23:13 27/07/2018 Mới không gặp 1 năm mà ông Vững trông khác hẳn. Gương mặt xám xịt, chảy xệ, đôi chân sau tai biến mỗi bước đi là một lần khó nhọc. Điều quan trọng là nét mặt ngày xưa trông khôn ngoan, sắc sảo là thế giờ không còn. Tất cả chỉ đọng lại nét chán chường, mệt mỏi...
Cả khu phố số 6 ai cũng biết gia đình ông Vững có rất nhiều điều đặc biệt. Ông trước đây vốn là dân xây dựng, sau nghỉ chế độ một lần về đạp xích lô. Vợ ông buôn bán nhặt nhạnh ngoài cảng nên thu nhập rất khá. Gia đình ông có 3 người con. Thằng con cả được nuông chiều thái quá nên bỏ học từ sớm, suốt ngày lê la tụ vạ cùng lũ bạn xấu. Hai đứa con gái cũng theo gót anh, học hết THCS thì nghỉ, một đứa đi làm giày da, một đứa theo mẹ buôn bán ngoài cảng.
Mọi chuyện trở nên đặc biệt khi thằng Minh – con trai ông đưa một cô gái gầy gò, đen đúa về ra mắt và giới thiệu đó là vợ sắp cưới. Theo lời nó đây là Tuyết – công nhân giày da, quê ở tận Hà Nam. Mới gặp mặt, vợ chồng và 2 “bà cô” đã không ưa vì trông Tuyết có vẻ lành, chậm chạp và… xấu quá. Theo như lời bà Tú – vợ ông – thì “nó ngồi làm tối sầm cả góc nhà”. Can ngăn mãi không được, vợ chồng ông đành chấp nhận việc có thêm một nàng dâu bất đắc dĩ.
Minh có vợ mới chỉ tử tế được hơn 1 tháng rồi thì “ngựa theo đường cũ”. Anh ta lại chìm theo các cuộc vui chơi, tụ vạ cùng đám bạn bè. Chỉ có điều trước đây hết tiền anh ta nã của mẹ thì nay anh ta nã của vợ. Tuyết làm công nhân giày da, sáng từ 5 giờ cô đã dậy chuẩn bị cơm nước, đóng vào cặp lồng để mang đi ăn trưa. Tối tầm 7, 8 giờ mới về, hôm nào tăng ca thì đến tận 10, 11 giờ đêm.
Trong một lần theo lũ bạn xấu đi ăn trộm xe máy, Minh bị công an giữ và bị phạt tù mấy năm. Vậy là còn lại Tuyết bơ vơ trong căn nhà chồng mà đối với cô ở cùng nhau 3 năm vẫn như xa lạ. Tuyết một mình vật vã đẻ, nuôi con. Bên ngoại ở tận Hà Nam, mẹ mất sớm nên ngày cô sinh bố và anh trai chỉ ra thăm cháu được một hôm lại về, để lại Tuyết ôm đứa con ứa nước mắt vì tủi thân.
Không còn Minh đứng ra che chắn, Tuyết gánh chịu tất cả những quá quắt của nhà chồng. Bế cháu cho con dâu đi làm, vậy mà về muộn là bị mắng xơi xơi vì “Mày coi bà là osin cho nhà mày à”, rồi “mày hành chúng tao chết sớm để chiếm cái nhà hả?”. Mặc dù chung nhà nhưng 2 bếp, đi làm về dù sớm hay muộn Tuyết đều phải 1 tay ôm con, 1 tay lọ mọ nấu cơm. Nhiều khi đến tận 11 giờ mới có miếng cơm mà ăn. Đã thế hai “bà cô bên chồng” lại tai quái, chỉ nhăm nhăm soi chị dâu có gì hở ra là rỉa rói, mắng nhiếc.
Sự quá quắt của nhà chồng khiến cho hàng xóm cám cảnh, nhưng cứ hễ mở lời ra căn ngăn là cả nhà ông Vững lại nhâu nhau vào té tát vì “can thiệp vào chuyện nội bộ người ta”. Sau vài lần mọi người đành buông xuôi, bất lực nhìn Tuyết khổ sở với sự quá quắt của nhà chồng.
3 năm, 5 năm, rồi 10 năm… phận làm dâu tủi cực của Tuyết cứ trôi dần theo năm tháng. Sau này hỏi ra mới biết Tuyết cam chịu ở với nhà chồng vì nơi đất khách quê người, lương công nhân giày da thấp chỉ đủ lo học hành và sinh hoạt cho 2 mẹ con. Cô cố bám vào nhà đó để mỗi tháng phải đỡ lo một khoản tiền trọ.
Chuyện chỉ thay đổi khi nhờ chăm chỉ, có trách nhiệm và thâm niên lâu năm nên Tuyết được cất nhắc lên vị trí quản lý phân xưởng. Vị trí mới cũng đồng nghĩa với thu nhập khá nên cô đỡ chật vật. Sau nhiều lần cân nhắc, số tiền cô chắt chiu dành dụm, cộng thêm với vay mượn của bạn bè và bên ngoại, cuối cùng cô cũng mua được căn nhà nhỏ xíu gần nhà máy nơi cô làm.
Còn nhà ông Vững, 2 đứa con gái cũng lớn rồi đi lấy chồng, cả năm mới thấy mặt một lần. Thằng con thì mãi biệt tăm biệt tích. Tuổi già xồng xộc kéo đến cùng đủ thứ bệnh tật. Hai ông bà quanh quẩn với nỗi cô quạnh trong ngôi nhà rộng rãi nhưng lạnh lẽo vì hàng xóm giờ đây cũng chẳng ai muốn giao tiếp với họ.
Trong một lần tai biến, ông Vững giờ muốn đi phải chống gậy lê lệt xệt đôi chân. Mỗi khi cần đi khám bệnh, chẳng còn con cái bên cạnh, ông đành thuê xe ôm chở đến bệnh viện. Nhìn tình cảnh của ông bà, chả ai thấy thương cảm mà đều coi đó là tấm gương cho cách xử sự với con cái, bởi chả ai “nắm tay được cả ngày” cả.
Bùi Hạnh
16:02 06/08/2023