Sau hai ngày họp tập trung vào vấn đề kinh tế và biến đổi khí hậu, Hộinghị thượng đỉnh G8 mở rộng trong ngày họp cuối cùng (10-7) đã xem xétnhững khó khăn mà các nước nghèo nhất trên thế giới đang phải đối mặt.Phút chót, G8 đồng ý chi 20 tỷ USD giúp các nước nghèo.
| Thế giới hiện có hơn 1 tỷ người đói |
Hội nghị Thượng đỉnh G8 nhóm họp tại thành phố L'Aquila, miền trung Italia, quy tụ 40 đoàn đại biểu đại diện cho gần 90% nền kinh tế thế giới, bao gồm nhóm 8 nước công nghiệp hóa, 5 nền kinh tế mới nổi (Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nam Phi và Trung Quốc), và nhiều tổ chức quốc tế. Trước Hội nghị, người ta đã kỳ vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cam kết dành 15 tỷ USD để giúp các nước nghèo phát triển nông nghiệp bền vững. Nhưng vào phút chót, con số cam kết vượt dự kiến 5 tỷ USD.
G8 cho rằng việc đưa ra một hành động quyết định là nhu cầu cấp bách hiện nay để giúp loài người thoát khỏi nghèo đói. G8 đặc biệt lo ngại về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế và việc giá lương thực tăng vọt ở một số nước vào năm ngoái có thể làm gia tăng số người nghèo đói. Số liệu của LHQ cho thấy số người suy dinh dưỡng, đặc biệt ở châu Phi, đã tăng mạnh trong hai năm qua và dự kiến lên tới 1,02 tỉ người năm nay. Nếu không được viện trợ thì tình hình sẽ càng thêm nghiêm trọng.
Trong chương trình hỗ trợ nông nghiệp trị giá 20 tỉ USD của G8, Pháp cam kết đóng góp 2 tỉ USD, Nhật Bản cho biết sẽ góp từ 3-4 tỉ USD và Mỹ có thể đóng góp khoảng 3,2 tỉ USD. Số tiền này sẽ được dùng để cung cấp tín dụng và công nghệ cho nông dân ở những nước đang phát triển và giúp họ tiếp cận các thị trường. Nói cách khác, G8 muốn chuyển hướng từ hỗ trợ lương thực sang công nghệ và thông tin giúp các nước nghèo tự trồng cây lương thực để sinh sống.
Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ làm việc tại những nước nghèo cho rằng số tiền này của G8 không gây nhiều ấn tượng và kêu gọi G8 hành động hơn nữa vào hội nghị năm tới ở Canada. Họ cho rằng khoản tiền 20 tỉ USD trong 3 năm tới chủ yếu là tiền quay vòng vốn và không đủ để giúp 1 tỉ người bị đói hiện nay.
Được biết, năm 2005, tại Scotland, nhóm G8 cũng đã cam kết mỗi nước thành viên sẽ dành từ 0,7% tổng sản phẩm quốc dân cho viện trợ (đến năm 2015) để ủng hộ những nước nghèo nhất. Giờ đây cam kết này vẫn chưa được thực hiện. Italia, chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh L’Aquila, đã giảm đáng kể việc trợ giúp phát triển. Pháp năm nay cũng sẽ không thể dành hơn 0,39% tổng sản phẩm quốc dân cho việc này. Để mục tiêu đạt được vào năm 2015, Pháp cần có thêm 1,5 tỷ euro bổ sung hàng năm. Điều này là bất khả trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Các chuyên gia nhận xét, dù các nước G8 cam kết thực thi đóng góp 20 tỷ USD thì công cuộc chống đói nghèo vẫn còn nhiều gian nan. Như ông Oliver Buston, Giám đốc Quỹ chống nghèo ONE, nói: “Chúng ta biết rằng, cách thức tốt nhất để xóa đói giảm nghèo là bằng con đường phát triển lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Điều quan trọng là không phải cho bao nhiêu tiền, viện trợ bao nhiêu lương thực mà các nước (dù giàu hay nghèo) phải quan tâm đến nông nghiệp, họ phải xem xét nghiêm túc các cách thức thực hiện nỗ lực này sao cho thật hiệu quả”.
VIỆT ANH (tổng hợp) |