18:10 24/12/2014
Vừa qua, tại lễ phong tặng các danh hiệu Làng nghề Việt Nam 2014 do TW Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức, đã có 21 cá nhân xuất sắc đạt danh hiệu “Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam”. Trong số đó, Hải Phòng vinh dự có 3 nghệ nhân ẩm thực được xướng tên, đó là các chị Nguyễn Vân Hương, Nguyễn Thị Phương Liên và anh Lương Thái Bình. Điều đặc biệt là cả 3 nghệ nhân ẩm thực ấy đều đang công tác tại Trung tâm dạy nghề Hội LHPN TP. Ghé thăm họ tại Trung tâm vào một ngày đẹp trời, chúng tôi mới cảm nhận được tâm huyết mà các nghệ nhân đang cố gắng xây dựng cho nền văn hóa nghệ thuật ẩm thực đương đại. “Thổi hồn” món ăn thành tác phẩm nghệ thuật Gặp gỡ nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Phương Liên, sinh năm 1974, chúng tôi ấn tượng khi biết chị đã có gần 13 năm kinh nghiệm công tác và giảng dạy trong lĩnh vực ẩm thực. Đặc biệt sở trường của chị Liên thiên về trình bày, trang trí và nâng tầm món ăn thành tác phẩm nghệ thuật. Nhắc tới cơ duyên đến với nghề, Liên cho biết, từ nhỏ chị đã có năng khiếu về cắt tỉa, cắm hoa. Năm 1989, khi bất ngờ đoạt giải Nhất cuộc thi cắm tỉa hoa dành cho học sinh THPT toàn thành phố thì năng khiếu ấy đã trở thành đam mê mãnh liệt. Vào miền Nam học nghề được một thời gian, chị Liên được những thầy cô giỏi và tâm huyết truyền nghề. Sau đó chị tiếp tục theo học tại Trường cao đẳng kỹ thuật chế biến món ăn tại Hải Phòng để làm dày thêm vốn kiến thức phong phú của mình. Năm 2001, chị được mời về giảng dạy cắt tỉa hoa tại Trung tâm dạy nghề Hội LHPN thành phố. Các thầy giáo khuyên chị nên đi theo con đường về nghệ thuật trang trí ẩm thực, lấy nghề bếp làm nghề chuyên môn. “Lối rẽ” của cuộc đời chị chính thức bắt đầu từ đây… Cầu kì và trau chuốt đến từng chi tiết, đối với chị Liên, để hoàn thành một tác phẩm trang trí món ăn là cả quá trình miệt mài lao động sáng tạo. Bởi theo chị, “công việc này đòi hỏi phải thật khéo tay, kiên trì, đặc biệt là tính sáng tạo để những “đứa con tinh thần” mang bản sắc của riêng mình”. Ngắm nhìn mâm quả kết hình rồng phượng hay mâm quả lưỡng long chầu nguyệt của chị Liên mới thấy sự tài tình trong nghệ thuật ẩm thực. Chỉ từ những loại quả rất thông thường, giản đơn như táo, đào, lê, dưa, cau…, nhờ bàn tay cắt tỉa, trình bày khéo léo của nghệ nhân, chúng bỗng như được “thổi hồn”, khoác lên một lớp áo mới và uyển chuyển xếp cạnh nhau tạo hình long - phượng nghệ thuật.
Thậm chí món ăn với nguyên liệu cơ bản từ trứng - như món trứng hấp vân cũng được chị Liên khéo léo tạo hình giọt nước, rồi xếp chúng theo phong cách nem công chả phượng, vừa sang trọng, vừa tinh tế. Chị Liên chia sẻ: “Những món ăn được nấu ngon mới chỉ đáp ứng được một tiêu chí, còn lại phải trình bày sao cho thật đẹp, công phu, nâng tầm được món ăn cũng đòi hỏi người đầu bếp phải lao động miệt mài và sáng tạo, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các món ăn cao cấp hiện nay”. Với tình yêu nghề và năng khiếu nghệ thuật, năm 2003, chị Liên đoạt giải Nhì cuộc thi giáo viên dạy nghề giỏi thành phố. 10 năm sau, tại Cuộc thi “Chiếc thìa vàng” tổ chức tại Hải Phòng, chị Liên lại cùng với các đầu bếp khách sạn Công đoàn Hải Phòng giành giải Nhì. Không chỉ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn, chị Liên còn là một giảng viên tâm huyết của rất nhiều lứa học trò. 13 năm giảng dạy không ngừng, chị đã có nhiều học trò thành đạt, mở nhà hàng, dịch vụ trang trí tiệc cưới, kinh doanh hoa, cũng có người trở thành những người thầy giảng dạy, truyền bá văn hóa nghệ thuật ẩm thực tại các trường nghề trên cả nước… Tâm huyết truyền nghề chế biến món ăn Còn thầy Lương Thái Bình, sinh 1977, chuyên về kỹ thuật chế biến món ăn và làm bánh, có 5 năm công tác tại Trung tâm dạy nghề hội LHPN TP và hiện là đầu bếp chính của Nhà hàng Hương Cảng. Mỗi khi nhắc tới thầy Bình, các thầy cô của trung tâm đều rất khâm phục bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm và yêu nghề của thầy. Thầy Bình sẵn sàng dạy nấu ăn miễn phí cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài thời gian đi làm, những lúc rảnh rỗi, thầy lên mạng học các món ăn mới rồi từ đó kết hợp giữa ẩm thực truyền thống với ẩm thực hiện đại phương Tây, góp phần nâng cao giá trị ẩm thực truyền thống. Tiếng lành đồn xa, mỗi dịp hè, lớp học nấu ăn của thầy thu hút rất đông các em học sinh cấp 2, cấp 3. Tính đến nay, số học trò của thầy lên đến trên 600 em, trong số đó có nhiều người thành đạt, tự mở nhà hàng hay làm đầu bếp ở các nhà hàng có tiếng trên địa bàn thành phố và một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hà Nội… Còn đối với cô Vân Hương, được nhiều người trong thành phố nể phục về tài nấu ăn. Cô được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Sở LĐ, TB - XH, LĐLĐ, UBND TP và Hội LHPN TP về thành tích trong công tác xã hội và đào tạo nghề nhiều lớp học sinh với chuyên môn chế biến món ăn. Ngoài tham gia công tác giảng dạy ở Trung tâm dạy nghề Hội LHPN thành phố, thực hiện Đề án 295 của Trung ương Hội PN về đào tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, trong 2 năm 2013-2014, cô đã cùng trung tâm đào tạo trên 600 học viên, giúp họ có tay nghề, tự nuôi sống bản thân, thoát nghèo bền vững. Cô Hương còn là giáo viên dạy giỏi thành phố, tham gia đào tạo hướng dẫn cho đoàn viên công đoàn các cơ quan xí nghiệp trên địa bàn thành phố về nữ công gia chánh… Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc TT dạy nghề Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Vinh cho biết: “Chúng tôi tự hào vì có những giáo viên tâm huyết với nghề, nhiệt tình với công việc việc giảng dạy, truyền bá kiến thức như thầy Bình, cô Liên và cô Hương. Tuy đã được phong tặng danh hiệu cao quý nghệ nhân ẩm thực nhưng các thầy cô và bản thân chúng tôi đều tự nhủ phải tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa, cùng chung sức nâng tầm tinh hoa giá trị ẩm thực Việt Nam..” Ngọc Hà - Thu Ninh |
22:29 23/11/2024
09:46 21/11/2024