13:58 17/07/2023 Sáng 17-7, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 16 chính thức khai mạc. Đồng chí Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì. Dự kỳ họp có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Quốc hội; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Trước phiên khai mạc, các đồng chí Thường trực Thành ủy; lãnh đạo HĐND thành phố; UBND thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Ủy viên Thường trực HĐND thành phố ; các vị tổ trưởng tổ đại biểu HĐND thành phố tới dâng hương, tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thành phố và Đài tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-7. Tuy nhiên, để tập trung phòng chống cơn bão số 1, Thường trực HĐND thành phố quyết định rút ngắn thời gian xuống còn 1,5 ngày, bế mạc vào sáng 18-7 với tinh thần là vẫn bảo đảm các nội dung cơ bản của kỳ họp.
Kỳ họp xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố nêu rõ: Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Trước hết, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023 và bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế thành phố tiếp tục có mức tăng trưởng cao so với các địa phương cả nước; an sinh xã hội và đời sống nhân dân cơ bản ổn định; các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng – an ninh đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Tuy nhiên, với những khó khăn chung của thế giới, khu vực, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của thành phố chưa đạt kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố tập trung phân tích thẳng thắn, đánh giá khách quan, xác thực, toàn diện và thực chất về các kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, khả thi, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, đặc biệt là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn đến năm 2025.
Thứ hai, HĐND thành phố sẽ xem xét, thảo luận, thông qua 22 nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi như phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố; quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; chính sách tặng quà của thành phố cho các đối tượng chính sách và đối tượng đặc thù và nhiều nội dung quan trọng khác.
Thứ ba, về hoạt động giám sát, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét và quyết nghị một số nội dung quan trọng về hoạt động giám sát của HĐND thành phố như Chương trình hoạt động của HĐND thành phố khóa 16, giai đoạn 2024-2026; Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND thành phố; thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; kết quả giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của HĐND thành phố, UBND thành phố, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố; các báo cáo chuyên đề của UBND thành phố theo quy định; báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cụ thể của cử tri tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố; nghe thông báo của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng về kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 và hoạt động của Đoàn tại kỳ họp; nghe báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về công tác tham gia xây dựng chính quyền.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng sẽ thực hiện miễn nhiệm đối với đại biểu HĐND thành phố và bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố theo thẩm quyền.
Để thực hiện tốt các nội dung kỳ họp, đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, chất lượng để các Nghị quyết của HĐND thành phố được thông qua, sớm đi vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng – an ninh và đời sống nhân dân thành phố.
Ban hành các quyết sách để tận dụng nguồn lực phát triển thành phố
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khoá 16 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi toàn thành phố đang khẩn trương tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, để đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được của nửa nhiệm kỳ vừa qua; củng cố niềm tin, kiên định mục tiêu, quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra, sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh những thành tựu nổi bật trong phát triển KTXH thành phố 6 tháng đầu năm. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém.
Đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá cao HĐND, Thường trực HĐND thành phố đã hoạt động rất tích cực, có nhiều đổi mới, khoa học, hiệu quả. Nổi bật là công tác chuẩn bị chương trình, nội dung kỳ họp lần này khá chủ động, kịp thời, linh hoạt bổ sung nhiều nội dung quan trọng để phục vụ nhu cầu cấp thiết vì sự phát triển của thành phố.
Hoạt động giám sát trực tiếp hoặc thông qua các phiên chất vấn, giải trình củaHĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố được tăng cường, đổi mới; nội dung giám sát trúng trọng tâm, được đông đảo cử tri và nhân dân thành phố quan tâm; qua giám sát đã phát hiện, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện để tháo gỡ những tồn tại hiện nay. Công tác chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND thành phố và HĐND cấp huyện ngày càng hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, 100% quận, huyện thực hiện kỳ họp số, kỳ họp không giấy tờ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy ghi nhận và biểu dương sự đóng góp rất quan trọng của HĐND , các vị đại biểu HĐND thành phố và tinh thần cố gắng, nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và đối ngoại của thành phố thời gian qua.
Để bảo đảm hiệu quả kỳ họp, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu HĐND, các vị đại biểu HĐND thành phố phát huy cao độ tinh thần dân chủ, khách quan, trí tuệ, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân tập trung thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 và cả nhiệm kỳ, nhất là những chỉ tiêu, nhiệm vụ khó khăn, cần sự nỗ lực lớn và giải pháp hiệu quả để hoàn thành.
Thứ hai, đối với các nghị quyết quan trọng liên quan đến chủ trương chính sách lớn, đề nghị HĐND, các vị đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận kỹ lưỡng, thẳng thắn, đi sâu, làm rõ tính khả thi, hiệu quả, phân tích, đánh giá tác động của chính sách khi áp dụng trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, công cụ hiệu quả để các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhanh, giải phóng các nút thắt về thể chế, hạ tầng và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của thành phố.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, quyết định ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tận dụng nguồn lực, triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ chiến lược để phát triển thành phố, mà gần nhất là các mục tiêu phát triển đã được đề ra theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; nghiên cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tạo động lực mới phát triển thành phố Hải Phòng.
Thứ tư, Đảng đoàn HĐND thành phố tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, phát huy vai trò, khẳng định vị thế chính trị, pháp lý là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; tăng cường các hoạt động tiếp xúc theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri trực tiếp tại cơ sở để lắng nghe toàn diện, đầy đủ, trực tiếp ý kiến của nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát đối với những vấn đề lớn, tác động sâu rộng, trực tiếp đến đời sống của nhân dân, với mục tiêu vì lợi ích chung của thành phố và nhân dân. Đặc biệt quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất sau giám sát.
Thứ năm, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cần tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động của HĐND và UBND thành phố, nhất là việc tham gia góp ý, giám sát, phản biện với tinh thần công tâm, khách quan, huy động sự tham gia vào cuộc của những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà trí thức nhằm nâng cao chất lượng của các nội dung kiến nghị; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình tham gia, góp ý, giám sát, phản biện theo tinh thần Kết luận số 19 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Bí thư Thành ủy mong muốn mỗi đại biểu HĐND thành phố, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cương vị và trách nhiệm công tác của mình cần tiếp tục củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc, quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc, thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 ở mức cao nhất, tạo động lực cho các năm tiếp theo và hoàn thành kế hoạch, mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2026.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), thay mặt Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy bày tỏ lòng tri ân và gửi lời thăm hỏi ân cần đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Nỗ lực, quyết tâm cao nhất hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH năm 2023
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, QPAN 6 tháng đầu năm; bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, 6 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nổi bật là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tập trung thao gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Đáng chú ý, UBND thành phố chủ động đề xuất, tích cực triển khai một số nhiệm vụ kinh tế xã hội cấp bách năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đã hoàn thiện hồ sơ và đang trình các cấp thẩm định về Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Hải Phòng tăng trưởng 9,94%, đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,28%. Tổng thu ngân sách đạt 46.490 tỷ đồng, giảm 15,17% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 44,4% dự toán Trung ương giao; 39,93% dự toán HĐND thành phố giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 81.791 tỷ đồng, tăng 11,96% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 13,22 tỷ USD, tăng trưởng 1,59%; bằng 42,64% kế hoạch năm. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng đạt 69 triệu tấn, giảm 3,44% so với cùng kỳ, bằng 37,35% kế hoạch. Tổng lượng khách du lịch đạt 3,466 triệu lượt người, tăng 10,07% so với cùng kỳ, đạt 47,49% kế hoạch năm. Thu hút vốn FDI đạt 1,98 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch năm…
Chủ đề năm về đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; chuyển đổi số đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, thành phố cũng có bước phát triển khá tích cực; xếp thứ 3/63 về chỉ số PCI; xếp thứ 2/63 về chỉ số CCHC; chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp trong nhóm cao nhất; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) ở vị trí thứ 10. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả, thành tựu.
Thành phố cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm cững chắc QPAN, giữ vững ổn định chính trị, TTATXH…
Tuy nhiên, kết quả phát triển KTXH thành phố 6 tháng qua bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Các chi tiêu chủ yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp, thu hút khách du lịch chưa bám sát kế hoạch đề ra. Sản lượng hàng qua cảng, tổng thu ngân sách nhà nước, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, chưa đảm bảo yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Công tác giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu; mới khởi công, khánh thành 6/18 dự án trọng điểm năm 2023.
Một số dự án công nghiệp lớn chậm tiến độ so với dự kiến. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tốt; tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân trong một số lĩnh vực quan trọng như xây dựng nông thôn mới còn khá chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao; nhiều thị trường quốc tế lớn, truyền thống bị thu hẹp; nhiều đơn hàng, hợp đồng phải tạm dừng để điều chỉnh và đàm phán lại giá.
Đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động của nhân dân. Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, chuyển đổi huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận... còn khá chậm. Tiến độ thực hiện chủ đề năm về chuyển đổi số còn chậm, mới phê duyệt 32/74 nhiệm vụ. Tình hình an ninh kinh tế, an ninh mạng còn diễn biến phức tạp.
Từ sự đánh giá và phân tích đó, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố bổ khuyết 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.
Theo đó, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển KTX năm 2023; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Thành ủy; Ban Thường vụ Thành ủy; kỳ họp HĐND thành phố. Đồng thời, tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 của thành phố; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm QPAN; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và liên kết vùng…
Một số nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu rõ là: phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách; phát huy vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến số 3,4,5,6,7,8 tại Lạch Huyện; nâng cấp một số tuyến đường giao thông; hoàn thiện đề án tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng…
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030 để trình ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; khẩn trương thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Cầu Rào 2 tại quận Lê Chân và Dự án nhà ở xã hội tại quận Kiến An; các hạng mục nhà ở xã hội trong Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã khởi công.
Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết về Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP, hướng đến những sản phẩm đặc trưng, vừa phát triển nông nghiệp, vừa là sản phẩm du lịch; tập trung tối đa nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết sẽ hoàn thành thủ tục dừng thực hiện vĩnh viễn Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường có mặt cắt ngang 100m Lạch Tray - Hồ Đông để nghiên cứu phương án đầu tư mới phù hợp quy hoạch và điều kiện thực tế; chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Lạch Tray - Hồ Đông để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại kéo dài, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để chỉnh trang đô thị, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân tại khu vực…
Xem xét nhiều báo cáo, tờ trình
Trong ngày làm việc 17-7, HĐND thành phố nghe trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị chung của cử tri thành phố tham gia vào nội dung Kỳ họp thứ 11; kết quả giám sát về triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố; Tờ trình của Thường trực HĐND thành phố về: Chương trình hoạt động của HĐND thành phố khóa 16 giai đoạn 2024 - 2026; Chương trình giám sát năm 2024 của HĐND thành phố; thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; thông báo về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền; kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại kỳ họp. Kỳ họp cũng nghe các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố.
Tại phiên họp, HĐND thành phố nghe lãnh đạo UBND thành phố trình bày các tờ trình của UBND thành phố về: Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh, bổ sung (lần 6) Kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; Điều chỉnh Kế hoạch, bổ sung (lần 2) đầu tư công thành phố năm 2023; dự kiến Kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2024; nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2045; nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên đến năm 2045; Xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2025; danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố; quy định nội dung, mức tặng quà hàng năm của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9; chương trình An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2023 – 2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố thay thế Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND thành phố; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 10 ha đến dưới 500 ha để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố; điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất; mức vốn ngân sách nhà nước dự kiến cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố năm 2023; phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đề thực hiện một số dự án trên địa bàn thành phố.
Trong phiên làm việc chiều 17-7, HĐND thành phố thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh đại biểu HĐND thành phố khóa 16 đối với đồng chí Trần Anh Cường, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố do đã chuyển công tác tới địa phương khác. Đồng thời bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố ./.
Hồng Thanh
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024