Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) chỉ ra rằng năm 2008 có ít nhất 925triệu người bị đói. Nếu không có hành động cụ thể, hơn 1 tỷ người sẽlâm vào cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng trong năm nay.
| Nạn đói đang hoành hành ở châu Phi |
Cuối tuần qua, các Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc nhóm G8 (Anh, Pháp, Đức, Italia, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản) đã bắt đầu họp tại Italia cùng với đại diện các nước Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi để tìm cách đối phó với khủng hoảng lương thực có thể sẽ gay gắt thêm do suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Quy mô to lớn của Hội nghị này đã phản ánh tính chất vẫn còn nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực đã bùng lên vào năm 2008 với một loạt những vụ bạo loạn vì đói ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong những tháng vừa qua, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thu hút hầu như toàn bộ sự chú ý của dư luận, khiến cho cuộc khủng hoảng lương thực ít được nhắc đến. Thế nhưng, trong thực tế, theo ghi nhận của LHQ, tình trạng thiếu ăntrên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí còn nặng nề thêm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Theo dự báo của Tổ chức nông lương LHQ (FAO), trong năm 2009, con số người thiếu ăn trên thế giới sẽ vượt mức 1 tỷ, so với 963 triệu người vào cuối năm 2008. Như vậy, mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc đề ra năm 2000 là giảm 1/2 số người nghèo đói trên thế giới từ nay đến năm 2015 sẽ càng xa vời.
Thậm chí, một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỷ người trên trái đất rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực vào năm 2100, do hiệu ứng nhà kính khiến trái đất ấm lên. Viễn cảnh đen tối này có thể xảy ra với xác suất lên tới 90%. Do nhiệt độ khí quyển tăng quá cao, nước mưa có thể bốc hơi trước khi chạm mặt đất. Các mảnh ruộng sẽ khô cằn và bị sa mạc hóa. Người nông dân mất phương tiện sản xuất và không có lương thực để ăn.
Giá ngũ cốc tăng khiến nạn đói càng thêm gay gắt Nhân một Hội nghị tại Bangkok cuối tháng 3 vừa qua, ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc FAO đã phản bác lập luận cho rằng tình hình lương thực thế giới đã được cải thiện nhờ vào việc giá ngũ cốc đã giảm đi. Theo ông, giá cả lương thực trên thế giới vẫn cao hơn 19% so với mức của năm 2006. Nguy cơ những người nghèo bị thiếu ăn, theo ông Jacques Diouf, còn gia tăng với tình trạng các kho dự trữ lương thực trên thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất từ 30 năm nay, trong lúc công việc sản xuất ngày càng bị hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa.
Lời báo động của FAO cũng được LHQ nhấn mạnh. Ngày 16-4 vừa qua, ông David Nabarro, Trợ lý Tổng thư ký LHQ đặc trách hồ sơ an toàn lương thực đã lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ tạo ra khoảng 100 triệu người “đói mới” do hàng chục triệu người tại các nước nghèo đang bị mất công ăn việc làm. Để ngăn chặn nguy cơ này, ông Nabarro cho rằng các nước thành viên G8 có trách nhiệm đưa vấn đề lương thực và nông nghiệp vào trong những chính sách phục hồi kinh tế thế giới.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích, để bảo đảm an toàn lương thực, các nước cần phải gia tăng mức đầu tư vào nông nghiệp, vốn có nguy cơ giảm sụt do khủng hoảng tài chính hiện nay. Một nguồn tin từ phái đoàn Pháp tham gia hội nghị ở Italia cho rằng cần phải nhân sản lượng lương thực thế giới lên gấp đôi từ nay đến năm 2050 để có thể nuôi một dân số sẽ lên đến 9 tỷ người.
Bên cạnh đó, các quốc gia giàu có trong nhóm G-8 phải giữ đúng cam kết tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở những đang phát triển. Được biết, trong số 22 tỷ USD cam kết nhân Hội nghị Thượng đỉnh FAO vào tháng 6 năm ngoái, cho đến giờ mới chỉ có 2 tỷ USD được giải ngân.
VIỆT ANH tổng hợp) |