Hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững và sự hưởng ứng của Hải Phòng (Bài 2)

18:07 06/05/2024

Bài 2: Hải Phòng phát triển kinh tế xanh

Trong xu thế chung của thời đại, Hải Phòng không đứng ngoài cuộc mà bắt tay vào thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xanh từ rất sớm, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp. Điều đáng nói, các ngành thành phố và các doanh nghiêp đã nhận thức rõ nguy cơ, thách thức và tự nguyện phát triển kinh tế xanh vì cộng đồng, vì thành phố và vì chính cuộc sống người dân.

Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố xanh

Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nêu rõ: nhận thức sâu sắc  tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững cho hiện tại và trong tương lai, Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đạt 10,34%, duy trì 9 năm liên tiếp giữ mức tăng trưởng hai con số; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 170 triệu tấn. Hải Phòng cũng là một điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2023, thu hút trên 3,6 tỷ USD.

Quý 1-2024, Hải Phòng đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP (9,32%, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước); so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách nội địa đạt trên 18.900 tỷ đồng, tăng trên 130 %, đạt 50 % dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,74 tỷ USD, tăng trên 18 %.

Ðặc biệt, tại Hải Phòng, Khu công nghiệp DEEP C và Khu công nghiệp nam cầu Kiền định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái, đang đi tiên phong trong việc xây dựng Khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.

                   Đoàn công tác Indonesia tham quan tuyến đường nhựa được làm từ  tái chế rác thải  trong KCN DEEP C

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, ngày 2-12-2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Quy hoạch đưa ra 6 quan điểm phát triển, trong đó, thành phố tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước; sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số.

Thành phố Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của đất nước, đưa  Hải Phòng trở thành một “thành phố xanh” dựa trên cơ sở một nền “kinh tế xanh, bền vững”. Đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh của thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những hành động thiết thực, cụ thể

Đồng chi Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố khẳng định, nhận thức rõ trách nhiệm và lợi ích của thành phố Cảng biển lớn nhất phía Bắc, động lực phát triển của cả vùng, Hải Phòng luôn chủ động và tiên phong chuyển đổi xanh. Theo đó,  Hải Phòng  thành lập Ban chỉ đạo tăng trưởng xanh của thành phố và giao Phó chủ tịch Thường trực làm Trưởng Ban. Các trụ cột chuyển đổi xanh được xác được tập trung, bao gồm: Khu Kinh tế - Khu Công nghiệp; Cảng biển và Logistics; Công nghiệp công nghệ; Thương mại – Du lịch.

Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân nêu rõ, Hải Phòng xác định các trụ cột chuyển đổi xanh là Khu Kinh tế - Khu Công nghiệp; Cảng biển và Logistics; Công nghiệp công nghệ; Thương mại – Du lịch.

           Trong đó, đối với KKT, KCN, Hải Phòng xác định phát triển KCN sinh thái là tất yếu và quyết không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế.  Theo đó, các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác quốc tế, Hải Phòng đều chủ động trao đổi, đề xuất phối hợp triển khai phát triển xanh. Từ năm 2010, Hải Phòng hợp tác với Nhật Bản để phát triển KCN xanh, KCN sinh thái.  Năm 2014, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

 Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Anh Quân khẳng định, trong suốt quá trình từ năm 2010 tới nay, Hải Phòng nỗ lực và thể hiện quyết tâm chính trị cao, nội dung xanh hóa các ngành kinh tế được xác định là nội dung trọng tâm trong các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Thành phố Hải Phòng đã xác định cùng với Thủ đô Hà Nội và Quảng Ninh có vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển của cả vùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới.

           Đáng chú ý, chủ trương phát triển xanh của Hải Phòng nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp. Ông Bruno Jaspeart, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết, hiện DEEP C đã thu hút được hơn 170 dự án với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2030 của DEEP C là giảm phụ thuộc vào điện lưới của EVN bằng cách đa dạng hóa các nguồn cấp điện, tập trung vào năng lượng tái tạo; hướng tới đạt 30% năng lượng tái tạo; kết hợp điện mặt trời với hệ thống lưu trữ điện và kết nối trực tiếp đến các dự án điện mặt trời tập trung hoặc điện gió ngoài khơi. Hiện, các dự án năng lượng tái tạo của DEEP C đã lắp đặt là dự án Năng lượng mặt trời số 1 (DCRED) với sản lượng điện hàng năm khoảng 2.300 MWh, cắt giảm 1.556 tấn phát thải CO2 mỗi năm; dự án Năng lượng mặt trời số 2 (Jupiter GĐ 1) với sản lượng điện hàng năm khoảng 1.100 MWh, cắt giảm khoảng 744 tấn phát thải CO2 mỗi năm; dự án Điện gió của DEEP C & UNISON với sản lượng điện hàng năm khoảng 2.500 MWh, cắt giảm khoảng 1.691 tấn phát thải CO2 mỗi năm.

Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ khẳng định, phát triển xanh và bền vững luôn là mục tiêu ban đầu khi thực hiện dự án của Tập đoàn Sao Đỏ. Hiện nay, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái đang được phối hợp làm việc tích cực với đơn vị tư vấn UNIDO tiến hành từng bước 1 theo đúng qui trình. Mặt khác, nhằm đóng góp chung vào mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” theo COP26 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, đồng thời đưa KCN Nam Đình Vũ thành nơi các nhà đầu tư có thể nhận được nhiều lợi thế cạnh tranh khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất, Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc và đi đến ký kết hợp tác chiến lược với các Tập đoàn năng lượng châu Âu, triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại KCN Nam Đình Vũ, tiến tới sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. 

Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân nêu rõ, Hải Phòng xác định các trụ cột chuyển đổi xanh là Khu Kinh tế - Khu Công nghiệp; Cảng biển và Logistics; Công nghiệp công nghệ; Thương mại – Du lịch.

          Cùng với đó,  Hải Phòng đang tập trung xây dựng khu kinh tế phía Nam thành phố với diện tích rộng 20 nghìn hecta với nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục, tập trung các tổ hợp sản xuất kết nối với logistics, khu vực nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm cảng biển, sân bay quốc tế, khu thương mại tự do…Đặc biệt, Khu kinh tế phía Nam được thành phố Hải Phòng định hướng là khu kinh tế xanh, trở thành hình mẫu thực hiện chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tại thành phố Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

     Hải Phòng cũng đang nỗ lực xây dựng và phát triển Cảng biển xanh, Trung tâm kinh tế biển xanh hàng đầu khu vực. Theo đó, thành phố nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các quy trình vận hành và quản trị các hoạt động của cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng nhằm hạn chế phát thải; cụ thể hóa quy hoạch phát triển cảng biển xanh .

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải nhằm giảm phát thải khí mê- tan.

          Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân, Hải Phòng nhận thức có một số thách thức.  Việc xác định  thu hút các doanh nghiệp có cộng sinh công nghiệp ngay từ đầu là thách thức lớn do các doanh nghiệp bị áp lực thu hồi vốn nhanh, cần phải thu hút đầu tư nhanh. Việc đầu tư cho phát triển theo các tiêu chí xanh, sinh thái xanh, sẽ trực tiếp là tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn nếu không được hỗ trợ tài chính phù hợp. Các mô hình tăng trường xanh thành công trong quốc gia và các địaphương còn hầu như chưa có để thành phố tham khảo, học tập. Bộ chính sách dẫn dắt, kiến tạo cho tăng trưởng xanh ở cấp độ quốc gia, địa phương mới chỉ dừng ở cam kết chính trị và chủ trương mà chưa được thực thể chế toàn diện ở mức độ thực chính sách. Vấn đề đầu tư xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh, chưa thành giá trị phổ biến trong cộng đồng, xã hội.

          Từ đó, Hải Phòng đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bằng cách trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.

Cùng với đó, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương (chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp). Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ. Điểm mấu chốt là phải “xanh hoá” từ ý tưởng nhận thức đến hành động để cùng góp phần kiến tạo một tương lai xanh hơn, tươi đẹp hơn và bền vững hơn./.

                                                                                                                          Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông