Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất: Tôn vinh những cống hiến các nhà văn lão thành cho nền văn học Việt Nam

19:12 14/12/2023

Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hải Phòng được tổ chức trong không gian trưng bày sống động và hấp dẫn những hình ảnh, sự nghiệp của các nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và các nhà văn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất đã tri ân và tôn vinh các nhà văn lão thành có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà.

  Tôn vinh những cống hiến của các nhà văn lão thành

 Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Hội nhà văn Việt Nam tổ chức một Hội nghị dành riêng cho các nhà văn lão thành. Đó là sự quan tâm của Ban chấp hành với các hội viên đã bước sang lứa tuổi “xưa nay hiếm”.

Chính vì vậy, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hội nghị này cũng có thể gọi là Hội nghị các nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ và cũng để tỏ lòng thương tiếc sâu sắc những nhà văn đã hy sinh trong chiến tranh và mới mất trong mấy năm gần đây.

Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của Nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hầu hết các nhà văn lão thành là những người được sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong số họ, nhiều người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt, thường xuyên đối mặt với đạn bom, cái chết.

 Hội nghị là dịp để tôn vinh, tri ân các nhà văn lão thành, trong đó rất nhiều nhà văn đã là “nhà văn chiến sĩ”, đi qua các cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, sáng tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn thời đại, như những “đoàn quân” đặc biệt mang sức mạnh tinh thần Việt Nam bất diệt, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, những đóng góp quan trọng của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội Nhà văn Hải Phòng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, góp phần vào sự phát triển của thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng tự hào là một trong những cái nôi văn chương, trọng điểm văn học toàn quốc qua các thời kỳ lịch sử với nhiều tên tuổi các Nhà văn lớn như Thế Lữ, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi. Trong nhiều năm qua, đội ngũ các Nhà văn Hải Phòng đã không ngừng nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, sáng tạo nghệ thuật, khẳng định vai trò và dấu ấn của văn học trong sự phát triển đi lên của thành phố.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại thành phố Hải Phòng

Bên cạnh những Nhà văn được Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Asean như Trần Bảng, Trung Trung Đỉnh, Thi Hoàng, đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ vươn lên, tạo được dấu ấn của mình như: Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ, Nhà văn Lê Trung Cường, Nhà văn Đặng Thị Thúy, Nhà thơ Nguyễn Thị Thùy Linh…

Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, động viên, khơi gợi sức sáng tạo, sự nhiệt huyết của các Nhà văn trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Đồng thời, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động văn học như: Ngày thơ Việt Nam; tổ chức các trại sáng tác, Trại viết Lý luận phê bình; Chương trình Bàn tròn văn chương… Hoạt động văn học đã góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật và đời sống tinh thần của Nhân dân thành phố Cảng.

  Dòng chảy kỳ vĩ của biển văn học Việt Nam

 Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết: “Văn học là một trong những thành tố vô cùng quan trọng làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, lan toả vẻ đẹp ấy trong đời sống, đánh thức tình yêu và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam với Tổ quốc của mình”.

“Các nhà văn Việt Nam luôn là những chiến sỹ tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và bảo vệ phẩm giá con người bằng con đường kỳ diệu của văn học, gieo những hạt giống của cái đẹp vào tâm hồn con người. Chỉ khi con người mang trong tâm hồn mình những vẻ đẹp nhân tính thì mới đi qua được sự cám dỗ của những dục vọng thấp hèn, mới có thể dâng hiến cho con người và cho dân tộc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

 Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cùng các đại biểu gặp gỡ các nhà văn lão thành

Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của Nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của Nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hội nghị đại biểu các nhà văn lão thành lần thứ nhất đã tôn vinh sự cống hiến của 3 nhà văn, nhà thơ đã có sự cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của nền văn học Việt Nam, đó là nhà văn Ma Văn Kháng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà thơ Hữu Thỉnh.

 Bằng trải nghiệm của mình qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của dân tộc, các nhà văn lão thành tiếp tục là chỗ dựa tinh thần bền vững và tin cậy, truyền cảm hứng, kinh nghiệm sống và sáng tác, khích lệ cá tính sáng tạo, ủng hộ cái mới cho các nhà văn trẻ sao cho phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Các nhà văn lão thành còn giúp cho các nhà văn trẻ hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình mà đất nước có được hôm nay, thấy rõ hơn những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đã giành được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm tháng qua.

Với những suy tư về thế hệ các nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tôi nghĩ về nền văn học Việt Nam giống như nghĩ về dòng chảy của một con sông lớn, một dòng không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn. Thế hệ nước hôm nay, nối tiếp thế hệ nước trước đó tạo ra vẻ đẹp huy hoàng và kỳ vĩ của dòng sông, cũng như thế hệ nhà văn này, nối tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học”.

“Khi tôi chạm tay vào dòng sông, tôi nhận thấy vẻ đẹp và sức mạnh của nước trong vẻ đẹp của nước hôm nay có vẻ đẹp của nước hôm qua và của ngàn năm trước. Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam trong từng thời đại của lịch sử cũng giống như thế hệ của nước, của dòng sông đang làm nên dòng chảy kỳ vĩ của biển văn học Việt Nam” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định.

 Sự dâng hiến không vụ lợi và những sáng tạo của các nhà văn lão thành cho dân tộc đã trở thành di sản vô giá trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và là một phần quan trọng trong hành trang của các thế hệ nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình.

Các nhà văn lão thành Việt Nam, bằng thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã trở thành tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Họ xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ. Bởi đó là những nhà văn chân chính, cao đẹp cả về nhân cách và văn cách.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích