Không để ai bị bỏ lại phía sau…

08:41 30/09/2019

Vào những ngày cuối thu nắng vàng như tỏa mật, chúng tôi phấn khởi sải bước trên các vùng quê của Hải Phòng. Cảm nhận đầu tiên là sự phong quang sạch sẽ của những đường làng ngõ xóm được trải bê tông thẳng tắp. Thấp thoáng trong vòm cây xanh mướt là những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ tươi. Với sự nỗ lực không ngừng của những người dân, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền đoàn thể, các ngành các cấp… nông thôn Hải Phòng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều xã, huyện đang vững vàng về đích nông thôn mới. Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân ngày càng ổn định, “thay da đổi thịt” rõ rệt, góp phần an sinh xã hội, bảo đảm ANTT cơ sở.

Những niềm vui nhỏ…

Chúng tôi vẫn nhớ như in dáng vẻ tất tả cũng ngấn nước mắt còn loang loáng của chị Vũ Thị T, ở xóm 1, thôn 5, xã Bắc Sơn (huyện An Dương) khi chị hồi tưởng lại những ngày đã qua. Hồi chồng còn sống, bao nhiêu của nả trong gia đình chị đều lần lượt đội nón ra đi theo tiếng gọi của “nàng tiên nâu”. Trong tận cùng nỗi vất vả ấy, động lực an ủi để chị Thúy tiếp tục sống là 2 cô con gái Lê Thị Th. và Lê Thị L. đều ngoan ngoãn, ham học.

Ngày con đỗ đại học, cầm tờ giấy báo trúng tuyển của con mà lòng chị quặn thắt vì không biết xoay xở ra sao. Thế rồi những đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện An Dương đã giúp Th., rồi tiếp đến là L. theo trọn giấc mơ đến giảng đường đại học. “Hiện 2 em đều đã ra trường và có việc làm, nếu không có NHCSXH thì thật không biết mẹ con tôi giờ ra sao nữa” – chị Th. chia sẻ.

Cán bộ tín dụng PGD NHCSXH huyện Tiên Lãng kiểm tra hiệu quả sử dụng đồng vốn hộ chị Nguyễn Thị Doan

Hơn ai hết, chị Nguyễn Thị Doan, ở thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, là người cảm nhận được sâu sắc nhất hiệu quả mà đồng vốn chính sách đã đem lại sinh kế cho mẹ con chị trong thời gian qua. Chồng mất sớm, bản thân mắc bệnh thận, đứa con gái đang độ tuổi đến trường cũng được “di truyền bệnh thận” như mẹ, cậu con trai vừa mới đi làm…

Trăm thứ khó đổ lên đôi vai người phụ nữ mang trong mình trọng bệnh khiến nhiều lúc chị hoang mang không biết tương lai của mấy mẹ con sẽ ra sao. Với 60 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, chị Doan đã đầu tư cải tạo chuồng trại, thả 1.000 con gà giống và cải tạo nhà vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hàng ngày nhìn đàn gà lớn dần sau bao công chăm sóc sắp đến ngày xuất chuồng, chị Doan đã dần cảm nhận được sinh kế ổn định, rộng mở mà mẹ con chị đang hướng tới…

Hay trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Đủ, ở thôn Văn Xá, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, cũng là một điển hình cho việc vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Cách đây mấy năm, vì sinh kế anh Đủ phải ly hương vào Nam kiếm sống. Thế nhưng một tai nạn đã cướp đi của anh một chân. Trở về quê hương với một chiếc chân và cái nạng gỗ, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thế nhưng ông trời không triệt đường sống của người có ý chí. Nhờ đồng vốn chính sách, vợ chồng anh xoay ra nuôi lợn, mở cửa hàng nhỏ bán thức ăn chăn nuôi. Lúc rảnh rỗi anh nhận xay xát gạo, rồi cắt tóc cho người làng nuôi ba con nhỏ ăn học. “Hiện giờ cũng không đến nỗi thiếu lắm, cũng mong sớm đủ để các con đỡ khổ” – anh Đủ cười hồn hậu.

Những nỗi niềm cảm xúc mà các hộ dân nhờ đồng vốn chính sách thoát nghèo, ổn định cuộc sống và dần dần vươn lên làm giàu mà chúng tôi có dịp được đến tận nơi, được lắng nghe và chiệm nghiệm thực tế không chỉ ở những xã phường như Đồng Bài (Cát Hải), Hùng Tiến (Vĩnh Bảo) hay Thượng Lý (Hồng Bàng) mà còn vươn xa đến huyện đảo tiền tiêu của thành phố như Bạch Long Vỹ….

 Những niềm vui ấy như những đốm lửa nhỏ thắp lên ngọn lửa lớn ấm áp nghĩa tình và đầy nhân văn mà cấp ủy chính quyền từ thành phố đến các cơ sở; từ các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội các quận huyện đến các tổ chức xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên) nhân lên. Qua đó góp phần cùng xã hội chung tay hợp lực, đồng hành chia sẻ, làm vơi bớt những khó khăn nhọc nhằn của những người dân nghèo nơi những miền quê, dần vững bước ổn định cuộc sống.

Để không còn người nghèo…

Đối với những vùng ngoại thành, nông thôn, hải đảo, do khả năng phát triển kinh tế  hạn chế nên người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, thông tin hạn chế nên trước đây không ít hộ dân phải xoay xở bằng cách vay tiền của tư nhân với lãi suất cao để đầu tư phát triển sản xuất, lợi nhuận đem lại rất thấp. Tuy nhiên những năm qua, nhờ việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thuận lợi hơn rất nhiều nên bà con có điều kiện đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế, phát triển sản xuất, từng bước ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến quận huyện, phường xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... thành lập các tổ tiết kiệm, phối hợp cùng Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn; xây dựng phương án sản xuất để sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Nhất là việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế để đưa vào sản xuất.

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nhằm trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng trước khi bắt tay vào sản xuất. Nguồn vốn vay được các hộ dân trong xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất; sửa chữa nhà ở, xây dựng các công trình phụ... Qua đánh giá, kiểm tra thực tế, các hộ vay vốn đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Nhờ đồng vốn chính sách, anh Nguyễn Văn Đủ dần ổn định cuộc sống

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Nguyễn Ngọc Sơn: Đến nay mạng lưới hoạt động của NHCSXH TP đã phủ rộng tới 220 điểm giao dịch xã. Hàng tháng phục vụ tín dụng cho nhân dân ngay tại địa bàn xã như một ngân hàng thu nhỏ và có trên 2.764 tổ tiết kiệm và vay vốn, 900 hội đoàn thể cấp xã, phủ khắp các thôn, xã trên địa bàn thành phố.

Hàng ngày các cán bộ tín dụng chính sách cùng các hội đoàn thể, chính quyền địa phương sát cánh với nhân dân nắm bắt sự khó khăn, nhu cầu về vốn để phục vụ nhân dân kịp thời; tích cực động viên hộ nghèo, các đối tượng chính sách mạnh dạn tham gia vào sản xuất để giúp cho kinh tế gia đình, xã hội có thêm thu nhập. 

Tín dụng chính sách đã giải ngân cho hơn 152.945 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp cho hơn 12.576 hộ hộ thoát nghèo, 1.848 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho trên 8.670 lao động; giúp cho hơn 22.940 HSSV có vốn để trang trải chi phí học tập; gần 120.000 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh... Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều người nghèo ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề.

Có thể nói, những năm qua, cùng với nỗ lực của toàn xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại nhiều địa phương trên địa bàn Hải Phòng.

Nhiều đối tượng chính sách nhờ vậy đã vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, làm giàu cho gia đình, xã hội. Nhiều giấc mơ đến giảng đường của các học sinh sinh viên được tỏa sáng; nhiều công trình vệ sinh nước sạch được xây dựng…

Chất lượng đời sống của người được nâng lên rõ rệt, đường làng, ngõ xóm vệ sinh sạch – đẹp, nhà ở và các công trình phục vụ nhà ở được xây sửa ngăn nắp, gọn gàng; môi trường được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, ý thức người dân được nâng cao cùng nhau chia sẻ các công việc của xã hội, tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Niềm tin, sự phấn khởi được nhân rộng, lan tỏa khiến bức tranh nông thôn mới của Hải Phòng ngày càng khởi sắc, tươi sáng, đúng theo tinh thần mà của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông