Giá vàng tăng, làm khó người người đầu tư

10:58 22/07/2019

Dù nền kinh tế phát triển hay trì trệ, trong xã hội luôn có một bộ phận không nhỏ người dân dư thừa của cải trong sinh hoạt. Bên cạnh việc đầu tư sinh lời từ hoạt động kinh doanh, nhiều người chọn phương pháp tích trữ bảo toàn và phát triển vốn. Tuy nhiên diễn biến thị trường thời gian gần đây khiến nhiều người có tiền vẫn lúng túng.

Lúng túng đầu tư tiền dôi dư

          Biến động thị trường vàng

          Sau một khoảng thời gian khá dài giá vàng mặc dù vẫn diến biến theo hình “sin”, nhưng mức bình quân được coi là khá ổn định. Tuy nhiên trong hơn một tháng trở lại đây, vàng leen tục tăng giá, hóa nhịp cùng làn sóng tăng cao của thị trường thế giới.

Cụ thể tại thời điểm này, vàng đang có mức bình quân giữa mua vào và bán ra khoảng 3,95 triệu đồng/chỉ, đây chưa phải là đỉnh giá của vàng từng đạt được, nhưng cũng là mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

          Điều đáng nói là, giá vàng tăng đã tác động đáng kể tới một bộ phận không nhỏ dân cư, nhất là nhóm người lao động phổ thông, vì tích trữ vàng vẫn là thói quen phổ biến.

Chị Đào Thị Nh. – công nhân làm việc tại một nhà máy giày dép trên địa bàn quận Dương Kinh chia sẻ, thu nhập bình quân của chị hiện khoảng 6 triệu đồng/tháng, trừ các khoản sinh hoạt, nhà trọ, mỗi tháng chị ra tiệm vàng mua 1/2 chỉ, tháng sau đó lại đem 1/2 chỉ đi đổi lấy 1 chỉ, nhưng tháng này giá vàng tăng cao, chị đành để tiền chờ dịp giá vàng giảm xuống. “Nhưng giữ tiền mặt lo lắm, vì mỗi lần phát sinh nhu cầu chi tiêu, tiền để đấy rất khó giữ…”, chị Nh. Nói.

          Còn trường hợp ông Vũ Văn Th. ở huyện An Lão thì cũng tâm trạng không kém. Ông Th. Cho biết, thời kỳ trước ông ở An Dương, khi khu nhà ông được giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp Tràng Duệ, toàn bộ tiền đền bù gia đình ông Th. nhận được là hơn 700 triệu đồng. Xuất thân nông dân, không có khả năng kinh doanh, lại không còn đất để canh tác, ông Th. đem tiền gửi ngân hàng để rút lãi ra chi tiêu.

Thời điểm lãi suất cao nhất lên tới trên 15%/năm, gia đình ông sống tùng tiệm, nhưng giờ đây với mức lãi suất giảm chưa bằng một nửa, mỗi tháng ông chỉ rút ra được vài triệu đồng. Để thì lo tiền mất giá, mà rút gốc ra cũng chưa biết làm cách nào để giữ được nguồn tiền, ông đầu tư mua căn nhà cũ ở huyện An Lão kế bên để ở. Hàng ngày ông Th. Đi phụ xây cho các chủ thầu ở khu công nghiệp, tiền tiếp kiệm được thường chỉ để mua vàng chờ đủ là xây nhà mới, nay giá vàng tăng cao đang khiến vợ chồng ông lưỡng lự.

          Một ví dụ khác cũng ở huyện An Dương, là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Minh C. Với số tiền ngót nghét một tỷ đồng đền bù, thời gian đầu ông C. cũng gửi ngân hàng như ông Th., tuy nhiên khi “sốt” bất động sản, ông C. đem tiền đầu tư vào đất.

Trúng quả được một hai lần, ông C. dồn mua tiếp hai lô đất với giá 11 triệu đồng/m2, nhưng bất động sản lao dốc nên ăm ngoái ông C. đánh liều bán tháo với giá chỉ hơn một nửa so với đầu tư ban đầu. Trớ trêu thay thời điểm này bất động sản lại đang sôi động, Ông T. tâm sự: “ Gà phải cáo, sợ rồi không dám buôn đất nữa, thôi đành mua vàng về giữ cho chắc, vì vàng lúc nào vẫn là vàng…”

          Nhưng ngay cả việc mua vàng dù để tích trữ cũng không hẳn là giải pháp an toàn. Bởi gần chục năm trước giá vàng đã có lúc lên tới gần 5 triệu đồng/chỉ, nhưng mấy năm qua luôn “giằng co” ở mức 3,6 triệu đồng/chỉ. Như đã nói ở trên, chỉ trong hơn một tháng giá vàng đã lên xấp xỉ 4 triệu đồng/chỉ, cho thấy biến động còn rất khó lường.

Giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây

          Lúng túng với tiền dôi dư

          Trước kia, khi nền kinh tế nước ta chưa phát triển, lạm phát ở mức cao, đồng tiền tiết kiệm được chuyển hóa qua nhiều hình thức vật chất khác nhau. Còn hiện nay, trong điều kiện mở cửa hội nhập, vẫn rất ít người chọn cách giữ tiền mặt VND trong nhà. Thay vào đó, những người có tiền dư lại chọn các phương thức tiết kiệm như: gửi ngân hàng sinh lãi, mua bất động sản, đầu tư chứng khoán, tích trữ ngoại tệ và vàng, cho vay nặng lãi…

Song hành cũng tốc độ phát triển, hàng chục năm qua bên cạnh những dự án đầu tư bất động sản theo hướng đô thị hóa, còn một lượng rất lớn đất đai, nhà ở được thu hồi để phục vụ cho các dự án kinh tế, hạ tầng giao thông.

Ở Hải Phòng điển hình là các khu kinh tế như VSIP, Đình Vũ, Cát Hải, Tràng Duệ, Tân Liên, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, các dự án của tập đoàn VinGroup, SunGroup… Khó có thể thống kê được số tiền đền bù được chuyển cho những người dân, nhưng chắc chắn là con số rất lớn, chưa kể một nguồn tiền không nhỏ của xã hội dôi dư từ các hoạt động khác.

          Điều đáng nói là, dù có tiền nhưng nhiều người không có khả năng đầu tư kinh doanh, tự tái tạo và phát triển nguồn vốn. Một thời gian, thị trường chứng khoán là điểm đến đầu tư, nhưng thực tế cho thấy những người “ngập sâu” vào chứng khoán đã phải “ăn quả đắng” đến mức nào. Trong khi đó, một kênh tiết kiệm truyền thống khác là tích trữ ngoại tệ, thì ngay cả giá trị ngoại tệ cũng không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Chẳng hạn như đô la Mỹ, trong 5 năm qua mức độ chênh lệch không đáng kể, thời điểm cao nhất giá đô la Mỹ chợ “đen” đạt trên 23 nghìn đồng/USD, hiện cũng ở mức tương tự. Nhưng việc tích trữ đô la Mỹ dù không sinh lời, vẫn cơ bản giữ được nguồn vốn ổn định. Còn việc tích trữ bằng đồng Euro hay một số ngoại tệ mạnh khác đều bị thiệt hại, khi những ngoại tệ này ngày càng mất giá so với đô la Mỹ.

          Ngay cả việc một số người mạnh dạn đem tiền dôi dư của mình đầu tư vào các hoạt động tín dụng đen hoặc xé nhỏ tự đem cho vay lãi, thời gian qua cũng gặp nhiều rủi ro. Hậu quả thấy rõ là những vụ vỡ nợ, lừa đảo, chiếm dụng tài sản liên tục xảy ra, nhiều gia đình mất trắng cả “chì lẫn chài” khi cho vay.

Trong số đó có không ít “chủ nợ” ảo khi lợi dụng khả năng quan hệ hoặc vị trí công tác, chuyển tiền từ các ngân hàng sang thị trường đen, góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những khoản “nợ xấu” khổng lồ mà chưa có giải pháp thu hồi.

          Có thể thấy thời điểm hiện tại, nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, nhưng việc giải quyết các nguồn tiền dư thừa vẫn là điều nhức nhối, bởi lẽ ngay một số ngân hàng thương mại cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, mà chuyện xảy ra tại một chi nhánh ngân hàng OceanBank tại Hải Phòng là một bài học đắt giá.

Nghĩa là một lượng không nhỏ nguồn vốn trong xã hội đang bị đóng băng, khi hầu hết các kênh hoạt động đều không đem lại hiệu quả như đã nói ở trên.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích