23:14 02/11/2023 Xã Hoàng Châu (huyện Cát Hải) là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa hữu thể và vô thể độc đáo hấp dẫn khiến cho nơi đây đã và đang là địa điểm lý tưởng để nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian; cũng như là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch mỗi năm.
Xã Hoàng Châu nằm trên đảo Cát Hải thuộc huyện Cát Hải, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km về phía Đông, phía Bắc và phía Đông giáp xã Văn phong, phía Nam giáp biển, phía Tây giáp cửa sông Nam Triệu.
Xã Hoàng Châu là một dải đất ven biển kéo dài nằm ở phía tây nam của đảo Cát Hải và có một phần diện tích bị ngập khi thủy triều lên. Xã có tổng diện tích 103,07ha, với 497 hộ dân và dân số là 1.728 người. Xã được chia thành 4 thôn: Thôn Trên, Thôn Đình, Thôn Giữa và Thôn Dưới.
Hoàng Châu là xã nơi cửa biển, bốn mùa lộng gió, con người nơi đây thật thà, chất phác, thẳng thắn, đầy dũng khí, kiên định, khí phách ngoan cường, dũng cảm đối chọi với bão tố, thiên nhiên nơi đầu sóng, ngọn gió. Là nơi thường chịu ảnh hưởng của thiên tai và sự hung dữ của thiên nhiên, biển cả, người dân Hoàng Châu thờ Mẫu thần Liễu Hạnh hy vọng được bảo vệ và có được một cuộc sống tốt lành hơn.
Đình và miếu Hoàng Châu thờ 3 vị thành hoàng là: Đế Thích Tiên Đình Liễu Hạnh công chúa Thượng đẳng thần, Đô Nguyên Soái Tuyên Nghi chi thần, Phó Nguyên Soái Duy Bài chi thần. Tại Đình Hoàng Châu, nhân dân thường niên tổ chức lễ hội truyền thống vào dịp 3/3 âm lịch giỗ Mẫu Liễu Hạnh và 10/6 âm lịch ngày hội làng.
Đình Hoàng Châu còn bảo tồn được nhiều đồ thờ tự, tế khí và tư liệu có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa. Với những giá trị lịch sử văn hóa, đình Hoàng Châu đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử năm 2005. Ngày 4/7/2014, đình Hoàng Châu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL, ngày 8/5/2017 của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.
Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu Đình Hoàng Châu được tổ chức từ mùng 10/6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của vị thành hoàng và các bậc tiền nhân đã có công khai sinh lập làng là Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa, Thượng đẳng thần còn thờ hai vị Thành hoàng là Đô Nguyên Soái Tuyên Nghi Chi thần và Phó Nguyên Soái Duy Bùi chi thần; đồng thời cũng là để cầu mong cho 1 năm mưa gió thuận hòa, mùa cá bội thu. Dịp này thường có rất đông du khách và những người con làm ăn xa quê trở về dự hội và đoàn tụ cùng gia đình.
Qua các thần phả, sắc phong và các văn bia hiện còn lưu giữ tại đình làng Hoàng Châu, lễ hội Xa Mã - Rước kiệu độc đáo của làng Hoàng Châu từ xa xưa đã được tổ chức vào mùa gió nam, mưa lũ nhiều. Lễ hội đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương lưu bảo tồn, phát huy nguyên giá trị bản sắc tới ngày hôm nay.
Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các nghi thức: Tế cáo yết, tế chính và tế an vị. Ở phần này các du khách thập phương cũng như những người con của làng đều về đây thành kính dâng hương, tế lễ trước ban thờ các vị thành hoàng, cầu mong điều may mắn, an bình trong cuộc sống và tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên. Đồ tế không thể thiếu xôi trắng và các sản vật của địa phương.
Ở phần hội là nghi thức rước kiệu và Xa Mã. Rước kiệu là hoạt động mang đậm sự tín ngưỡng tâm linh, độc đáo. Các nam quan, nữ quan tham gia rước kiệu tại hội làng được chọn phải là những người chưa có vợ, chồng; gia đình không có tang. Khi những chiếc kiệu ngai linh thiêng thần thánh, do những nam thanh nữ tú khiêng ra sân Đình bỗng chạy như bay trên sân đình và đi khắp quanh làng như thần thánh hiển linh.
Và một nội dung được coi là điểm nhấn, thu hút đông sự quan tâm của nhân dân và du khách thập phương đó chính là Xa Mã hay còn gọi là thi kéo ngựa gỗ tái hiện lại cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa. Cuộc thi thường chỉ có hai đội tham gia là giáp Đông và giáp Đoài.
Theo các cụ cao niên trong làng, hội Xa Mã có khoảng trên 300 năm. Xa Mã là 2 khung bằng gỗ chắc chắn, có thể di chuyển, cơ động. Mỗi giá xe có 4 bánh xe bằng gỗ. Trên giá xe có ngựa chiến bằng gỗ, thân to, vững chắc, có dây dương, yếm hoa, cổ đeo lục lạc. Mỗi đội có quân số từ 12 đến 15 người tham gia, với trang phục chỉnh tề theo đúng quy định của hội làng. Các thành viên của hai đội mặc trang phục gọn gàng, quần ống chẽn, đầu chít khăn kiểu đầu rìu màu vàng hoặc đỏ để phân biệt với nhau. Người chỉ huy tay cầm cờ đuôi nheo có màu sắc khác nhau để phân biệt với bên đối phương.
Cuộc chơi bắt đầu khi có hiệu lệnh phát ra từ vị chủ quản, hai ngựa gỗ dưới sự điều khiển khéo léo, nhịp nhàng nhưng rất mạnh mẽ, quyết liệt của người chỉ huy mỗi giáp. Quy định của cuộc chơi bên nào muốn giành giải thưởng của làng thì phải kéo ngựa chạy đủ 3 vòng, không chạm vạch. Điều tối kỵ là không làm tổn thương đến Xa Mã cũng như đối phương và các thành viên trong đội.
Phần thưởng được trao cho đội thắng cuộc là lộc phẩm của Hội đình. Ở cuộc chơi này cả người xem và người chơi có cảm giác rất hưng phấn, như được tham gia một buổi tập trận thực sự. Người chơi thì chơi hết mình, còn người xem thì cổ vũ nhiệt tình. Tiếng hò reo vang lên khắp nơi. Tiếng chiêng, tiếng trống liên hồi sục sôi dồn dập. Một không khí lễ hội náo nhiệt, mang tinh thần thượng võ, đậm đà bản sắc dân gian.
Để làm tăng thêm sự phong phú, hấp dẫn cho ngày hội, hàng năm Ban tổ chức hội làng xã Hoàng Châu còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian như thi đan lưới, bắt vịt, chọi gà tạo không khí vui tươi phấn khởi trong Nhân dân.
Lễ hội Xa Mã không chỉ là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng biển mà còn có tác dụng bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời của cha ông, là dịp để giáo dục truyền thống và tình yêu quê hương, đất nước; củng cố tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng làng xã trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vùng đất, vùng biển thiêng liêng của tổ tiên, ông cha đã để lại, góp phần bảo vệ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Lan Phương