Một loạt các vụ nổ trong sáng qua ở Baghdad đã giết chết ít nhất 95 người và làm bị thương gần 600 người khác. Diễn biến đẫm máu này chothấy đất nước Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực mới.
| Hiện trường vụ đánh bom trước Bộ Ngoại giao Iraq |
Các vụ tấn công ở thủ đô Iraq xảy ra vào khoảng 10h sáng ngày 19-8, trong đó vụ đánh bom đầu tiên ở trụ sở Bộ Tài chính. Vài phút sau đó, một xe ô tô chở đầy bom phát nổ tại khu vực gần trụ sở Bộ Ngoại giao làm hàng chục người thiệt mạng và bị thương. Số nạn nhân tử vong được dự đoán là sẽ tăng thêm. Cùng ngày, khoảng 5 vụ nổ khác, hầu hết do đánh bom xe, xảy ra tại khắp thành phố Baghdad, làm chết ít nhất 8 người.
Có thể thấy, mặc dù tình trạng bạo lực ở Iraq đã có dấu hiệu giảm trong thời gian qua, song các vụ tấn công đẫm máu vẫn xảy ra thường xuyên ở Baghdad và Mosul, nơi được coi là sào huyệt cuối cùng của lực lượng al-Qaeda. Gần đây nhất, hôm 6-8, một vụ tấn công diễn ra tại ngôi làng của người Shiite ở Khazna (cách Mosul 20 km), làm ít nhất 35 người chết, 180 người bị thương và phá hủy hơn 30 căn nhà. Khazna nằm trong khu vực kiểm soát của nhóm dân quân người Kurd, nên vụ việc càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa người Kurd và Arập.
Hiện nay, các tổ chức nổi dậy ở Iraq đang kích động chiến tranh giáo phái và sắc tộc, sau một loạt vụ đánh bom ở Mosul và thủ đô Baghdad làm ít nhất 123 người chết chỉ trong 5 ngày (từ 7 đến 11-8), gần bằng phân nửa số người thiệt mạng trong cả tháng 7. Trước đó, trong tháng 6, Bộ Y tế Iraq thông kê ít nhất 437 người đã thiệt mạng trong hàng loạt vụ tấn công ở nước này. Đây là tháng đẫm máu nhất trong vòng 11 tháng qua ở Iraq.
Số người chết gia tăng bất thường cho thấy bạo lực ngày càng leo thang kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố Iraq hồi cuối tháng 6. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là mẫu thuẫn sắc tộc giữa người Arập và người Kurd. Tướng Ray Odierno, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Iraq, mới đây cũng thừa nhận rằng căng thẳng giữa người Arập và người Kurd là “khuynh hướng bất ổn nhất” ở Iraq. Họ đang tranh cãi về đường ranh giới ở tỉnh Nineveh. Người Kurd muốn tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định giới tuyến thuộc về khu vực tự trị của họ. Tuy nhiên, người Arập phản đối. Mâu thuẫn đã tạo cớ cho những phần tử cực đoan tấn công dân thường và lực lượng an ninh.
Ngoài xung đột sắc tộc, Iraq còn đối mặt với nguy cơ xung đột giáo phái. Tại Baghdad, chỉ trong hai ngày 10 và 11-8 đã xảy ra hơn 10 vụ đánh bom làm 33 người thiệt mạng và khoảng 170 người khác bị thương. Hầu hết các vụ nổ xảy ra ở các quận có đông người Hồi giáo dòng Shiite, nhưng cũng có 3 vụ đánh bom vệ đường ở quận Adhammiya của người Hồi giáo dòng Sunni. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu có thể là gây căng thẳng giữa người Sunni và Shiite. Mỹ cáo buộc Al Qaeda và các phần tử nổi dậy trung thành với đảng Baath (của cố Tổng thống Saddam Hussein) đang kích động căng thẳng giáo phái và sắc tộc nhằm khơi mào cho một cuộc nội chiến ở Iraq.
Nhiều nhà nghiên cứu Iraq cho rằng, bạo lực ngày càng nhiều và đẫm máu hơn khi cuộc bầu cử Quốc hội Iraq tới gần (tháng 1-2010). Những vụ tấn công này khiến nhiều người nghi ngờ năng lực của các lực lượng an ninh địa phương trong cuộc chiến chống lực lượng nổi loạn. Như thoả thuận đạt được giữa hai chính phủ Iraq và Mỹ, sau ngày 30-6-2009, công tác an ninh tại các thành phố do các lực lượng an ninh Iraq đảm nhiệm. Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki hồi đầu tháng này đã cảnh báo các phần tử nổi dậy có thể gia tăng các vụ tấn công trước khi Mỹ rút quân khỏi các thành phố để gây mất lòng tin vào các lực lượng an ninh Iraq.
VIỆT ANH (tổng hợp) |