16:36 10/06/2018 Công việc thầm lặng, đi trước về sau, đó là cách mọi người hay nói về những bác sĩ gây mê. Bởi trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất, với đủ các thao tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ như: đánh giá tình trạng người bệnh, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê… Đảm nhận tốt vai trò, trọng trách và đặc thù công việc, những năm qua, tập thể y bác sỹ Khoa Gây mê hồi tỉnh- BV Việt Tiệp luôn đoàn kết, đồng lòng, nêu cao y đức người thầy thuốc, hết lòng vì bệnh nhân…
Lặng lẽ và miệt mài cống hiến
0 giờ đêm, phòng mổ của Khoa Gây mê hồi tỉnh BV Việt Tiệp bao trùm sự tĩnh lặng nhưng cũng đầy căng thẳng. Các y bác sĩ đang tập trung cao độ cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Minh, sinh 1991, ở thị trấn Tiên Lãng, bị đâm thấu tim, thấu phổi, vừa được chuyển vào trong tình trạng nguy kịch. Lúc đưa lên bàn mổ, bệnh nhân bị sốc mất máu, đồng tử giãn, nguy cơ tử vong cao. Lúc này, tính mạng người bệnh đặt trong tay bác sỹ.
Đã có quãng thời gian 25 năm công tác tại đây, PGS.TS Cao Thị Bích hạnh, Trưởng Khoa gây mê hồi tỉnh, đã quá quen với những ca cấp cứu nguy kịch trong đêm như thế. Nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho ca mổ cấp cứu, chị cùng can bộ trong khoa chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị cho ca phẫu thuật. Lúc này, các bác sỹ, kỹ thuật viên gây mê nhanh chóng bắt tay vào công việc, làm sao phải đảm bảo gây mê hồi sức an toàn cho ca phẫu thuật đặc biệt này. Không đơn thuần chỉ là một mũi tiêm, là những thao tác gây tê, gây mê, đặt nội khí quản, mà trong suốt ca mổ, bác sỹ gây mê làm nhiệm vụ “canh gác” các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.
Gây mê cho ca phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa (Ảnh Hồng Hải)
Khi mở lồng ngực nạn nhân, các bác sỹ đã lấy ra 5 lít máu đọng, đồng thời khâu vết thương thấu tâm nhĩ trái và vết thương phổi. Bệnh nhân được truyền 5 lít máu và các chế phẩm từ máu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân Minh nhận được sự chăm sóc tích cực, chu đáo của các bác sỹ gây mê hồi tỉnh. Và trong “trận chiến” cam go với tử thần ấy, họ – những “thầy thuốc ở tuyến đầu giành sự sống” đã thức trắng đêm, cùng kíp mổ cứu sống người bệnh giữa lằn ranh sinh tử, trong niềm hạnh phúc vỡ òa…
Gặp các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa gây mê hồi tỉnh, nghe những câu chuyện họ kể, chứng kiến những công việc họ đang làm hàng ngày, chúng tôi càng thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ với những vất vả, những đóng góp lặng thầm của họ trong cuộc chiến “hồi sinh mạng sống cho người bệnh sau các ca đại phẫu”. Lặng thầm làm việc với khát khao cống hiến, với tất cả trách nhiệm, chị Hạnh cùng đồng nghiệp hạnh phúc luôn trào dâng mỗi khi được chứng kiến người bệnh hồi sinh sau những ca phẫu thuật khó. Và có cả nỗi buồn trong sâu thẳm trước những tình huống bất khả kháng…
Cũng như PGS.TS Cao Thị Bích Hạnh, ThS Bác sỹ Vũ Thị Thanh Nga, sau gần 10 năm gắn bó với Khoa Gây mê hồi tỉnh - nơi bệnh nhân được đưa vào luôn trong tình trạng cận kề cái chết, nên chị luôn phải căng mình vì công việc. Đã có nhiều cái Tết, chị Nga cùng đồng nghiệp đón giao thừa tại bệnh viện. Thế nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, chị bảo rằng những lúc đó mình lại càng đồng cảm hơn với người bệnh, người nhà bệnh nhân bởi tình trạng những người được chuyển đến đều khá nặng, ranh giới sống - chết rất mong manh. Nếu không cảm thông, đồng cảm với người bệnh và không chịu được áp lực công việc thì không thể tiếp tục gắn bó được với nghề…
Tận tâm, hết lòng vì người bệnh
Khoa Gây mê hồi tỉnh là một khoa trung tâm của khối ngoại, thực hiện nhiệm vụ: gây mê hồi sức cho tất cả các bệnh nhân được mổ theo chương trình, hoặc mổ cấp cứu; sẵn sàng chi viện cho các bệnh viện trong toàn thành phó khi có yêu cầu; đào tạo bác sỹ gây mê, kỹ thuật viên gây mê, kỹ thuật viên dụng cụ cho các quận, huyện của toàn thành phố, cũng như các địa phương khác; nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học để đáp ứng cho sự phát triển của ngành ngoại khoa.
Trọng trách là vậy song Khoa hiện chỉ có 44 cán bộ là bác sỹ, điều dưỡng và hộ lý, làm việc tại 3 khu vực với 17 bàn mổ gồm: mổ theo chương trình, mổ cấp cứu và mổ mắt. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, cùng với chuyên môn vững vàng, sự đoàn kết, ham học hỏi, tập thể Khoa luôn chủ động trong công việc chuyên môn cũng như nghiên cứu khoa học.
Hằng ngày, Khoa tiếp nhận và chăm sóc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, phần lớn đều ở thể nặng. Theo đó, toàn bộ các khâu gây mê hồi sức, cấp cứu, phục vụ phẫu thuật cho đến bảo đảm gây mê hồi sức cho các kỹ thuật đặc biệt như mổ tim, phẫu thuật lồng ngực –mạch máu, gây mê, hồi sức cho phẫu thuật sọ não, cột sống, phẫu thuật tiêu hóa… đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng trong đơn vị.
Thuốc mê là “thuốc độc”, ai cũng biết điều đó nhưng buộc phải dùng khi lên bàn mổ. Người khống chế “thuốc độc” để trở thành “trợ thủ” không thể làm tổn hại người bệnh, giúp cho quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, không đau đớn và an toàn, đó chính là bác sĩ gây mê. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi trường hợp vì mỗi bệnh nhân có bệnh cảnh khác nhau, ngưỡng chịu đau khác nhau, đấy là chưa kể đa số người bệnh còn có các bệnh lý kèm theo. Người bệnh phẫu thuật đâu chỉ dùng thuốc mê, bác sĩ gây mê còn phải phối hợp thuốc mê với hàng loạt loại hóa chất khác tùy từng cuộc mổ. Vì vậy có rất nhiều những biến cố luôn rình rập. Giai đoạn thoát mê, hồi tỉnh là giai đoạn có nhiều biến chứng xảy ra nhất, vì vậy các bác sỹ và điều dưỡng phải theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh như nhịp tim, huyết áp, hô hấp, thần kinh, chảy máu…nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các rối loạn khi mới bắt đầu xảy ra.
Tuy nhiên, cùng với những trang thiết bị hiện đại, để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra, đòi hỏi người làm công tác gây mê hồi sức phải tâm huyết với nghề nghiệp, tận tâm với người bệnh; mọi phương tiện, dụng cụ phải được chuẩn bị sẵn sàng, vô khuẩn, phù hợp; luôn có sẵn thuốc, dịch truyền và máu; đảm bảo cấp cứu kịp thời, bảo vệ tính mạng cho người bệnh.
Với đội ngũ cán bộ, bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu, tập thể khoa luôn trong tư thể chủ động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chuyên môn ở mức cao nhất, hiện khoa có thể triển khai thực hiện hầu hết các phẫu thuật, thủ thuật khó đảm bảo an toàn về gây mê và hồi sức. Chỉ tính riêng năm 2017, Khoa hoàn thành 13.525 ca phẫu thuật, vượt chỉ tiêu kế hoạch 104%, trong đó phẫu thuật loại I gần 6.500 ca, phẫu thuật loại II là 4750 ca, phẫu thuật loại đặc biệt 736 ca. Cũng trong năm qua, Khoa đã đưa vào thực hiện thường quy một số kỹ thuật mới như: gây mê lưu lượng thấp, đặt ống Carlen, mask thanh quản, gây tê tủy sống một bên, gây tê ngoài màng cứng đặt Catheter giảm đau sau mổ… Do đó, chi phí gây mê cho một ca được giảm tới mức tối đa mà vẫn đảm bảo an toàn, đúng quy chế chuyên môn.
Tiếp xúc với những bệnh nhân nặng vừa được phẫu thuật, đang nằm điều trị tại bệnh viện, chúng tôi ghi nhận một thông tin hết sức đáng mừng: tất cả đều chung sự hài lòng với thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ bác sỹ gây mê cũng như kíp phẫu thuật. Bệnh nhân Mai Thị Cần, 83 tuổi, bị thoát vị bụng, hiện đang điều trị tại BV Việt Tiệp cho biết: “Trước khi phẫu thuật, bác sỹ gây mê đã động viên, hỏi han và giải thích cặn kẽ các bước tiến hành, điều đó khiến tôi bớt lo lắng và sợ hãi. Sau mổ, tôi còn được các bác sỹ tư vấn thực hiện giảm đau sau mổ, nên sức khỏe tôi đang bình phục tốt…”
Song song với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, y bác sỹ trong khoa còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Đã có 3 đề tài cấp thành phố được nghiệm thu, xếp loại xuất sắc và áp dụng có hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, như: “Quy trình gây tê tủy sống trong phẫu thuật bụng dưới tại Hải Phòng”, “Gây tê đám rối thần kinh cánh tay bằng Bupivacain” và “Gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sau mổ”. Một đề tài đang tiến hành “Nghiên cứu ứng dụng điện não số hóa trong điều chỉnh độ mê ở các bệnh nhân được phẫu thuật tại Hải Phòng”
Với những nỗ lực, đoàn kết hết lòng vì người bệnh, Khoa Gây mê hồi tỉnh đã nhận được nhiều phần cao quý của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế và UBND TP. Đó là động lực để những thầy thuốc gây mê hồi sức tiếp tục cống hiến, giành lại sự sống và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão