Huyện Kiến Thụy: Ứng dụng công nghệ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

10:40 05/11/2021

Khắc phục tình trạng nông dân bỏ canh tác, ruộng đất phân tán, manh mún kéo lùi giá trị gia tăng sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Kiến Thụy thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là xây dựng các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình tích tụ ruộng đất trồng rau màu công nghệ cao tại xã Tú Sơn

Ngày 28-5-2019, UBND huyện Kiến Thụy ban hành Quyết định số 1133/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thí điểm hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, huyện hỗ trợ 50% kinh phí thuê đất ruộng trong 5 năm không quá 3 triệu/ha/năm; hỗ trợ 1triệu/ha cho công tác tuyên truyền vận động tích tụ ruộng đất của UBND các xã; hỗ trợ 50% giống cây trồng vụ đầu tiên. Đây có thể xem là “phát pháo đầu” của huyện trong chiến lược đổi mới hoạt động nông nghiệp theo hướng quy mô lớn gắn với thị trường. Trong năm 2019, trên địa bàn huyện đã triển khai được 11 mô hình với tổng diện tích 86,6 ha. Sau hai năm triển khai thực hiện, các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất đã đầu tư đẩy mạnh thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đáng nói, năm 2021, bên cạnh các mô hình thí điểm tích tụ ruộng đất năm 2019 được UBND huyện hỗ trợ kinh phí, một số tổ chức cá nhân ở các địa phương được sự khuyến khích, chỉ đạo của chính quyền các xã đã tích cực vận động nhân dân cho thuê, mượn lại ruộng tổ chức lại sản xuất, hình thành nên các mô hình sản xuất nông nghiệp mới tại các xã Minh Tân (3 mô hình; Đại Hợp (2 mô hình); Đông Phương (1 mô hình); Thuận Thiên (1 mô hình), Tân Trào (3 mô hình), Hữu Bằng (1 mô hình)… với quy mô từ 8-10ha/mô hình. Tất cả đều được vận hành theo các hình thức sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, cây ăn quả, rau màu công nghệ cao... Theo số liệu tổng hợp sơ bộ, trên địa bàn huyện hiện nay còn duy trì 41 vùng sản xuất tập trung với 2.044 ha, chủ yếu là lúa. Hầu hết các vùng sản xuất lúa tập trung được sản xuất theo hướng cùng trà, cùng giống, cùng cánh đồng; được ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, gặt đập. Đặc biệt nhiều vùng có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị bao tiêu tại các xã Kiến Quốc, Ngũ Phúc. Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện, sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng loạt sẽ thuận lợi hơn trong việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng khoa học - kỹ thuật. Năng suất cũng cao hơn từ 20 - 25%.

 

Các đại biểu tham quan mô hình áp dụng dịch vụ diệt chuột trong sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại xã Tân Trào

Cũng theo đánh giá, các vùng chuyên canh rau của huyện hiện còn ở quy mô nhỏ, sản xuất vụ Đông là chủ yếu. Diện tích sản xuất cây rau ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn chỉ, khoảng 3ha (Tú Sơn, Ngũ Đoan, Kiến Quốc) và được chứng nhận VietGAP còn ít. Trong khi, sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ có thể đem lại doanh thu 450-500 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần so với sản xuất truyền thống. Các vùng sản xuất chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung chủ yếu tại các xã Tú Sơn, Tân Phong, Ngũ Đoan, Tân Trào, Thanh Sơn… theo hướng trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua sản xuất chăn nuôi của huyện phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và đang từng bước hình thành các loại hình liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các nhóm hộ, sản xuất theo chuỗi khép kín, hướng tới sản phẩm chất lượng cao.

Từ thành công bước đầu đó chính là tiền đề để phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, dần hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Thực tế, huyện đã xây dựng được nhiều trang trại tổng hợp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân. Diện tích đất nông nghiệp hoang hóa đang từng bước được thu hẹp. Đến nay diện tích tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp của huyện ước khoảng 236,6 ha.

Mặc dù vậy, Kiến Thụy vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc. Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện, trước hết làkhó khăn trong việc vận động người dân cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất, nhiều nông dân mặc dù không canh tác nhiều vụ nhưng không muốn cho thuê đất do có tư tưởng giữ đất, sợ mất đất, tâm lý giữ ruộng trông chờ có dự án để đền bù. Ngoài ra, do sản xuất nông nghiệp chịu tác động nhiều của thời tiết, dịch bệnh nên nhiều tổ chức, cá nhân còn e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn

Trước thực trạng trên, huyện Kiến Thụy đang tập trung theo dõi, chỉ đạo các địa phương. Trong đó, khâu quyết định thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ; huy động tối đa nguồn lực của nhân dân và các tổ chức, cá nhân để có đủ nguồn lực triển khai thực hiện vác muc tiêu nói trên. Mặt khác, huyện cần phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng... Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện theo chiều sâu và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông