Hội nghị quốc tế về chống cướp biển và tội phạm trên biển đã khai mạc sáng 18-5 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
| Một nhóm hải tặc Somalia bị bắt và xét xử tại Kenya |
Tham dự hội nghị có 34 chuyên gia an ninh hàng hải và các quan chức từ 40 quốc gia cũng như đại diện của các tổ chức liên chính phủ, trong đó có Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các chủ tàu ASEAN (FASSA) và Hiệp hội quốc tế các chủ tàu chở dầu độc lập (INTERTANKO)…
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin trong việc đối phó và ngăn chặn nạn cướp biển, đặc biệt tại vùng biển Somalia; thảo luận những vấn đề đang gây tranh cãi như nên hay không nên vũ trang cho thủy thủ, cần xử lý như thế nào những tên cướp biển bị các lực lượng hải quân bắt giữ.
Tháng 9 năm ngoái, cướp biển đã gây sự chú ý cho cả thế giới khi tấn công và chiếm giữ tàu MV Faina, tàu chở vũ khí của Ukraina với xe tăng, máy phóng lựu, vũ khí hạng nặng khác. Tháng 11, siêu tàu chở dầu của Arập Xêút mang tên Sirius Star – con tàu lớn nhất từ trước tới nay rơi vào tay hải tặc, trên tàu có số lượng dầu trị giá tới 100 triệu USD. Mỹ, NATO, châu Âu và một số nước châu Á đã triển khai tàu chiến tới Somali thực hiện nhiệm vụ điều tra. Hội đồng Bảo an LHQ đã cho phép các nước truy đuổi cướp biển trên đất liền.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính tới thời điểm hiện tại, cướp biển Somalia đang cầm giữ không dưới 16 con tàu và gần 270 thủy thủ, bất chấp một lực lượng liên hợp gồm hải quân của 16 nước đang tiến hành cuộc đấu tranh chống cướp biển tại vùng Vịnh Aden. Thực tế cho thấy không thể giải quyết nạn cướp biển một cách triệt để nếu chỉ bằng biện pháp vũ lực. Trong một báo cáo, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhận định rằng các biện pháp đấu tranh với tội phạm trên biển đòi hỏi cách tiếp cận tập thể, trong đó bao hàm việc tuân thủ tiến trình hòa bình ở.
Tàu hàng MV Safmarine Pandama bị trúng rocket của cướp biển, phải sửa chữa tại cảng Mombasa, Kenya. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Somalia Mohamed Mohamoud đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Somalia chống cướp biển. Ông Mohamed cho biết Somalia rất mong muốn ngăn chặn nạn cướp biển hoành hành tại vùng biển nước này, làm gián đoạn một trong những tuyến hàng hải lớn nhất thế giới. Tuy nhiên Somalia đang gặp khó khăn do cuộc nội chiến, vì vậy đất nước này cần quốc tế hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị bảo vệ bờ biển và hỗ trợ huấn luyện đối phó với các cuộc tấn công từ ngoài khơi.
Trong khi đó, các nước đã bắt đầu tìm kiếm giải pháp trừng trị cướp biển Somalia. Nga đã bắt đầu thảo luận với Ban Thư ký LHQ về vấn đề thành lập Tòa án quốc tế để xét xử bọn cướp biển bị bắt giữ ở vùng biển ngoài khơi Somalia. Mục đích của cuộc thảo luận là nhằm vạch ra cơ sở pháp lý để xét xử những kẻ đã hoặc đang là cướp biển. Cũng như đa số các nước trong cộng đồng quốc tế, Nga ủng hộ đề xuất lập Toà án quốc tế để giải quyết các nội dung pháp lý liên quan đến vấn đề cướp biển.
Hồi đầu tháng 5 này, Tổng thống Nga Medvedev cho biết Nga sẽ cùng với các quốc gia khác xem xét việc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để xử lý vấn đề cướp biển. Ông Medvedev nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế cần phải giáng trả bọn cướp biển không chỉ bằng biện pháp sức mạnh, mà cả bằng công cụ pháp lý. Sáng kiến của Nga đã nhận được sự tán thành của các đại diện hàng loạt quốc gia.
Nga là một trong số nhiều quốc gia cử tàu hải quân đến vùng biển ngoài khơi Somalia để đối phó với nạn cướp biển lộng hành trên tuyến đường biển chiến lược qua Vịnh Aden.
VIỆT ANH (tổng hợp) |