Làn sóng biểu tình chống chính phủ đang lan từ Tunisia, Ai Cập sang Iran, Yemen, Bahrain (khu vực Trung Đông) và Algeria (khu vực Bắc Phi).
| Người biểu tình tại Algeria |
Tại Iran, cuộc tuần hành ủng hộ phong trào nổi dậy của Ai Cập và Tunisia biến thành biểu tình chống chính phủ. Hàng nghìn người tập trung thành các nhóm nhỏ và tiến về phía quảng trường Azadi (Tự do). Một cuộc tuần hành khác diễn ra gần quảng trường Imam Khomeini. Một số nhân chứng cho biết lực lượng an ninh Iran bắn hơi cay để giải tán biểu tình. Đụng độ cũng nổ ra giữa cảnh sát và những người ủng hộ phe đối lập. Ít nhất 1 người thiệt mạng, nhiều người bị thương và hàng trăm người bị bắt. Sự kiện được cho là phép thử đối với sức mạnh của lực lượng đối lập ở nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tại trung tâm thủ đô Sanaa của Cộng hoà Yemen, đụng độ giữa phe ủng hộ và chống Tổng thống Ali Abdullah Saleh nổ ra. Khoảng 3.000 người tuần hành từ Đại học Sanaa đến quảng trường Al-Tahrir để yêu cầu Saleh từ chức sau 32 năm cầm quyền. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng diễn ra ở thành phố Taez, nơi hàng nghìn người tập trung phản đối ông Saleh. Lực lượng an ninh Yemen đã được huy động tới khu vực Quảng trường Tahrir và nhiều đường phố khác tại thủ đô để kiểm soát tình hình. Hiện tình hình Yemen đã lắng dịu khi phe đối lập tại Quốc hội kêu gọi Tổng thống thực thi những cải cách như đã cam kết.
Khoảng 30.000 cảnh sát chống bạo động đã làm mọi cách phong tỏa thủ đô Algeria hôm 12-2 để ngăn không cho những người ủng hộ phe đối lập thực hiện cuộc biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên những người biểu tình bất chấp lệnh cấm và đã tụ tập ở trung thủ đô Algiers. Họ hô khẩu hiệu đòi Tổng thống Abdelazi Bouteflika từ chức. Những vụ bắt giữ đã diễn ra trong lúc cảnh sát tìm cách giải tán cuộc biểu tình. Làn sóng biểu tình đã làn ra nhiều khu vực ở Algeria, khiến lực lượng bảo vệ an ninh của chính phủ luôn trong tình trạng báo động.
Còn tại quốc gia vùng Vịnh Bahrain, nơi có diện tích nhỏ hơn cả thành phố New York (Mỹ) cũng đang chìm trong bạo loạn. Tại đây, những người biểu tình không đòi lật đổ nhà cầm quyền mà chỉ đòi tự do chính trị và yêu cầu một cuộc cải tổ chung trên toàn đất nước. Tuy nhiên, bạo động tại đây lại diễn ra mạnh mẽ hơn ở Yemen nhiều lần. Để ngăn chặn làn sóng bạo loạn, cảnh sát Bahrain liên tục xả súng bắn đạn cao su, xả khí gas vào hàng nghìn người biểu tình. Một người đã chết và ít nhất 25 người khác bị thương.
Giới phân tích cho rằng các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan truyền trong thế giới Arập. Một số nước trong vùng cảm nhận được những ảnh hưởng từ cuộc nổi dậy ở Ai Cập và Tunisia nên đã có bước đi thay đổi. Tại Jordan, Quốc vương Abdullah đã phải thay Thủ tướng sau các cuộc biểu tình. Tổng thống Yemen thì cam kết với phe đối lập về việc không tái tranh cử. Tại Iraq, các quan chức quyết định tự cắt giảm lương.
VIỆT ANH (tổng hợp) |