Sau đúng một tháng liên minh quân sự Anh, Pháp, Mỹ tiến hành không kích vào Libya, tình hình vẫn không có gì thay đổi như mong muốn của các nước này. Thậm chí Mỹ rút máy bay về tuyến sau, còn lại Anh và Pháp đang tỏ ra “đuối sức”.
| Nhiều người Libya trúng bom đạn của liên quân |
Đêm 19-3-2011, máy bay Pháp mở màn chiến dịch không kích vào Libya, thực hiện nghị quyết LHQ về việc thiết lập vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này. Với sức mạnh tổng hợp của không quân Mỹ, Anh và Pháp, hệ thống phòng không Libya đã dễ dàng bị khuất phục. Nhưng vấn đề sau đó là quân đội của đại tá Gadhafi đã tìm ra cách ứng phó. Lực lượng xe bọc thép Libya được ngụy trang kỹ lưỡng và ẩn bên các con đường, khiến các chuyến bay của liên quân rất khó xác định mục tiêu. Kết quả là nhiều máy bay chiến đấu xuất kích và quay về căn cứ với nguyên số bom và tên lửa dưới cánh.
Lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Gadhafi tin rằng việc họ tiếp tục tồn tại sẽ càng làm cho liên quân thêm mệt mỏi và bế tắc. Điều này khiến chính quyền Libya chưa chịu lùi bước, dù sức ép lên họ mỗi ngày một tăng. Tình thế khiến chiến dịch không kích vào Libya lâm vào bế tắc, với việc NATO chưa thể khuất phục được chế độ Gadhafi và phe nổi dậy lại không đủ mạnh để làm được điều đó. Liên quân đành quay sang chiến thuật gây tranh cãi là hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy. Italia và Qatar ủng hộ hành động này, trong khi Bỉ và một số nước khác lo ngại đây là điều trái với nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Cách đây vài ngày Anh và Pháp thúc giục NATO tăng cường tấn công hơn nữa do lo ngại xung đột tại Libya sẽ rơi vào thế bế tắc. Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Washington (Mỹ) đưa tin, hiện NATO thiếu bom oanh tạc độ chính xác cao cùng nhiều loại đạn dược khác trong chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Sự thiếu hụt này đã cho thấy những hạn chế của Anh, Pháp và các nước châu Âu khác trong việc duy trì một chiến dịch quân sự thậm chí có qui mô tương đối nhỏ.
Sự thiếu hụt đạn dược của châu Âu, cùng số lượng máy bay chiến đấu hạn chế, đã làm gia tăng những nghi ngại trong một số quan chức về khả năng Mỹ tiếp tục đứng ngoài chiến dịch không kích. Tuần trước, Mỹ đã rút 50 máy bay chiến đấu khỏi chiến dịch ở Libya sau khi trao quyền chỉ huy cho NATO, dù Washington vẫn tham gia vào một số sứ mệnh nhằm triệt hạ các hệ thống phòng không của Libya. Hiện chỉ có 6 trong số 28 nước thành viên NATO tiến hành các cuộc không kích. Pháp và Anh thực hiện một nửa số vụ không kích Libya, nửa còn lại do Bỉ, Đan Mạch, Na Uy và Canada thực hiện.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục tuyên bố hành động quân sự của NATO ở Libya đã vượt quá thẩm quyền mà LHQ cho phép, đồng thời hối thúc phải có giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này. Ông Lavrov cho rằng điều quan trọng là không nên lạm dụng “sức mạnh quân sự quá mức” vì nó sẽ dẫn tới việc có thêm thường dân thương vong. “Chúng ta nên có thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, và đưa các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán để họ có thể thống nhất về việc tái cơ cấu lại đất nước của chính họ”, Ngoại trưởng Nga cho biết.
VIỆT ANH (tổng hợp) |