Hãng tin Yonhap ngày 25-4 cho hay quân đội Hàn Quốc đã đưa thêm các cỗ xe bắn rocket đến hai hòn đảo gần biên giới trên biển với CHDCND Triều Tiên để tăng cường phòng thủ.
| Xe pháo của Hàn Quốc |
Các cỗ pháo phản lực dạng chùm 130mm mang tên Kuryong được đặt ở đảo Baengnyeong và Yeonpyeong - nơi từng xảy ra vụ CHDCND Triều Tiên pháo kích làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng. Với 36 khẩu pháo có tầm bắn 23-36km, Kuryong 130mm được phía Hàn Quốc coi là có sức công phá tốt hơn pháo 122mm của CHDCND Triều Tiên. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi triển khai pháo Kuryong ở hai hòn đảo này nhằm tăng cường khả năng đối phó với các cuộc tấn công khiêu khích trong tình huống khẩn cấp”, Yonhap dẫn lời quan chức Hàn Quốc. Cùng với đó, Hàn Quốc đã nâng cấp 20 loại vũ khí được bố trí tại 5 hòn đảo trên biển Hoàng hải để đối phó mạnh với những “hành động” từ phía Bình Nhưỡng.
Trước đó, ngày 24-4, phát biểu tại cuộc mít-tinh kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên Kim Yong-chun đã tiếp tục cảnh báo rằng căng thẳng hiện nay giữa hai miền Triều Tiên có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh. Ông này nhấn mạnh: “Nếu Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng vẫn quyết định kích động cuộc chiến tranh chống miền Bắc, Quân đội Triều Tiên anh hùng sẽ kiên quyết đập tan âm mưu đó”.
Quân đội Triều Tiên đã đe dọa sẽ tiến hành nổ súng một cách không thương tiếc vào các địa điểm ở miền Nam, nơi phát đi các chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng cho rằng Seoul đã thả khoảng 1,2 triệu tờ truyền đơn từ Yeoncheon và khoảng 200.000 tờ rơi qua biên giới từ lầu Imjingak vào tuần trước. Triều Tiên còn cho rằng Hàn Quốc đã khiêu khích bằng cách bắn súng máy hướng về miền Bắc gần đường biên giới liên Triều vào ngày 15-4. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giải thích 3 loạt đạn súng máy K-6 đã bị bắn nhầm trong 1 cuộc diễn tập và đã ngay lập tức thông báo cho miền Bắc thông qua loa phóng thanh.
Các cảnh báo nêu trên được đưa ra vào thời điểm các bên liên quan đang nỗ lực tiến tới các cuộc hội đàm đa phương về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay có thể dẫn đến bùng nổ cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào. Trên thực tế, hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh bởi hai bên mới ký Hiệp định đình chiến năm 1953, mà chưa chính thức ký kết một Hiệp ước hòa bình.
Liên quan đến tình hình Bán đảo Triều Tiên, một nhóm cựu chính khách do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter dẫn đầu cho biết họ đang thực hiện chuyến đi 6 ngày đến Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc trong nỗ lực làm dịu căng thẳng ở khu vực này. Nhóm trên, gồm cả cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, cựu Thủ tướng Na Uy Harlem Brundtland và cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson cho biết họ đang ở Bắc Kinh, dự kiến đến Bình Nhưỡng ngày 26-4, đến Seoul ngày 28-4 và sẽ gặp các quan chức cấp cao, đại diện các tổ chức xã hội, các chuyên gia và các nhà ngoại giao.
Thông báo dẫn lời ông Carter cho biết trong bối cảnh các cuộc đàm phán chính thức dường như đang bế tắc, nhóm cựu chính khách này muốn tìm kiếm cách thức hỗ trợ nhằm giảm căng thẳng và giúp các bên giải quyết những vấn đề then chốt, bao gồm vấn đề phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi đến Bình Nhưỡng, nhóm cựu chính khách này có được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tiếp đón hay không.
VIỆT ANH (tổng hợp) |