Lại chuyện các “yêng hùng” gây náo loạn đường phố

09:02 29/08/2022

KỲ II-BÉ KHÔNG VIN, CẢ GÃY CÀNH

(Tiếp theo và hết)Các vụ việc thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy chở 2 chở 3, mang theo hung khí, dao kiếm, giáo chổi, ba - chia, “bom xăng” chai thủy tinh đuổi đánh nhau không chỉ gây hại cho bản thân, cho xã hội mà khi bị chốt chặn tạm giữ đã có những bước “leo thang” nguy hiểm để rồi sa vào vòng lao lý…

Ảnh minh họa

Là người trực tiếp cùng Công an các quận, huyện điều tra, xử lý các nhóm thanh thiếu niên xấu “xuống đường” giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, Trung tá Khúc Thanh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát hình sự - CATP cho rằng: Mâu thuẫn giữa các nhóm choai choai này thực tế không lớn, có vụ chỉ là bột phát, không phải tranh chấp kinh tế hay tranh giành địa bàn kiểu các nhóm giang hồ mà chỉ là do đua đòi, thích thể hiện bản tính của những “yêng hùng”, thích khoe khoang "sức mạnh" hoặc đơn giản chỉ là giải quyết… “khâu oai”.

Phần lớn các đối tượng nhận thức chưa đầy đủ nên rất manh động, liều lĩnh; sẵn sàng dùng hung khí nguy hiểm đánh nhau mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Trong các vụ án trên, các đối tượng bị bắt, khởi tố bị can và có liên quan tuổi đời còn khá trẻ, đa số chưa thành niên, một số sớm bỏ học, một số có việc làm nhưng công việc bấp bênh (bưng bê, bảo vệ, trông xe…). Tất cả đều ham ăn chơi, lêu lổng, thích tụ tập tại các điểm Internet, quán giải khát, đồ ăn vặt, gầm cầu; thiếu sự quan tâm của gia đình.

Tang vật bị thu giữ trong một vụ án

Trung tá Tuấn cũng cho biết thêm: Tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật đặc biệt tình trạng sử dụng hung khí đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn, gây rối TTCC trên địa bàn thành phố trong năm 2021 và thời gian qua có những diễn biến phức tạp, tập trung nhiều ở địa bàn các quận như: Lê Chân, Dương Kinh, Kiến An, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An…

Đối tượng gây ra các hành vi phạm tội chủ yếu là Cố ý gây thương tích (15 vụ, chiếm 31,9%), Gây rối trật tự cộng cộng (12 vụ, chiếm 25,5%, xảy ra nhiều tại các địa bàn Lê Chân, Kiến An, Dương Kinh); Trộm cắp tài sản (6 vụ, chiếm 12,7%).

Thống kê sơ bộ, từ ngày 15-12-2020 đến hết quý I năm 2022, toàn thành phố phát hiện 47 vụ (chiếm 7,19% tổng số vụ phạm pháp hình sự 47/653)  gồm 185 đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tụ tập gây rối, mang hung khí đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn. Trong đó đáng chú ý có 2 vụ gồm 3 đối tượng giết người; 2 vụ, 6 đối tượng cướp tài sản; 6 vụ, 12 đối tượng trộm cắp tài sản; 15 vụ, 43 đối tượng cố ý gây thương tích; 12 vụ, 92 đối tượng gây rối trật tự công cộng…

17 thanh, thiếu niên bị khởi tố tại CATP Hải Phòng

Mổ xẻ các nguyên nhân, có thể thấy:

Về góc độ xã hội: Mặt trái của nền kinh tế thị trường, kéo theo lối sống thực dụng, hưởng thụ ích kỷ, hẹp hòi của giới trẻ hiện nay cùng sự du nhập của văn hoá phẩm độc hại, đồi truỵ, phim ảnh, game bạo lực…đã tác động không nhỏ đến thanh, thiếu niên trong khi công tác quản lý của các cơ quan nhà nước trên lĩnh vực này còn hạn chế. Tình trạng thiếu việc làm của một bộ phận thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng dẫn đến tình trạng bỏ nhà đi lang thang, tụ tập, đua đòi, bị các đối tượng hình sự lợi dụng, lôi kéo tham gia phạm tội. Công tác phối hợp giữa các ngành các cấp trong phát hiện, phòng ngừa, trao đổi thông tin chưa cao… Việc tuyên truyền của các cơ quan truyền thông hiệu quả còn thấp.

Về phía gia đình: Qua thực tế các vụ án do thanh, thiếu niên gây ra cho thấy, đa số đối tượng vi phạm pháp luật đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (bố mẹ ly hôn, ly thân; là đối tượng hình sự, đối tượng TNXH; thiếu gương mẫu…) dẫn đến thường bị tổn thương về tâm lý, bất mãn, dễ bị lôi kéo, chơi với các đối tượng xấu, thực hiện các hành vi tiêu cực, phạm tội. Gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc các em, không tạo cho chúng môi trường lành mạnh, nhất là không quan tâm đến các mối quan hệ bạn bè của con em mình, không ngăn chặn kịp thời nên đã để con em bị các đối tượng xấu lôi kéo; một số ít bậc cha mẹ khi con cái vi phạm nhỏ không định hướng, uốn nắn, ổn định tâm lý lại có thái độ không đúng mực khiến con cái lâm vào trạng thái chán chường, có cảm giác bị bỏ rơi…

Về phía nhà trường: Các chương trình giáo dục pháp luật hiện chưa sát, nội dung phần lớn tập trung vào việc dạy học, dạy chữ, chưa gắn với dạy các em về đạo đức, về ứng xử, về nhân cách; chưa tạo được sự đồng bộ, gắn kết giữa nhà trường và gia đình; chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và các cơ quan pháp luật

Cuối cùng từ chính bản thân đối tượng: Lứa tuổi này đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình, muốn khẳng định “cái tôi” bản thân, không muốn phụ thuộc nên các thanh, thiếu niên rất dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dễ có nhận thức, hành động sai trái, coi thường pháp luật. Nên có thể thấy, thành phần đối tượng gây ra các vụ án, vụ việc trên chủ yếu là các thanh, thiếu niên hầu hết chưa có tiền án, tiền sự, cuộc đời bị bôi lem những tì vết thì thật đáng tiếc. Trong đó giới tính: nam 181 (chiếm 97,8%); Nữ 4 (chiếm 2,2%); độ tuổi: dưới 14 tuổi là 4 đối tượng (chiếm 2,2 %), từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là 30 đối tượng (chiếm 16,2%), từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 120 đối tượng (chiếm 64,8 %); trên 18 tuổi là 31 đối tượng (chiếm 16,7%)

Những vụ việc xảy ra gần đây càng cho thấy, tình trạng thanh, thiếu niên dùng hung khí đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn, gây rối TTCC trên đường phố tiếp tục là vấn nạn với những đợt sóng ngầm bởi nhiều tồn tại vướng mắc. Đó là vẫn còn một số ngành, đoàn thể, địa phương chưa chủ động tích cực thực hiện công tác giáo dục, cảm hoá đối tượng theo giới, lĩnh vực, ngành phụ trách. Công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ANTT có được chú trọng và tăng cường nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự như mong muốn.

Công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nhất là đối tượng trong thanh, thiếu niên có được quan tâm chú trọng nhưng từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm chưa đạt hiệu quả cao, còn mang nặng hình thức.

Chưa có sự phối hợp trong việc quản lý, giáo dục con em giữa nhà trường, gia đình, xã hội, một bộ phận người dân còn thiếu ý thức quản lý, giáo dục con cái, chỉ lo tập trung làm kinh tế. Chưa có sự phối hợp kịp thời chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các ban ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, chưa phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng chống thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Một số nơi còn có tư tưởng coi nhiệm vụ phòng chống tội phạm nói chung và thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói riêng chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đặc biệt tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập đua xe, mang hung khí đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng trong thời gian tới, các sở, ban, ngành thành phố, chính quyền các cấp cần tích cực vào cuộc cùng lực lượng Công an đẩy lùi vấn nạn trên.

Ngành Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, bổ sung đưa các nội dung pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên vào chương trình học chính khoá, ngoại khoá của hai cấp THCS và PTTH để học sinh có thể nhận biết được các hành vi nguy hiểm cho xã hội như: giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp, cướp giật tài sản… nhất là phải chủ động phối hợp với lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức các buổi sinh hoạt, hội nghị, hội thảo, diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật đặc biệt chú trọng đến các hành vi mà lứa tuổi học sinh, sinh viên dễ mắc phải.

Đoàn thanh niên các cấp đẩy mạnh công tác tuyền truyền kiến thức pháp luật dưới nhiều hình thức như Học tập các văn bản pháp luật tại các buổi sinh hoạt Chi đoàn, Chi hội; tổ chức toạ đàm, liên hoan văn nghệ có lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Chú trọng đến công tác củng cố và phát triển các câu lạc bộ về an ninh trật tự của thanh niên, phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng thanh niên, học sinh, sinh viên chậm tiến, phạm pháp để phân loại theo thái độ tốt - xấu, hoàn cảnh gia đình, điều kiện, mức độ sai phạm, nguyên nhân dẫn đến sai phạm… từ đó phân công trách nhiệm trong cộng đồng để giáo dục.

Cùng với các biện pháp phòng ngừa xã hội, lực lượng Công an các cấp thông qua thực hiện công tác điều tra cơ bản và các biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục tổ chức phân loại từng đối tượng, đề xuất biện pháp quản lý và đối sách cụ thể, đưa vào diện quản lý hoặc giáo dục xã phường, thị trấn cũng như lập hồ sơ đưa vào trường Giáo dưỡng, cơ sở giáo dục… kịp thời uốn nắn hành vi và để giảm số đối tượng có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật bên ngoài xã hội.

XUÂN NGỌC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông