Liên quan đến việc Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công vệ tinhKwangmyongsong-2 lên quỹ đạo, ngày 8-4, Liên minh viễn thông quốc tế(ITU) thuộc LHQ cho biết Tổ chức này chưa nhận được báo cáo nào hoặcchưa thấy tín hiệu nào của vệ tinh Triều Tiên.
| Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng |
Trong những ngày qua, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, vệ tinh Kwangmyongsong-2 đang quay ổn định trong quỹ đạo và đang truyền phát các bản nhạc cách mạng. Trả lời phỏng vấn đài RFA tiếng Hàn về vấn đề này, phát ngôn viên của ITU - ông Sanjay Acharya - cho biết, vệ tinh truyền tải thông tin là loại vệ tinh xoay tròn với tốc độ bằng tốc độ xoay của trái đất. Nhưng theo như ITU được biết thì vệ tinh Kwangmyongsong 2 của Triều Tiên không có chức năng này, tức là nó không thể quay trong quỹ đạo nếu thực sự là nó đã được phóng lên.
Cũng theo người phát ngôn Sanjay Acharya, ITU chưa bao giờ phân bổ tần số cho vệ tinh nhân tạo Triều Tiên. Trước đó, một nguồn tin quân sự cấp cao của Nga cho biết không phát hiện thấy vệ tinh của Triều Tiên trên quỹ đạo. Các nước Mỹ và Hàn Quốc cũng cho rằng cả 3 tầng của tên lửa đẩy Triều Tiên đã rơi xuống biển hôm 5-4, tức không đưa được vệ tinh lên quỹ đạo. Ngược lại, tối 7-4, Bình Nhưỡng công bố đoạn băng ghi hình tên lửa rời bệ phóng và khẳng định đã đưa được vệ tinh Kwangmyongsong-2 lên quỹ đạo.
Nhật "nể phục" tên lửa Triều Tiên
Tuy không tin Triều Tiên đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo nhưng giới chức Nhật Bản thừa nhận vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên ngày 5-4 rất "ngoạn mục," chứng tỏ nước này đã có tiến bộ trong công nghệ tên lửa. Tối 7-4, Đài truyền hình Triều Tiên đã phát sóng những hình ảnh đầu tiên về vụ phóng vệ tinh. Một đoạn video dài 20 giây ghi hình một tên lửa ba tầng được phóng lên và bay về hướng Đông. Chương trình này cũng phát hình một trung tâm điều khiển và giám sát vệ tinh, một máy phát tín hiệu đặt ở phía trước, và quả tên lửa khi được đặt trên bệ phóng.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Takeo Kawamura nói rằng trong đoạn băng trên không thể nhìn rõ quả lên lửa đó có mang theo vệ tinh hay không. Tuy nhiên, ông khẳng định "vụ phóng tên lửa này đã tiến bộ hơn nhiều so với các vụ phóng trước đây". Theo số liệu do Triều Tiên cung cấp, tên lửa ba tầng của nước này đã bay được 3.200km và rơi xuống Thái Bình Dương sau khi xuất phát 9 phút 2 giây. Trong lần phóng tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên hồi tháng 7-2006, tên lửa được thiết kế có tầm xa 6.700km này đã nổ tung 40 giây sau khi phóng.
Báo Sankei của Nhật Bản nhận xét với vụ thử tên lửa vừa qua, Triều Tiên đã chiếm ưu thế về sức mạnh tên lửa so với Hàn Quốc, thậm chí Nhật Bản cũng phải "nể phục". Trước tình hình này, Thủ tướng nước này Han Seung-soo nhấn mạnh Hàn Quốc cần phải xem xét lại việc tuân thủ Quy chế kiểm soát kỹ thuật tên lửa (MTCR). Giới phân tích cho rằng tuyên bố này có thể nhằm dọn đường cho Hàn Quốc xem xét lại hạn chế về tầm bắn của tên lửa. Nhiều chuyên gia Hàn Quốc cho rằng nước này cần sở hữu tên lửa có tầm bắn 550km để bao trùm toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong Il được bầu lại làm lãnh đạo Triều Tiên
Ngày 9-4, Hội đồng nhân dân tối cao của CHDCND Triều Tiên (Quốc hội) khóa 12 đã tiến hành phiên họp đầu tiên và bầu lại nhà lãnh đạo Kim Jong Il, 67 tuổi, làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, chức vụ cao nhất trên thực tế tại Triều Tiên. Theo Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA), kết quả bầu cử đã thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng của lực lượng quân đội cũng như nhân dân Triều Tiên đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Il.
Trong khi đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, nêu rõ phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới là một sự kiện quan trọng nhằm củng cố và phát triển Triều Tiên thành một quốc gia hùng mạnh. Được biết, Quốc hội khoá 12 của Triều Tiên được bầu ngày 8-3 vừa qua với 687 đại biểu.
VIỆT ANH (tổng hợp) |