17:43 03/12/2023 Ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao giá trị gia tăng.
Hiệu quả kinh tế cao
Một trong những điểm sáng của tỉnh Hải Dương trong quá trình thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đó là Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc. Bắt đầu mô hình ông nghiệp công nghệ cao từ năm 2017, với quy mô ban đầu chỉ 5.000 m2 đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 15,5 ha nhà màng, nhà lưới chủ yếu trồng dưa lưới ruột xanh và dưa lưới ruột vàng, với đầu tư ban đầu khoảng 330.000 đồng/m2, 1 sào (360m2) khoảng 120 triệu đồng.
Mỗi năm hợp tác xã đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng khoảng 1,2 tỷ đồng/ha. Năng suất trong nhà màng, 1 sào đạt 800-1.000 kg/vụ.
Được biết, hiện sản phẩm rau, quả của Hợp tác xã Tân Minh Đức đã chính thức ký hợp đồng với hàng loạt doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ xuất nhập khẩu Oshitsu Việt Nam, Công ty TNHH Harumidori Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bữa ăn an toàn… Hợp tác xã hiện có 174 hộ nông dân, trong đó, sản xuất trong nhà màng có hơn 40 hộ.
Hộ trồng ít nhất là 2.500 m2, nhiều nhất là 50.000 m2. Đáng chú ý, ngoài lợi ích về doanh thu, sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới đã góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, hạn chế những bất lợi của thời tiết, ít bị sâu bệnh, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, lợi ích xã hội rất lớn, tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt những người già, các thanh niên trẻ, giúp họ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Tại hợp tác xã trả công cho những người đi làm trong nhà màng với mức thấp nhất là 250.000 đồng/ngày, khoảng 7,5 triệu đồng/tháng.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ là hướng đi quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững nhằm thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 28 ha nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới nước và bón phân tự động, bán tự động sản xuất dưa lưới, rau ăn lá, hoa. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Diện tích thủy canh không dùng đất 0,5 ha, chủ yếu là các loại rau xà lách, cải…
Toàn tỉnh cũng có 802 trang trại chăn nuôi, trong đó có 650 cơ sở (80%) đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chăn nuôi khép kín tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, điệm lót sinh học, nuôi an toàn sinh học,...), 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, những năm gần đây, tỉnh Hải Dương xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông minh vào quá trình sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đơn cử, qua hơn 2 năm triển khai Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”, Hải Dương đã hỗ trợ người dân xây dựng được 2,15 ha nhà màng, thuê trên 140 ha đất để sản xuất quy mô lớn.
Tỉnh cũng hỗ trợ mở rộng 212 ha cây vụ đông, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP được 476,8 ha rau, trái cây, 36 cơ sở chăn nuôi VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam), 86,5 ha nuôi thủy sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ nông sản... Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... gần 29 tỷ đồng.
Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp là một điểm sáng và đã đem lại những kết quả đáng mừng, với các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Bên cạnh đó, là các mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh đã cấp được 261 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 1.000 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc nông sản và hiện nay có trên 20 công ty/hợp tác xã/tổ sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Alibaa, Voso, Viettelpost và được tiêu thụ tốt. Hiện đã có 128.578 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố; 1.077 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 35.578 giao dịch, xếp thứ 7/63 tỉnh/thành phố.
THỦY NGUYÊN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão