Kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 243,48 tỷ USD

09:59 09/08/2019

Kết thúc 1/2 chặng đường của năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 243,48 tỷ USD, tăng 8,0% (tương ứng tăng 18,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, nước ta ước tính nhập siêu 34 triệu USD...

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 quý đầu năm 2019, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 44,06 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2018, tiếp tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Nông sản Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,6%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 6 tháng của năm 2019 với thị trường này đạt 159,69 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó trị giá xuất khẩu là 62,5 tỷ USD, tăng 2,9% và trị giá nhập khẩu là 97,2 tỷ USD, tăng 8,9%.

Châu Âu tiếp tục là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,75 tỷ USD, tăng 1,7%; châu Đại Dương đạt 4,66 tỷ USD, tăng 7,7% và châu Phi là 3,31 tỷ USD, giảm 2,4% so với 6 tháng/2018.

Điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là nhóm mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao trong tháng 6 với 3,78 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2019, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 23,5 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (28 nước) đạt 6,33 tỷ USD; xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 4,18 tỷ USD, tăng 81,9%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,37 tỷ USD, tăng 6%... so với cùng kỳ năm trước.

Hàng dệt may trong tháng 6 kim ngạch xuất khẩu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng của năm 2019 lên 15,09 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Sau ½ chặng đường của năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 7,03 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trướ, và chiếm 46,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản tiêu thụ 1,77 tỷ USD, tăng 4,4%; thị trường EU (28 nước) tiêu thụ 1,98 tỷ USD, tăng 5,1%...

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá xuất khẩu trong tháng 6 là 2,97 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước; đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của 6 tháng lên 15,52 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 2 quý đầu năm 2019, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Trung Quốc đạt 3,98 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường EU (28 nước) đạt 2,41 tỷ USD, giảm 5,6%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt 2,3 tỷ USD, tăng mạnh 77,1%; sang Hàn Quốc đạt 1,35 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%...

Nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) trong 2 quí đẩu năm đạt 8,4 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 với 2,91 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2018; tiếp theo là thị trường EU (28 nước) là 1,3 tỷ USD, giảm 10%; sang Hoa Kỳ với 802 triệu USD, giảm 22,2%...

6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập siêu 34 triệu USD

Có thể nói, những tín hiệu nửa chặng đường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là hoàn toàn khả quan. Điều đáng nói, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện luôn có sự thay đổi đáng kể. Tháng 5 nhập siêu 1,3 tỷ USD, 5 tháng nhập siêu 434 triệu USD. Sang tháng 6 xuất siêu 400 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019 ước tính nhập siêu 34 triệu USD và chắc chắn những tháng tiếp theo cán cân này sẽ còn nhiều biến đổi.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cùng với dung lượng thị trường còn tương đối lớn, kim ngạch XK hàng hóa năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới, sáng tạo sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho XK. Đặc biệt, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và FTA Việt Nam - EU dự kiến được ký kết và có hiệu lực trong năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất mới.

Đáng chú ý, từ phía nội lực, các DN đã và đang có xu hướng đầu tư mạnh hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đà cho tăng trưởng XK bền vững. Chính vì vậy, năm 2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của DN trong nước không chỉ nhanh lên mà có giai đoạn đã vượt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của toàn bộ nền kinh tế. Kết quả này có được một phần là do DN đã nỗ lực vươn lên, sáng tạo… Đây là yếu tố giúp kim ngạch XK có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới của năm 2019 này.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông