16:58 28/10/2024 Từ tháng 1/2024, Sở Văn hóa và Thể thao - Cơ quan thường trực Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phát động Cuộc thi "Sáng tác văn học - nghệ thuật về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" nhân Kỷ niệm 450 năm ngày mất của danh nhân (1585 - 2035). Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận được hàng chục tác phẩm dự thi của nhiều tác giả trong và ngoài thành phố với chất lượng khá cao
Với 2 thể loại ca khúc và kịch bản sân khấu (kịch nói, chèo) ca ngợi thân thế, sự nghiệp; những công lao, đóng góp to lớn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nền văn học, văn hoá, giáo dục của nước nhà, đặc biệt với thành phố Hải Phòng nói riêng, Cuộc thi đã thu hút nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà viết kịch chuyên và không chuyên tham dự.
Trong đó, tác giả Thượng Luyến (tỉnh Bắc Ninh) dành nhiều thời gian, tâm huyết để hoàn thành kịch bản chèo 5 cảnh mang tên: “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm” và sắp hoàn chỉnh tiếp kịch bản “Hiền tài bên dòng Tuyết Giang” và viết ca từ để nhạc sĩ Trọng Tĩnh phổ nhạc cho ca khúc cùng tên.
Tác giả Thượng Luyến chia sẻ, ngoài những tư liệu được cung cấp, ông còn dày công sưu tầm thêm nhiều tài liệu về Trạng Trình - một bậc hiền tài, cả cuộc đời vì nước, vì dân.
Những áng thơ văn, những lời tiên tri của quan Trạng đã được tác giả khéo léo lồng ghép, đan xen nhằm tôn vinh những đóng góp lớn lao của quan Trạng đối với đất nước. “Tôi chỉ mong tác phẩm của mình và các đồng nghiệp góp phần lan tỏa công đức của một bậc hiền tài để hậu thế noi theo…”, tác giả Thượng Luyến bộc bạch.
Là người Hải Phòng, từng có tác phẩm thành công về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tác giả Trần Tuấn Tiến có thế mạnh riêng khi tham gia cuộc thi. Ông cho biết, kịch bản chèo “Tuyết Giang phu tử” tổng hợp từ 4 kịch bản ngắn của mình đã được Đoàn Chèo Hải Phòng thực hiện trong Đề án Sân khấu truyền hình số tháng 12-2021. Vở diễn được đánh giá là tập hợp hầu hết “tinh hoa” về cuộc đời, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Đến với cuộc thi lần này, tác giả đã mạnh dạn tìm chọn nét mới, chưa từng được khai thác về “Song Mai cổ tự” (Ngôi chùa cổ Song Mai), nơi bà Minh Nguyệt - người vợ thứ ba của Trạng Trình vì không có con nên xuống tóc tu tại gia. Câu chuyện vừa thể hiện về Trạng Trình một cách chân thực trong cuộc sống đời thường và cũng cho thấy lòng dân dành cho quan Trạng lớn đến thế nào…
Theo nhiều tác giả có tác phẩm tham gia Cuộc thi để khắc họa được chân dung “cây đại thụ” về chính trị, văn hóa, giáo dục bao trùm suốt thế kỷ 16 của dân tộc như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu công phu, sự truyền tải hấp dẫn, sinh động và giàu sức lôi cuốn.
Số tác giả, tác phẩm thực sự để lại dấu ấn ở lĩnh vực sân khấu, có thể kể đến TS.Trần Đình Ngôn với một kịch bản ngắn và một kịch bản dài; Trần Tuấn Tiến với 4 kịch bản ngắn được tổng hợp thành một kịch bản dài…; ở lĩnh vực âm nhạc hiện có nhạc sĩ Duy Thái cùng một số nhạc sĩ trẻ khác trong và ngoài thành phố…
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân vật lịch sử nổi tiếng với cuộc đời làm chính trị liêm khiết, một thầy giáo có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp giáo dục và cũng là một tác gia lừng lẫy tiếng tăm với khối lượng đồ sộ các tác phẩm triết học, văn học để lại cho hậu thế…
Rất trân trọng với chủ trương của thành phố Hải Phòng là xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân thế giới, GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng cho rằng Hải Phòng cần triển khai nhiều việc để xây dựng hồ sơ thật dày dặn, trong đó có những nghiên cứu, những phổ biến, quảng bá dưới nhiều dạng thức khác nhau. Ông lấy ví dụ như Nostradamus với những dự báo đã được dựng thành các phim: “Một nghìn lời dự đoán của tôi” hay “The man who saw tomorrow” (Con người nhìn thấy tương lai)…
Ngoài ra, hồ sơ cần được giới thiệu ra nước ngoài bằng nhiều kênh khác nhau, được lan tỏa và được thấm dần trước khi được đệ trình lên UNESCO công nhận vào năm chẵn ngày mất của danh nhân. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm qua các sáng tác văn học, nghệ thuật...
VŨ DUYÊN
19:07 06/12/2024
22:06 05/12/2024
Công an quận Kiến An tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Ngọc Vinh về tội Gây rối trật tự công cộng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: 7 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video clip “nhạy cảm” để tống tiền
Tuyên truyền phòng phòng, chống mua bán người đến hơn 400 cán bộ, đoàn viên thanh niên
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão