09:24 22/09/2019 Cách đây khoảng gần hai chục năm, kinh doanh máy công trình đem lại một nguồn lợi béo bở, bởi vậy người ta đua nhau rót tiền vào nghề này. Nhưng mấy năm trở lại đây, thị trường đã có nhiều thay đổi, khiến không ít doanh nghiệp đang dở khóc dở cười khi “sa lầy” trong trong cảnh buôn bán hẩm hiu.
Máy công trình bị cỏ dại xâm lấn trên các bãi ở quốc lộ 5
Hoài niệm về thời “hoàng kim”
Với ưu thế có cảng biển, nơi tập kết lớn nhất miền Bắc các sản phẩm thiết bị công nghiệp nặng, nhưng Hải Phòng lại không phải là địa phương khởi đầu trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm này. Bằng chứng là cách đây hơn hai mươi năm, khi Hải Phòng cơ bản chưa có cơ sở kinh doanh nào đáng kể, thì ở Hà Nội việc kinh doanh máy công trình đã rất phát triển.
Đi dọc quốc lộ 5 cũ, nhất là ở khu vực gần cầu Chui (Gia Lâm – Hà Nội), đã thấy nhiều bãi máy nằm la liệt. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Nhật L.- một cán bộ của doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải nay đã nghỉ hưu cho biết: “Lúc ấy là thời điểm chuyển giao nền kinh tế, chỉ có các doanh nghiệp lớn thuộc Bộ Giao thông vận tải mới đủ tầm và tiền làm điều này”.
Khi cơ chế kinh tế ngày càng rộng mở, ngành xây dựng trong nước phát triển mạnh, kinh tế tư nhân cũng nở rộ, lúc này các “đại gia” từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội mới nhắm đến Hải Phòng. Tất nhiên máy công trình là dạng hàng hóa có giá trị rất lớn, nên Hải Phòng chưa phải là thị trường chính, mà mang nhiều ý nghĩa về cung ứng.
Đặc biệt khi quốc lộ 5 được đầu tư mở rộng, riêng đoạn từ ngã tư đền liệt sỹ Hồng Bàng đến cầu vượt Quán Toan, hai bên đường có hàng trăm bãi kinh doanh xuất hiện. Từ ô tô chuyên dụng, cần cẩu, máy xúc đến xe lu, máy gạt… đủ các loại, chỉ vài năm Hải Phòng nghiễm nhiên trở thành một trung tâm giao dịch lớn, diễn ra tương đối sôi động các hoạt động mua bán máy móc thiết bị công trình.
Ông Nguyễn Nhật L. chia sẻ, gọi chung theo chức năng, hầu hết các thiết bị đều nhằm phục vụ thi công các công trình cầu, đường và nhà ở nên có tên là máy công trình. Còn theo ông Đặng Ngọc T. – Giám đốc công ty T.T chuyên doanh loại máy này, thì việc bùng nổ các hoạt động buôn bán máy công trình vì thời điểm ấy nhu cầu xây dựng tăng cao, các nhà thầu còn nhỏ lẻ, dịch vụ tư nhân mới có cơ hội phát triển.
Trong khi không chỉ những công trình lớn đòi hỏi phải thi công bằng thiết bị hiện đại, mà ngay các công trình dân sinh cũng ít nơi dùng sức người như trước nữa. Chẳng hạn việc nhỏ như việc đào móng, đóng cọc tre cho căn nhà vài chục mét vuông người ta cũng dùng máy nén và đầm thuỷ lực, công trình lớn thì việc đóng cọc bê tông đã có máy chuyên dụng; nhà nhiều tầng phải thực hiện vận chuyển toàn bộ nguyên vật liệu lên cao bằng hệ thống cẩu dọc; làm đường phải có xe lu, máy san gạt, máy trộn át-phan; trong vận tải có các loại xe bơm trộn bê tông, cẩu tự hành…
Cũng theo ông T., thị trường máy công trình Hải Phòng cơ bản được phân nhóm đầu tư như sau: máy làm đất (máy đào, xúc), thiết bị san nền (máy ủi, xe lu, máy san gạt), xe vận tải (đầu kéo), xe cẩu và thiết bị nâng (cẩu thủy lực, cẩu cáp-cẩu lốp, cẩu bánh xích), thiết bị bê tông (máy trải nhựa đường, bơm bê tông), máy và thiết bị khoan, máy nghiền sàng đá, phụ tùng linh kiện…
Về nguồn gốc, có thể nói hiện có tới 100% máy công trình đều là hàng nhập khẩu, trong đó chiếm hơn một nửa thuộc diện đã qua sử dụng. Hầu hết của các hãng nổi tiếng như Komatsu, KATO, Tadano, Sumitomo, Hitachi, Hyundai, Kobelco, Sakai, Volvo, Daewoo, Samsung… từ Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển. Ngoài ra cũng có một số điểm kinh doanh thiết bị mới nhưng chủ yếu của Trung Quốc như Liugong, Sino Track, XCMG… Còn ô tô đầu kéo đã dần hình thành một phân khúc thị trường khác.
Khi thị trường thoái trào
Ông Nguyên Nhật L. kể lại, sau thời kỳ công tác ở công ty Trancimexco thuộc Bộ Giao thông vận tải, nhờ những kinh nghiệm nhập khẩu máy công trình khi còn tại chức, ông L. về mở một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại máy san nền và làm đường.
Ông L. cho biết, bình quân một chiếc máy xúc cũ nhập về đến Việt Nam, tính hết các chi phí lúc đó khoảng hơn ba trăm triệu đồng, bán sang tay được ba trăm đến bốn trăm triệu đồng. Đã có lúc ông L. đầu tư tới 4 “bãi hàng” đặt ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… nhưng giờ đây đành chỉ giữ lại 1 bãi tại Hải Phòng, vì kinh doanh ngày càng khó khăn.
Nói về doanh thu năm 2018 vừa qua, ông L. than rằng bán hàng cả năm chưa đủ trang trải tiền thuê đất và chi phí nhân công, chưa nói đến thuế, lãi vay ngân hàng… Ông ngao ngán chỉ tay vào hơn hai chục chiếc máy xúc ngỏng cổ há gầu ở bãi: “Năm nay mới bán được 3 chiếc, hàng chục tỷ đồng để chết đấy, bảo dưỡng cũng không xuể”.
Chủ một doanh nghiệp khác trên cùng tuyến quốc lộ 5 thì chủ yếu kinh doanh xe đầu kéo và cần cẩu, hiện trên bãi của công ty còn khoảng trên 20 đầu xe các loại. Trong số này chủ yếu là đầu kéo container hiệu Freightliner, International của Mỹ còn mới và gần chục chiếc cẩu Tadano siêu tải, trị giá đều tính bằng tiền tỷ đồng mỗi chiếc.
Ông Vũ Văn H., cán bộ phụ trách giao dịch tại bãi bộc bạch: “Tống đi được mấy lô xe nhưng chưa lấy tiền, đành phải bán chịu cho mấy doanh nghiệp vận tải trong cảng, còn hơn là để han gỉ, chi phí hàng ngày trông vào mấy chiếc cẩu cho thuê, kiếm được đồng nào hay đồng ấy…”.
Theo các chủ kinh doanh máy công trình thì nguyên nhân ế ẩm xuất phát từ cách đây khoảng chục năm, vào thời điểm kinh thế giới khủng hoảng, ở trong nước Chính phủ buộc phải ban hành chính sách hạn chế đầu tư công, khiến nhiều công trình lớn bị ngừng trệ. Tiếp đó là cơn sóng đổ vỡ của thị trường bất động sản năm 2010, tác động trực tiếp đến thị trường xây dựng, làm cho các dịch vụ ăn theo cũng “nằm chơi xơi nước”.
Trong bối cảnh ấy, máy công trình không những không bán được, mà ngay khách hàng cũ là các chủ thầu xây dựng cũng phải bán ra máy cũ vì… không nuôi nổi. Chưa hết, với riêng thị trường Hải Phòng, lúc đó phải đón nhận một lượng máy móc không nhỏ dồn từ Quảng Ninh về, do lực lượng khai thác than “thổ phỉ” không còn chỗ “dụng võ” vì chính quyền Quảng Ninh ra tay dẹp bỏ.
Giờ đây, những yếu tố nêu trên dù không gây áp lực lớn, nhưng việc kinh doanh máy công trình cũng không thể hồi phục. “Mảng xây dựng công trình lớn đã có các nhà thầu lớn, họ đều đã đầu tư khép kín thiết bị chuyên dụng, máy móc cũ hầu hết chỉ phục vụ nhà thầu nhỏ và công trình dân sinh…”, ông Nguyễn Nhật L. giải thích. Theo ông L. thì đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc kinh doanh nhỏ lẻ máy công trình lâm vào tình cảnh như hiện nay.
Lê Minh Thắng
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão