17:32 19/04/2014
60 năm đã qua đi nhưng đối với ông Phạm Văn Ngọc, 83 tuổi, làng văn hóa Triều Đông, thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng), ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm trí. Là người chiến sỹ Điện Biên năm xưa trực tiếp đánh trận chiếm đồi C1, ông Ngọc cùng đơn vị tự hào được tham gia một trong những trận đánh thần tốc nhất, oanh liệt nhất toàn chiến dịch. Những năm 1947, 1948, làng quê Triều Đông, thuộc xã Minh Đức, thị trấn Tiên Lãng ngày nay thường xuyên phải chịu các đợt càn quét của giặc Pháp. Trong một lần càn, giặc bắt Phạm Văn Ngọc, khi ấy mới 17 tuổi, cùng một số thanh niên ở xã, huyện đem lên giam giữ tại tỉnh Lạng Sơn, nhằm ngăn cấm không cho thanh niên tham gia quân đội. Năm 1950, khi quân đội ta mở chiến dịch biên giới, Phạm Văn Ngọc cùng một số người bạn tổ chức vượt ngục và tình nguyện xin vào quân đội. Sau các bước thẩm tra lý lịch, Ngọc được nhập ngũ vào Đại đoàn 308, đóng quân tại Cao Bằng, khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh được điều động về làm lính bộ binh tại Đại đội 34, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Ông Ngọc kể lại, những năm diễn ra chiến cuộc đông xuân 1953-1954, chiến trường diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, đơn vị ông thường xuyên di chuyển trên các mặt trận. Cuối năm 1953, ông tham gia chiến dịch tiêu diệt địch trên nước bạn Lào, từ Sầm Nưa lên Thượng Lào, đánh đồn giặc, cắt đứt liên hệ đối với cứ địa Điện Biên Phủ. Sau đó, đơn vị ông nhận lệnh về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Chiến dịch Điện Biên Phủ chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ 13 đến 17-3, quân ta tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo (Phân khu bắc).
Đợt 2 chiến dịch bắt đầu từ ngày 30-3 đến cuối tháng 4, các đại đoàn 316, 308, 312 tiến công các cứ điểm phía Đông, gồm các ngọn đồi C1, E, D, A1. Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, đơn vị của ông Ngọc được giao nhiệm vụ mũi nhọn đánh chiếm đồi C1. C1 là cứ điểm trọng yếu cùng với A1, C2 nằm sát gần nhau, địch tổ chức thành khâu phòng ngự then chốt ở cửa ngõ phía đông trung tâm Mường Thanh. Đúng 17h quân ta xuất phát, bằng sự dũng cảm cùng kế hoạch tác chiến hoàn hảo, quân ta dũng mãnh đánh thẳng lên đồi C1. Trong những phút sinh tử ấy, ông Ngọc kể lại rằng, dưới sự hỗ trợ của pháo, đạn cối, ông với khẩu đại liên trong tay cùng đồng đội nhanh chóng đột phá hàng rào dây thép gai, tiến đánh đến đâu lập tức lập chốt đến đấy, chiếm giao thông hào, đào công sự tiếp tục đánh lên. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, bằng sự tác chiến thần tốc, quân ta tràn vào đánh địch, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên giặc, chiếm được cứ điểm C1 sớm hơn gần 1 tiếng so với dự kiến. Tuy nhiên là vị trí quan trọng nên địch liên tục mở các đợt phản kích nhằm chiếm lại đồi C1, ông Ngọc cùng đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ đồi. Ông kể lại, hơn 30 ngày chiếm giữ đồi C1, ta và địch quần nhau từng giờ, từng ngày, thương vong rất lớn, tiểu đội ông hy sinh quá nửa. Làm tổ trưởng tổ tam chế, khi tiểu đội trưởng hi sinh, ông được cấp trên giao nhiệm vụ tiểu đội trưởng chỉ huy anh em phản công địch. Quân ta và địch giằng co nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào, lửa khói bay mù trời, trên đầu là pháo ta và pháo địch quần nhau liên tục. Ông Ngọc tâm sự rằng, khi đó, khi không còn nghĩ đến sự hi sinh thì cái đói, sự mệt mỏi và nhất là khát đã thử thách ý chí kiên cường của người chiến sỹ. Có những lúc tưởng chừng như địch đã đánh bật quân ta khỏi vị trí chiến lược đồi C1 nhưng với tinh thần quyết tử, ông cùng các đồng đội vẫn vững chắc tay súng, kiên trì bám trụ, đẩy lùi từng đợt phản kích của địch. Sau hơn 30 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta hoàn toàn chiếm giữ đồi C1, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt hoàn toàn phân khu phía đông của địch. Ngày 7-5, quân ta bắt sống tướng Đờ-cát, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi vẻ vang. Khi giao liên cầm cờ thông báo chiến thắng trên chiến trường, ông Ngọc cùng đồng đội vỡ òa sung sướng, những người lính cùng nhau reo hò “Thắng lợi rồi, hòa bình rồi”, niềm vui nhân lên gấp bội khi ông được gặp một số người làng trên vùng đất lửa Điện Biên. Năm 1955, ông Ngọc về phục viên. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tái ngũ, rồi tham gia công tác tại Cục Vận tải đường biển Cảng Hải Phòng và nghỉ hưu tại đây. Ông vinh dự được nhận Huy chương Chiến thắng hạng nhất dành cho chiến sỹ Điện Biên do Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký tặng, huy chương Kháng chiến chống Mỹ… Trở về cuộc sống đời thường, ông chăm chỉ lao động sản xuất, nuôi dạy con cái chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước. Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm một thời hoa lửa lại ùa về làm người lính già không khỏi bâng khuâng, xúc động. Hàng ngày, ông lại kể cho con cháu nghe về những chiến công anh dũng của quân đội ta, hun đúc tâm hồn thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về đất nước, quân đội. Quân đội anh hùng của một đất nước anh hùng, bằng tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đem lại cuộc sống ấm no, hòa bình hôm nay. Văn Hải |