17:57 03/12/2023 Những năm gần đây, vụ đông của tỉnh Hải Dương luôn duy trì mức gieo trồng khoảng trên 22 nghìn ha cây rau màu các loại. Qua đánh giá, năng suất hầu hết các loại cây trồng đều tăng hàng năm, hoặc tương đương vụ đông năm trước, các cây trồng chủ lực như: hành, tỏi củ, cà rốt, bắp cải, cà chua... được người dân Hải Dương đưa vào sản xuất. Đặc biệt, một số sản phẩm cây vụ đông đang được “xuất ngoại” tới nhiều nước, mang lại giá trị thu nhập cao cho người nông dân.
Cà rốt “xuất ngoại”
Những ngày này, về xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, nơi được coi là “thủ phủ” trồng cà rốt tại Hải Dương, khi đang bước vào vụ thu hoạch.
Trên những cánh đồng, con đường tràn ngập sắc đỏ cà rốt. Tại các cơ sở chế biến, công nhân đang tất bật phân loại, lựa chọn cà rốt để đóng gói sản phẩm xuất khẩu. Đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng chia sẻ: “Xã Đức Chính có truyền thống trồng cà rốt hơn 40 năm.
Cách đây 10 năm, cà rốt của xã đã vươn ra thị trường nước ngoài, nhất là 5 đến 6 năm trở lại đây khi lượng xuất khẩu ngày càng tăng và thị trường được mở rộng, vì thế đã nâng cao được giá trị. Hiện nay, xã có 360ha trồng cà rốt với sản lượng 13 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn còn đi các địa phương khác thuê, mượn đất trồng hơn 1.000ha với sản lượng hơn 40 nghìn tấn/năm”.
Được biết, thị trường tiêu thụ của cà rốt tại xã Đức Chính với 70% được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… còn lại tiêu thụ trong nước. Từ trồng cây cà rốt trong vụ đông, nhiều hộ có thu nhập từ 280 đến 300 triệu đồng. Ngoài cây cà rốt, cây bắp cải cũng đang là thế mạnh.
Theo thống kê, diện tích trồng bắp cải hằng năm của Hải Dương đạt khoảng 2.500ha, chủ yếu sản xuất trong vụ đông với năng suất trung bình từ 480 đến 490 tạ/ha, sản lượng 120 đến 130 nghìn tấn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các địa phương lân cận và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, miền trung khoảng 90%, còn lại 10% được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Malaysia…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết: Các năm gần đây, diện tích cà rốt trồng trên địa bàn đạt khoảng 1.500ha, riêng vụ đông đạt gần 1.300ha, năng suất dao động từ 480 đến 500 tạ/ha, sản lượng 72 đến 73 nghìn tấn/năm. Hiện nay, diện tích cà rốt chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tưới nước bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn khoảng 1.000ha.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, cà rốt của tỉnh Hải Dương chủ yếu được các công ty, doanh nghiệp và thương lái thu mua và tiêu thụ các tỉnh miền trung, miền nam và các thành phố lớn. Phần lớn được các nhà máy, thương lái thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản xuất để xuất khẩu. Sản lượng cà rốt chủ yếu được thu mua vận chuyển về các công ty, doanh nghiệp để sơ chế, bảo quản và chế biến tiêu thụ các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn khoảng 20%. Khoảng 80% được các nhà máy thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Đông, Malaysia, Thái Lan,....
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp và khoảng 50 tư thương thu gom cà rốt tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Nam Sách để sơ chế, đóng gói tiêu thụ nội địa, xuất khẩu ở dạng tươi và một phần sấy khô cung cấp cho công nghiệp chế biến và cấp đông, bảo quản lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Malaysia, các vùng Trung Đông,...
Các doanh nghiệp lớn như Công ty CP CBNSTP Tân Hương, Công ty CP Giống cây trồng và Nông sản xuất khẩu Kiên Giang, Công ty CP XNK Xuân Lộc, Công ty TNHH NSTP Ánh Dương (huyện Cẩm Giàng); Công ty TNHH MTV Hưng Việt, Công ty CP HD Green, HTX Hoàng Nam Phát (huyện Gia Lộc); DNTN Vũ Công, huyện Nam Sách,...
Xây dựng các vùng chuyên canh chủ lực
Được biết, tỉnh Hải Dương đã xác định các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực của từng địa phương. Để phát triển hạ tầng nông nghiệp, UBND tỉnh đã quy hoạch và xác định các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực để thu hút đầu tư. Trong đó, quy hoạch vùng trồng cà rốt rộng 1.100 ha ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh, chiếm 85% diện tích cà rốt toàn tỉnh.
Cụ thể, vùng hành tỏi tập trung 5.000 ha ở huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương. Vùng cà rốt tập trung ở huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh với tổng diện tích 1.100 ha. Vùng su hào, cải bắp, su lơ ở huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành và TP Hải Dương với diện tích 4.000 ha. Vùng dưa hấu, dưa lê ở các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, Nam Sách, Cẩm Giàng và Gia Lộc với diện tích 2.200 ha. Vùng củ đậu rộng 400 ha ở huyện Kim Thành. Vùng vải 5.500 ha ở huyện Thanh Hà, TP Chí Linh. Vùng trồng ổi 1.900 ha ở Thanh Hà và Ninh Giang, 750 ha trồng nhãn tập trung, 850 ha trồng na ở TP Chí Linh…
Lợi nhuận thu được từ trồng bắp cải từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, su hào từ 6 đến 8 triệu đồng/sào, súp lơ từ 7 đến 9 triệu đồng/sào, cà rốt từ 8 đến 13 triệu đồng/sào, hành tỏi 8 đến 12 triệu đồng/sào, cà chua 20 đến 25 triệu đồng/sào. Giá trị sản xuất cây vụ đông tính theo giá thực tế đạt 4.690 tỷ đồng, thu nhập đạt từ 170 đến 700 triệu đồng/ha.
Trong vụ đông này, cơ cấu cây trồng tiếp tục được dịch chuyển tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây rau màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ.
Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì và mở rộng như: vùng trồng hành, tỏi tại thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách; bắp cải, su hào, súp lơ ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành; cà rốt tại Cẩm Giàng, Nam Sách, thành phố Chí Linh, thành phố Hải Dương; khoai tây tại Thanh Miện, Ninh Giang. Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiếp tục được ứng dụng, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất như: cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất khoai tây hay mở rộng diện tích sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, giao thông, dân số, với nhiều sản phẩm đặc trưng, Hải Dương mong muốn sẽ đẩy mạnh xúc tiến các sản phẩm của địa phương lên sàn thương mại điện tử, không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn ở thị trường quốc tế.
THỦY NGUYÊN
Quy chế làm việc Tổ liên ngành vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá
Xử lý một trường hợp ở địa bàn huyện An Lão xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội
Công an huyện Thuỷ Nguyên: Liên tiếp triệt phá 5 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Chân dung nhà vô địch tuyệt đối Giải Thể hình, Sport Physique Cúp Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng mở rộng
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt