Các lực lượng trung thành với Tổng thống Gaddafi đã mở các cuộc oanh kích và giao tranh trên bộ với lực lượng nổi dậy đang tiến từ miền đông sang miền tây Libya.
| Xung đột ở Libya có nguy cơ thành nội chiến |
Đài truyền hình quốc gia Libya ngày 6-3 đưa tin lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi đã giành lại kiểm soát một loạt thành phố quan trọng, trong đó có thành phố Tobruk án ngữ tuyến đường tới biên giới Ai Cập. Lực lượng chính phủ đã đưa xe tăng vào kiểm soát hai thành phố Zawiyah và Misrata, thành phố lớn thứ ba tại quốc gia Bắc Phi này, đồng thời giành lại Ras Lanuf, thành phố dầu mỏ quan trọng mà lực lượng nổi dậy chiếm giữ ngày 4-3. Cũng theo đài truyền hình Libya, lực lượng nổi dậy cũng rút khỏi Bin Jawad - cách Ras Lanuf 50 km về phía tây bắc - sau khi bị tấn công mạnh mẽ.
Trong khi đó, lực lượng nổi dậy cho hay họ đã đẩy bật lính chính phủ ra khỏi Zawiya, phía tây thủ đô Tripoli, sau một cuộc chiến dữ dội. Họ cũng phủ nhận tin bị đẩy khỏi thành phố Ras Lanuf và Misrata. Đại tá Bashir al-Moghrabi, một trong những thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy ở Ras Lanuf, nói với các phóng viên bên ngoài khách sạn duy nhất tại thành phố: “Ông Gaddafi nói quân chính phủ đã lấy lại Ras Lanuf, nhưng chúng tôi vẫn ở đây, và không chỉ đây mà còn ở miền tây nữa”. Các nhân chứng có mặt tại Ras Lanuf và Misrata xác nhận rằng hai thành phố này vẫn còn trong tay lực lượng nổi dậy.
Sáng qua 7-3, lực lượng nổi dậy mở đợt tấn công mới vào thành phố Bin Jawad. Họ “thề” sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đến được thị trấn Sirte, quê hương của Tổng thống Gaddafi và đến cả thủ đô Tripoli. Hiện lực lượng thân chính phủ đang giữ quyền kiểm soát Sirte, cách phía tây Bin Jawwad chừng 150 km. Các cuộc giao tranh ngày một căng thẳng và quyết liệt nói trên đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng Libya đang tiến tới một cuộc nội chiến.
Trước tình hình căng thẳng ở Libya, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã quyết định gửi đặc phái viên tới Libya để thảo luận với các bên về cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này. Theo tuyên bố của LHQ, ông Abdelilah Al-Khatib, cựu bộ trưởng ngoại giao của Jordan, được cử làm đặc phái viên tới Libya. Ông sẽ tham vấn khẩn cấp với nhà chức trách ở Tripoli và trong khu vực về tình hình nhân quyền, cũng như vấn đề khủng hoảng đang ngày một trầm trọng hơn tại Lybia. Tuyên bố của LHQ có đoạn: “Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về xung đột ở miền tây Libya, đã lấy đi rất nhiều sinh mạng và đe doạ sẽ tiếp tục có đổ máu hơn nữa trong những ngày tới. Ông lưu ý rằng thường dân đang chịu gánh nặng của bạo lực”.
Tại Washington, trong bối cảnh giới chức chính phủ Mỹ thừa nhận khả năng áp đặt vùng cấm bay tại Libya là rất xa vời do vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia, người phát ngôn Lầu Năm góc nói rõ mặc dù Tổng thống Barack Obama khẳng định mọi lựa chọn, kể cả giải pháp quân sự, đều được cân nhắc, song vấn đề này chưa thảo luận cụ thể. Theo người phát ngôn này, việc lập vùng cấm bay tại Libya đòi hỏi phải tấn công phủ đầu làm tê liệt hệ thống phòng không, do đó phải được tiến hành dựa trên sự phối hợp với các đồng minh.
VIỆT ANH (tổng hợp) |