Không chủ quan với bệnh tay chân miệng

    09:14 28/11/2018

    Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố, tình hình dịch tay chân miệng (TCM) diễn biến phức tạp, với số ca mắc bệnh tăng cao. Phóng viên báo ANHP có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ, Bác sỹ Chuyên Khoa II Hoàng Sơn, Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng về diễn biến bệnh cũng như cách phòng, điều trị bệnh TCM trong cộng đồng.

    PV: Xin bác sĩ cho biết đôi nét về bệnh TCM và diễn biến của bệnh trong thời gian qua?

    BsCKII Hoàng Sơn: TCM là bệnh thường quy, mỗi năm có 2 thời điểm chính phát hiện dịch là các tháng 4,5,6 và 10, 11, 12. Bệnh TCM do vius đường ruột (EV) có nhiều loại gây bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắc–xin phòng bệnh. Ở Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riệng, bệnh TCM miệng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều nhất là trẻ em dưới 3 tuổi, thường do 2 chủng virus chủ yếu là Coxsackievirus A.16 và do EV.71 gây nên.

     Bác sĩ Hoàng Sơn thăm khám bệnh nhân TCM

    Dấu hiệu điển hình của bệnh TCM là phát ban dạng bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối. Bệnh có thể gây biến chứng nặng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, chẩn đoán, xử trí kịp thời. Với sự giao lưu tiếp xúc như hiện nay thì nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng khá cao.

    Hơn nữa sự lây truyền giữa người với người qua cười nói, hắt hơi, cầm nắm các vật dụng ăn uống, sinh hoạt... cũng là các yếu tố dễ gây ra dịch. Đáng lưu ý, bệnh TCM trong giai đoạn khởi bệnh rất dễ nhầm với một số bệnh khác như: viêm da, thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm đường tiêu hóa, sốt virus, viêm màng não.

    Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã tiếp nhận khám và điều trị nội trú cho trên 3.000 ca mắc TCM. Chỉ tính riêng từ tháng 9-2018 đến nay, số ca nhập viện điều trị nội trú do TCM lên đến trên 700 ca…

     PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với cộng đồng trong việc phòng, phát hiện và điều trị TCM?

    BsCKII Hoàng Sơn: Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây do các virus đường ruột, đường lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, phân dịch, bóng nước của trẻ bệnh hoặc gián tiếp qua vật dụng, đồ chơi dùng chung với trẻ bệnh. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có dấu hiệu sau: sốt, nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân,...

    Nên đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có một trong các dấu hiệu như: sốt cao 39oC hoặc sốt liên tục trên 2 ngày; quấy khóc liên tục, khó ngủ, hoặc ngủ li bì; giật mình, chới với, hốt hoảng; đi đứng loạng choạng, run giật, yếu tay chân; da nổi bông; nôn ói nhiều.

    Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý: thường xuyên rửa tay cho trẻ sạch sẽ; lau chùi vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch khử khuẩn Chloramin B hoặc surfanios, hoặc dung dịch Javel như: zonrox.

    Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh TCM, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện khi mắc TCM và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

    Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, để tránh lây cho trẻ lành và tăng cường bổ sung dinh dưỡng nhằm tạo sức đề kháng cho trẻ.

    PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông