Kỷ niệm 73 năm lần đầu Bác Hồ về thăm Hải Phòng (20/10/1946-20/10/2019): Tên Người sống mãi với non sông

14:58 20/10/2019

Cách đây 73 năm, ngày 20-10-1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước. Nơi đặt chân đầu tiên sau chuyến công du dài ngày trong bối cảnh đất nước vừa dành độc lập, chính là bến Ngự (điểm đầu tiên của đường Hoàng Văn Thụ - Hải Phòng ngày nay).

Bác Hồ thăm Cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu)

Nhớ mãi mùa thu năm ấy

Trong hồi ký “Những tháng ngày không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “16 giờ ngày 20-10-1946, chiến hạm Đuymông Đuyếcvin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác cập bến Ngự.

Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cột tàu cao chót vót. Con tàu rúc một hồi còi dài, chưa bao giờ ở bến cảng này lại có một hồi còi làm rung động trái tim của hàng chục vạn con người như chiều hôm ấy…”.  

Cũng theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hải Phòng đã đón tiếp Bác thật chu đáo, toàn bộ lực lượng vũ trang sắp thành hàng rào đứng dọc các tuyến đường nơi Bác đi qua.

17 giờ, Bác qua cầu tầu vào trong cảng, quân nhạc cử hành quốc ca, hàng quân danh dự Vệ quốc đoàn nghiêm trang dưới cờ đỏ sao vàng. Hình dáng quen thuộc của Bác với bộ quần áo ka-ki bạc trắng hiện ra, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lập tức rền vang. Hòi còi Nhà hát lớn thành phố dõng dạc cất lên, báo tin vui khắp thành phố giờ phút Bác đặt chân lên đất Cảng.

Trong quốc thiều vinh quang, quốc thiều của một nước độc lập, tự do vừa thoát khỏi gần trăm năm dưới xiềng gông nô lệ, Bác dự lễ chào cờ và duyệt đội danh dự. Các chiến sỹ ta giản dị trong bộ quân phục xanh, đầu đội mũ ca-no, súng cắm lưỡi lê, cùng với những sỹ quan mũ gắn sao, vành vàng, tay cầm gươm tuốt trần.

Duyệt đội danh dự xong, Người bước tới cảm ơn các đại biểu và đồng bào ra đón, nhận bó hoa tươi thắm của lãnh đạo Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng rồi tặng lại đại tá Lami đại diện cho phía Pháp.

Sau đó, Người lên xe về trụ sở Uỷ ban hành chính thành phố, tiếng reo hò nổi lên như sấm rền trên suốt các đường phố xe Bác đi qua, nhiều người trào nước mắt khi nhìn thấy Bác. Cho đến tận khuya, nhân dân vẫn nô nức kéo đến chào mừng Người.

Hải Phòng có một buổi trời thu rất đẹp, nắng vàng rực rỡ, cờ bay đỏ thắm trên những mái nhà rêu phủ và những lùm cây xanh ngắt, 73 năm qua Hải Phòng luôn nhớ tới Người.

Kể từ ngày ấy, Hải Phòng vinh dự có 8 lần nữa được đón Người về thăm, mỗi một lần là một dấu ấn đậm sâu, nhưng dấu ấn của lần đầu tiên có lẽ vẫn là lắng đọng nhất.

Đúng như cảm xúc của nhạc sỹ Thế Vinh – một người Hải Phòng trong ca khúc “Nhớ ngày Bác về”, ông viết:  Còn nhớ ngày Bác về/ xua tan nỗi buồn năm tháng/ Nhớ mãi lời Bác năm nào/ Biển khơi nay của ta/ Niềm vui đến muôn nhà/ Để lại đảo xanh vang tiếng ca…

Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) - Ảnh tư liệu

Xứng đáng với tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng”

Sau lần đầu tiên đặt chân lên đất Hải Phòng mùa thu ấy, Hồ Chủ Tịch trở về Thủ đô Hà Nội, ngay lập tức cùng Đảng và Nhà nước lãnh đạo đất nước bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ, bảo vệ thành quả của cách mạng.

Ngày 19-12-1946, Người ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”.

Lời kêu gọi của Người vang dội giữa thời điểm hoang tàn của khói lửa binh đao, trong điều kiện quá khó khăn của một nước còn chìm sâu dưới đói nghèo lạc hậu. Đó là một sự thật lịch sử, toát ra từ một bậc lãnh tụ vĩ đại, một tình yêu nước thương nòi sâu sắc, một tư tưởng bậc thầy đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

 Vĩ đại hơn cả, sự thật ấy được hiện sinh bởi một trái tim hết đỗi bình thường, từ những việc làm hết sức bình thường, trở thành tấm gương chói sáng mang tên Hồ Chí Minh.

Đối với người Hải Phòng cũng như mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh Người khắc sâu một cách tự nhiên, thiêng liêng và trân trọng. Người đã đi vào lịch sử dân tộc, như một dấu son chói lọi ghi sâu vào những trái tim Việt Nam, niềm tự hào Việt Nam.

Người đã đi xa hơn, nhưng tư tưởng của Người sống mãi, toàn dân Việt Nam vẫn kiên định con đường mà Người đã lựa chọn, lý tưởng của Người vẫn hun đúc bao thế hệ Việt Nam.

Theo lời hiệu triệu của Người, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã không ngừng thi đua sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Phòng đã lập những chiến công hiển hách ghi danh trong sử sách, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 6 chữ vàng “Thành phố Trung dũng - Quyết thắng”.

Tiếp nối những thành công này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một bản hùng ca, vang lên những khúc ca sáng chói của phong trào thi đua thành phố Cảng, vừa giữ vững pháo đài tiền tiêu của miền Bắc, vừa góp sức người sức của chi viện cho miền Nam.

Thời kỳ đổi mới, Hải Phòng vẫn luôn là địa phương đi đầu, bứt phá  sáng tạo trên tiến trình hàn gắn vết thương chiến tranh tái thiết đất nước.

Một chặng đường đã qua, Hải Phòng đã thể chế hóa tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thành các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện với những bước tiến vượt bậc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được người Hải Phòng cùng cả nước kết tụ thành sức mạnh, ghi dấu trên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp cách mạng.

Những lời dạy của Người, với ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thấm sâu vào mỗi con tim khối óc, để mỗi người con thành phố Cảng dù đi đâu về đâu vẫn khơi dậy tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng”, quyết tâm để hai tiếng Hải Phòng vang lên trong niềm tự hào.

9 lần Bác Hồ về thăm Hải Phòng

* Ngày 20-10-1946: Sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước, đặt chân lên bến Ngự - Cảng Hải Phòng. Trước khi về Thủ đô Hà Nội vào ngày hôm sau để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo đất nước bước vào cuộc chiến đấu, Người dành thời gian làm việc, chỉ đạo, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố.

*Ngày 2-6-1955: Sau khi Hải Phòng được giải phóng, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố. Bác đã đến thăm một số đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển tại Hải Phòng.

          *Ngày 30-5-1957: Bác Hồ về thăm một số cơ sở kinh tế quan trọng của thành phố như: Cảng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Quân y viện 12, Trường Nhi đồng miền Nam; nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Hải Phòng.

          *Ngày 31-3 và ngày 1-4-1959: Bác Hồ về thăm đảo Cát Bà, Cát Hải và nhiều đảo khác trong vùng biển Đông Bắc. Người quan tâm tới việc xây dựng tình đoàn kết giữa người Việt và người Hoa, tổ chức bình dân học vụ, xóa mù chữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

*Ngày 10-1-1960: Bác Hồ về thăm và đón đoàn kiều bào đầu tiên của ta từ Thái Lan về nước qua Cảng Hải Phòng

*Ngày 18-1-1960: Bác Hồ về thăm Đảng bộ, đồng bào và nông dân tỉnh Kiến An. Nói chuyện với đại biểu các tầng lớp nhân dân, chỉ đạo củng cố hợp tác xã, tăng gia sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hoạt động tiểu thủ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thực hành tiết kiệm, công tác xây dựng Đảng, chính quyền.

          *Ngày 16-3-1961: Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải.

*Ngày 22-1-1962: Bác Hồ cùng anh hùng phi công Liên xô Giéc-man Ti-tốp về thăm Hải Phòng, ân cần thăm hỏi và chúc đồng bào, chiến sĩ ta ăn tết vui vẻ và tiết kiệm.

*Ngày 23-1-1963: Bác cùng Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc về Hải Phòng và đến thăm Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp và Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Tại đây, Người yêu cầu người thầy thuốc phải nhớ thực hiện “Lương y như từ mẫu”, thái độ đối với người bệnh phải vui vẻ, niềm nở.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông