Khu bảo tồn biển quốc gia Bạch Long Vỹ : Những giá trị còn tiềm ẩn

16:03 15/12/2019

Năm 2013, khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ-khu bảo tồn biển quốc gia đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập đã khẳng định vị thế và giá trị của hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Để tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng và phát triển khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ, rất cần những chính sách mang tính “đòn bẩy” để tôn vinh các danh hiệu về tự nhiên, văn hoá, du lịch và cả những giá trị kinh tế, chính trị của hòn đảo ngọc này.

Đảo Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc bộ và cách cảng Hải Phòng khoảng 135km. Trong hệ thống các đảo ven bờ Việt Nam thì đây là một trong ba đảo xa nhất, chỉ sau đảo Hòn Hải thuộc quần đảo Phú Quý và đảo Thổ Chu. 

Kết quả điều tra, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Bộ NN&PTNT cho thấy khu vực biển đảo Bạch Long Vỹ có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú, đa dạng, trong đó có khoảng 1.500 loài gồm cả sinh vật biển, thực vật trên cạn, chim, lưỡng cư, bò sát và các loài cá. Đặc biệt, đây cũng là vùng biển có rạn san hô tốt nhất miền Bắc với 94 loài được phát hiện và có hơn 80 loài cư trú ở khu vực Đông Bắc đảo.

Chưa hết, thêm một cái nhất nữa, Bạch Long Vỹ cũng là một trong 8 ngư trường có trữ lượng cá lớn của vịnh Bắc bộ với trữ lượng 78.000 tấn và khả năng khai thác là 38.000 tấn /năm. Du khách trong nước và nước ngoài đã từng thưởng thức đặc sản biển thì cá mú, bào ngư, hải sâm, ốc, mực… được đánh bắt, nuôi trồng tại hòn đảo này không thể trộn lẫn với bất cứ vùng biển nào khác.

Tuy vậy, để bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật thì khu bảo tồn biển quốc gia Bạch Long Vỹ cũng được chia thành các phân khu. Trong đó, trên diện tích hơn 27.000 ha, được chia thành phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 2.500 ha; phân khu phục hồi sinh thái gần 4.600ha; phân khu phát triển gần 6.900 ha; tiếp đến là vùng biển phía ngoài khu bảo tồn và khu vực vành đai bảo vệ. Việc phân khu nói trên cũng trên cơ sở nghiên cứu cho thấy vùng biển Bạch Long Vỹ có môi trường và hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu.

Cùng với những giá trị về mặt kinh tế thì Bạch Long Vỹ cũng được đánh giá là có đủ điều kiện để phát triển thành một điểm du lịch-nghỉ dưỡng, phục vụ cho những du khách ưa thích biển và du lịch sinh thái. Trong chuỗi các điểm du lịch biển ven bờ như Cô Tô, Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Trà Cổ thì các tàu du lịch ven biển có thể ghé vào hòn đảo với kích thước không quá nhỏ nhưng có đủ không gian như đồi, thềm bãi cát, bãi tảng, nổi trên mặt biển xanh.  

Còn nữa, đây cũng là hòn đảo mang huyền thoại đậm chất Việt. Từ ngàn đời nay sử sách đều lưu truyền, người Việt Nam là con rồng, cháu tiên. Hình tượng rồng cũng là biểu tượng thần bí, linh thiêng, không thể thiếu trong văn hoá và tâm linh từ làng xã đến nơi thờ tự tôn nghiêm.

Có truyền thuyết rằng, khi người Việt gặp nạn giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng đã sai rồng mẹ đưa theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp dân đánh giặc. Nơi rồng mẹ hạ xuống là vịnh Hạ Long, nơi rồng con xuống là vịnh Bái Tử Long và nơi rồng quẫy đuôi nước trắng xoá là đảo Bạch Long Vỹ, tức là đuôi rồng trắng. Bên cạnh đó, Bạch Long Vỹ cũng còn những cái tên đẹp khác là Phủ Thuỷ Châu-hòn ngọc nổi trên mặt nước và Hoạ Mi-đảo có hình dáng chim hoạ mi.

Trên hòn đảo ấy có chùa Bạch Long được xây dựng từ năm 2009 với diện tích khoảng 300m2, toạ lạc ở trung tâm đảo như khẳng định chủ quyền quốc gia trên đảo. 

Nhiều đảo, quốc gia đảo đã lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn, như Inđônêxia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singgapo. Đặc biệt, Hải Phòng đã có Cát Bà, rồi trong nước là Cô Tô-Quảng Ninh, Hòn Mun-Khánh Hoà, Phú Quốc, Bình Ba, Cù Lao Chàm… với giá trị kinh tế từ du lịc là hàng chục triệu USD/năm.

Bạch Long Vỹ đang rất cần những chính sách mang tính “đòn bẩy” để xây dựng và quảng bá các danh hiệu, thương hiệu sẽ mang lại những lợi ích chính trị, kinh tế quan trọng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và hài hoà giữa bảo tồn và phát triển của vùng biển giữa vịnh Bắc bộ.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông