông qua ẩm thực tại đó. Tại Hải Phòng, người dân đã quen với từ “foodtour” của giới trẻ, nghĩa là một chuyến đi ăn uống khi tới thành phố và la cà hàng quán để thưởng thức những món ngon.
Du lịch ẩm thực được các nhà nghiên cứu và các tổ chức về du lịch sử dụng với nhiều tên gọi khác có nghĩa tương tự như “culinary tourism”, “cuisine tourism” hay “gastronomy tourism”. Nhưng nhìn chung, du lịch ẩm thực là những hoạt động đa dạng xoay quanh các món ăn địa phương như thăm quan, nấu nướng, thưởng thức, mua sắm… để cảm nhận được sự thu vị và đáng nhớ của nơi đến.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Đồng thời, tỷ lệ khách du lịch với mục tiêu chính là tìm đến những món ăn địa phương đang ngày càng tăng lên. Như vậy, ẩm thực có sức hút rất lớn và là bàn đạp quan trọng trong phát triển du lịch. Du lịch ẩm thực có điểm khác biệt với những loại hình du lịch khác là không giới hạn thành phần khách tham gia.
Nếu như du lịch mạo hiểm, giải trí được phần lớn là người trẻ ưa thích, hay du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh lại thu hút người lớn tuổi hơn thì du lịch ẩm thực lại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, giới tính, điều kiện của khách. Mỗi dịp cuối tuần, không khó để bắt gặp những gia đình nhiều thế hệ, những tốp học sinh và cả những nhóm bạn trung niên từ các tỉnh thành khác cùng đổ về quán bánh mỳ cay hay bánh đa cua nức tiếng ở Hải Phòng.
Ngành du lịch ẩm thực đã được khai thác mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên khắp thế giới với hình thức, đặc điểm khác nhau. Ở châu Á, Thái Lan hay Trung Quốc đã rất nổi tiếng với những món ăn đặc sắc ma hầu như vị khách nào khi đến du lịch cũng phải thử qua một cách dễ dàng tại các khu chợ, chợ đêm hay là những xe đẩy hàng đặc trưng trên đường phố với mức chi phí rất phải chăng.
Ngược lại, ở châu Âu, nhiều thành phố của Pháp hay Ý lại thu hút khách du lịch đến thưởng thức những món ăn được phục vụ trong nhà hàng đắt đỏ hay Đức và Bỉ nổi tiếng với những lễ hội bia được tổ chức đầy sôi động mỗi tuần.
Tại Việt Nam, du lịch ẩm thực đã đươc các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch và nhiều địa phương quan tâm, chú trọng khai thác và quảng bá để thu hút du lịch trong và ngoài nước. Hà Nội với những món ngon phố cổ đã có những danh tiếng nhất định trong giới du khách quốc tế hay Quảng Nam, Huế thu hút nhiều thực khách mong muốn được trở lại để thưởng thức một lần nữa ly chè Huế hay một tô mỳ Quảng.
Phát triển foodtour Hải Phòng
Ngay khi foodtour trở thành hiện tượng mới và thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Hải Phòng, thành phố đã triển khai nhiều công tác liên quan để hỗ trợ du khách và quảng bá du lịch như xây dựng bản đồ foodtour; tập huấn, trao đổi với các hàng quán để nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường bảo đảm an toàn an ninh trật tự…
Tuy nhiên, do lượng khách tăng đột biến và hầu hết các địa điểm ăn uống là các hàng quán kinh doanh nhỏ lẻ nên đã có không ít phàn nàn của du khách tham gia foodtour Hải Phòng về chất lượng và cách phục vụ. Ngoài ra, foodtour Hải Phòng hiện mới thu hút phần lớn là khách từ các tỉnh thành lân cận do chưa có nhiều dịch vụ hoặc hoạt động đi kèm để du khách thấy tương xứng với chi phí và công sức di chuyển từ xa đến.
Như vậy, với mục tiêu trước mắt để foodtour không xuống cấp hay thậm chí biến mất sau một thời gian và mục tiêu dài hạn để từ xu hướng foodtour phát triển thành một loại hình du lịch đặc trưng của Hải Phòng, thành phố và mỗi người dân cần có những nhìn nhận nghiêm túc và hành động phù hợp để nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch.
Một nghiên cứu nước ngoài đã đưa ra phương pháp được tóm tắt bằng thuật ngữ GASTRONIMIC (tiếng Việt: thuộc về ẩm thực) bao gồm các yếu tố tác động đến phát triển cho du lịch ẩm thực (tiếng Anh: gastronomy tourism). Từ phương pháp này, tác giả bài viết liên hệ trực tiếp với thực trạng và điều kiện cụ thể tại thành phố Hải Phòng, bao gồm:
G - Good taste - Ngon miệng: Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để những món ăn uống có thể thu hút khách du lịch. Mỗi nhà cung cấp, nhà hàng, quán ăn uống cần liên tục chế biến, cai thiện món ăn để cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ nhất.
A - Authentic - Chính hiệu: Trong thời gian qua, đã có nhiều phản ánh của du khách foodtour Hải Phòng liên quan đến việc nhầm lẫn giữa các quán ăn tại cùng một khu vực khiến khách lựa chọn phải những quán có chất lượng không tốt nhưng lại treo biển “quán cũ”, “quán chính hiệu”… Mặc dù thị trường luôn có sự cạnh tranh nhưng cần được kiểm soát và đưa ra phương pháp để quản lý và hô trợ du khách, ví dụ như bản đồ foodtour là một trong những công cụ hữu ích đã được áp dụng.
S - Sustainable - Bền vững: Những nhà hàng, quán ăn uống và người kinh doanh các dịch vụ liên quan cần xác định foodtour là một cơ hôi để phát triển kinh doanh lâu dài thay vì buôn bán “chộp giật” để thu lợi trong một thời gian ngắn. Nhiều hàng quán trong thành phố khi có lượng du khách đông đã giảm chất lượng món ăn, tăng giá bán hay có thái độ phục vụ không đúng mực cần nhanh chóng điều chỉnh, thay đổi.
T - Tourist - Du khách: Tương tự như những loại hình dịch vụ khác, các nhà kinh doanh ẩm thực và du lịch ẩm thực cũng phải coi du khách là trung tâm của phục vụ, cần được nhân những hành vi và thái độ phục vụ đúng mực, trân trọng. Mỗi người dân, người bán hàng, người lái xe đều là một đại diện cho thành phố và văn hóa địa phương, từ đó tạo cho khách hàng mong muốn quay trở lại để trải nghiêm và hưởng thụ sản phẩm, dịch vụ trong những lần tiếp theo.
R - Reach - Tiếp cận: Khi du khách đến với thành phố để trải nghiệm ẩm thực, việc tiếp cận dễ dàng với nhà hàng hay các dịch vụ liên quan là cần thiết, giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí và hạn chế các rủi ro. Tiếp cận với thông tin về món ăn, hàng quán, phương tiện di chuyển, cơ sở lưu trú, địa điểm mua bán… và tiếp cận với đội ngũ hỗ trợ, phục vụ, đơn vị kinh doanh… là những mong muốn thiết yếu của du khách khi tham gia du lịch ẩm thực.
O – Organization – Có tổ chức: Từ những xu hướng phát sinh bởi chính du khách, thành phố Hải Phòng có thể chủ động trong công tác tổ chức, quản lý foodtour để thực khách đến với Hải Phòng có nhiều trải nghiệm giá trị hơn. Ví dụ như xây dựng các tổ hợp ẩm thực trong phạm vi nhỏ hoặc chợ ẩm thực vào mỗi cuối tuần. Những dịch vụ, sản phẩm được chính quyền thành phố hoặc các đơn vị uy tín tổ chức sẽ giúp cho du khách an tâm và dễ dàng tham gia hoạt động trải nghiệm hơn.
N - Need - Nhu cầu: Nếu như du khách là trung tâm của sự phục vụ thì mỗi nhu cầu, mong muốn của du khách đều cần được tổng hơp, xem xét kỹ lưỡng và là động cơ phát triển những dịch vụ, hình thức kinh doanh mới hoặc cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch đã có. Nhu cầu của khách hàng không chỉ dừng lại ở việc ăn và uống các món ngon mà ngày càng mở rộng liên kết sang những sản phẩm văn hóa liên quan ví dụ như nguồn gốc và phương pháp nuôi trồng, khai thác nguyên liệu, cách thức chế biến, văn hóa thưởng thức…
O – Opportunity – Cơ hội: Du lịch ẩm thực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch nói chung cho thành phố. Khi khách du lịch đến với Hải Phòng để trải nghiệm và thưởng thức các món ăn, du khách cũng có thể kết hợp tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người thanh phố để tăng thêm giá trị của chuyến đi. Đồng thời, các địa điểm kinh doanh ẩm thực thu hút lượng lớn khách du lịch sẽ có vai trò tốt trong việc quảng bá những địa điểm và hoạt động du lịch khác của thành phố.
M – Marketing – Quảng cáo: Rất cần thiết cho việc phát triển du lịch, đặc biệt là khi muốn lan tỏa về loại hình du lịch mới tới đông đảo du khách từ nhiều địa phương. Bên cạnh việc tập trung quảng cáo riêng về một loại hình du lịch, việc quảng cáo sự kết nối thuận tiện giữa nhiều loại hình, nhiều địa điểm du lịch sẽ góp phần thu hút khách từ các địa phương xa, kết hợp trải nghiệm foodtour và nghỉ dưỡng, thăm thú các điểm du lịch hấp dẫn khác.
I – Internet – Mạng internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung cần được đầu tư nghiên cứu và áp dụng vào hoạt động khai thác du lịch. Thông qua các ứng dụng hoặc công nghệ tin tức, khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận và đón nhận sự hỗ trợ để phục vụ chuyến đi hoặc đảm bảo được lợi ích của mình. Từ đó nâng cao sự hài lòng cho du khách cũng như hình ảnh về thành phố.
C- Clean – Vệ sinh: Song song với chất lượng món ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố của foodtour hay du lịch ẩm thực tại Hải Phòng được khách du lịch rất quan tâm. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần sự chung tay của cả chính quyền và mỗi người dân thành phố để xây dựng và duy trì được uy tín và hình ảnh của du lịch ẩm thực Hải Phòng.
Một quán bánh đa cua nổi tiếng trên đường Phạm Ngũ Lão luôn chật kín khách
Như vậy, không chỉ dừng lại ở một trào lưu, foodtour Hải Phòng nếu được nhìn nhận và đầu tư phát triển đúng hướng sẽ tạo thành một sự thay đổi lớn cho ngành du lịch của Hải Phòng, thu hút khách du lịch, tạo điểm tựa vững chắc cho phát triển du lịch thành phố cũng như phát triển kinh tế xã hội nói chung.
LÊ TẤT
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão