Giá lợn tăng mạnh, lo mất cân đối cung – cầu

09:59 13/10/2019

Phục hồi sau đợt lao dốc khủng khiếp 2 năm trước, đợt dịch tả châu Phi hoành hoành từ đầu năm đã khiến giá lợn thịt tái diễn cảnh thảm bại. Nhưng thời gian gần đây, dù dịch tả vẫn đang hiện hữu, nhưng giá lợn thịt đã quay đầu tăng rất mạnh, tiềm ẩn nhiều nỗi lo cho thị trường cuối năm.

Nguồn lợn thịt giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước

          Nguồn cung “thất thủ”

          Hồi tháng 2-2019, khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện bùng phát tại Hải Phòng, giá lợn hơi bình quân lúc đó khoảng 38.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm, có lúc xuống chỉ còn 32.000 đồng/kg.

Nếu như vào đợt lao dốc giá năm 2017, nguyên nhân bởi bội thực nguồn cung chứ không bởi dịch bệnh, thì đợt giảm giá đầu năm khiến nhiều người nghĩ tới một kịch bản khác tồi tệ hơn, đó là tâm lý tiêu dùng.

Nhưng tất cả đã khác xa với dự báo, chỉ vài tháng sau dịch bùng phát và chưa được kìm chế, giá lợn hơi quay đầu phục hồi và tăng vượt mốc, cho đến mấy ngày qua mức tăng có dấu hiệu đột biến.

          Theo bà Nguyễn Thị Hằng – một tiểu thương ở huyện Tiên Lãng, chuyên đem thịt lợn bỏ mối trong nội thành, thì ngay từ đầu năm, dịch tả châu Phi đã khiến nguồn cung lợn thịt khan hiếm.

Nguyên nhân cơ bản nhất là do hậu quả đợt lao dốc về giá năm 2017, nhiều chủ trang trại đã không còn khả năng hoặc không muốn đầu tư tái tạo đàn lợn. Tiếp đó, đợt tấn công của dịch tả không chỉ khiến một lượng lớn đàn lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, mà còn như “dầu đổ vào lửa”, làm giảm sút nguồn lực chăn nuôi của cả Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Chưa hết, hồi giữa năm có tin thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tiểu ngạch lợn thịt từ Việt Nam, tất cả tích hợp lại gây áp lực cho nguồn cung trong nước.

          Đó là quan điểm của thương lãi, còn theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý, thì nguyên nhân cơ bản cũng không khác xa là mấy. Cụ thể, đánh giá của ngành chức năng cho rằng, thời tiết quý 3 vừa qua có nhiều diễn biến bất lợi cho chăn nuôi như nền nhiệt độ ở mức cao, nắng nóng, mưa nhiều, cộng với độ ẩm môi trường cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi tuy đã giảm nhưng tỷ lệ hộ tái đàn còn rất thấp. Trong khi đó tính đến tháng 9, dịch xảy ra tại 18.950 hộ, 1.225 thôn, 175  xã, phường thuộc 13 quận huyện của thành phố, ngoại trừ quận Ngô Quyền và huyện đảo Bạch Long Vỹ vì cơ bản không có hoạt động chăn nuôi.

Trong đó số lợn tiêu hủy 181.304 con (31.405 con lợn nái, 426 con lợn đực giống, 96.487 con lợn thịt, 52.986 con lợn con), chiếm 44,2% tổng đàn của cả thành phố trước dịch, tổng giá trị thiệt hại cho người sản xuất ước 370,27 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo thống kê, tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn Hải Phòng tính từ đầu năm đến nay chỉ đạt 28,98 tấn, bằng 56,26% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng mức giảm gần một nửa. Mặc dù sản lượng các loại thịt khác như trâu, bò, gia cầm và trứng các loại đều tăng, nhưng cũng không thể bù đắp hoặc thay thế được khoảng trống mà lợn thịt tạo ra.

Đánh giá của ngành chức năng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay tình hình chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, thị trường bấp bênh.

Xu hướng chuyển sang nuôi bò rất khó lấp khoảng trống mà ngành chăn nuôi lợn tạo ra

Giá tăng đột biến

Khảo sát thị trường nội thành, giá thịt lợn thời gian qua đang tăng theo ngày. Bà Lê Thị Lụa - một tiểu thương ở chợ An Đà cho biết, cách đây hai tuần giá thịt bình quân chỉ 80 nghìn đồng/kg bán cho nhà hàng và 85 nghìn đồng/kg bán lẻ.

Còn hiện tại, giá thịt bình quân ở mức 95 nghìn đồng/kg, những mặt hàng liên quan như giò chả lụa chế biến từ thịt lợn cũng tăng từ 90 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng/kg.

 Bà Lụa chia sẻ, tăng mạnh nhất là giá lợn hơi, tính cả phí vận chuyển, giá bán giao bình quân cho các hộ giết mổ trong nội thành đã lên tới trên 55 nghìn đồng/kg (tương ứng mức 20% trong vòng hai tuần).

Cụ thể bà Lụa cho biết thêm,  lợn thịt hiện bà con nông dân nuôi phổ biến 3 giống: lợn cỏ được diễn giải là có khoảng 30% lai lợn siêu nạc, lợn “3 máu” có khoảng 70% lai lợn siêu nạc, và lợn siêu nạc 100%.

Giá lợn hơi hiện nay đối với lợn cỏ bình quân là 51.000 đồng/kg, lợn “3 máu” khoảng 53.000 đồng/kg, còn lợn siêu nạc là 57.000 đồng/kg.

Nhưng điều quan trọng là, diễn biến tăng giá quá nhanh đối với lợn hơi, đã khiến các tiểu thương bán thịt khu vực nội thành “trở tay không kịp”, nhiều sạp hàng phải đóng cửa vì thiếu hàng.

          Trở lại với dich tả lợn châu Phi đang hoành hành, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thì việc tái tạo còn khó khăn hơn nhiều so với đợt giảm giá bất thường hai năm trước.

Bởi nếu dịch không được ngăn chặn, thì việc đầu tư đương nhiên sẽ kèm theo nhiều nguy cơ, mà nếu không đầu tư thì thị trường sẽ mất cân đối nghiêm trọng. Kể từ quá khứ cho đến hiện tại, dịch bệnh luôn là nỗi lo bởi tác hại to lớn của nó gây ra trong cuộc sống, dù đó là bệnh cho cây trồng, vật nuôi hay con người.

Đối với dịch tả lợn châu Phi cũng vậy, nó không chỉ khiến người chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp, gây khó khăn cho nguồn cung thực phẩm hiên tại của thị trường, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái tạo nguồn lực trong tương lai.

Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng phải cân đối một khoản kinh phí rất lớn, một mặt tập trung chống dịch, một mặt kịp thời chia sẻ thiệt hại với người chăn nuôi, mặt khác lại lo cân đối cung cầu thị trường.

Trên địa bàn Hải Phòng, báo cáo của ngành chức năng cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì hiện tại không riêng ở Việt Nam, mà cả thế giới chưa có loại thuốc nào ngăn chặn dứt điểm được loại bệnh này.

Trong khi đó, không gian lan dịch ngày càng lớn, với điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa như hiện nay thì việc một vài địa phương nỗ lực cũng không đủ để khống chế, mà công tác phòng, chống dịch phải đồng bộ trên diện rộng.

Trong khi diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy, vì tâm lý nên không ít  người dân đã hạn chế sử dụng thịt lợn, nên giá thịt và các thực phẩm chế biến liên quan dù đang tăng cũng đang ở thế bấp bênh.

Việc khan hiếm và tăng giá đang nghiêng nhiều về giả thiết mất cân đối cung cầu, nghĩa là trước mắt thị trường chưa thể tự điều chỉnh cân đối theo quy luật, để giá các sản phẩm từ lợn trở lại ổn định.

Với những gì đang hiển hiện thì thời gian tới khó khăn sẽ nhiều hơn, việc đầu tư vẫn buộc phải thận trọng, một mặt phải rà soát lại toàn bộ năng lực chăn nuôi để  quy hoạch, một mặt tiếp tục theo dõi dịch bệnh và thị trường để quyết định các giải pháp hiệu quả.

          Rõ ràng, diễn biến thị trường cho thấy một làn sóng mới khó lường liên quan đến giá lợn thịt đang hiển hiện.

Thiết nghĩ những lúc như vậy người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng rất cần sự vào cuộc thiết thực của các cơ quan chức năng, từ việc điều tra khảo sát thực tiễn, kiểm soát ổn định thị trường cho đến rà soát, tư vấn và quy hoạch nguồn cung.

Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tết Nguyên đán Canh Tý đang rục rịch khởi động.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích