Mỗi nhà 1 cảnh: Trả nợ ân tình

10:49 18/03/2019

Sau tiếng gõ nhè nhẹ, nắm đấm xoay nhẹ và cánh cửa khẽ mở, Phát giật mình nhìn ra thấy ông Nam - bố mình - đang có vẻ không vừa lòng. Tuy nhiên giọng nói của ông vẫn điềm đạm:

- 5 tháng rồi con không chuyển tiền cho nhà bác Toán, đúng không?

- Dạ, bận quá con quên mất.

- Không có chuyện quên được vì bố đã dặn bộ phận kế toán cứ đúng mùng 10 hàng tháng phải lên trình con ký séc chuyển khoản. Đây không phải là việc bận mà quên…

**

*

Cách đây 30 năm, ông Nam chỉ là phụ xe trong một công ty vận tải nhỏ. Gánh nặng gia đình phải ở nhà thuê, con cái nheo nhóc, bố mẹ ốm đau ở quê không làm ông nản chí mà càng hun đúc trong ông khát vọng mãnh liệt làm giàu thay đổi số phận.

Chịu khó, cẩn thận và nghiêm túc, sau một thời gian ông Nam được chuyển sang lái chính. Hồi đó cánh lái xe công ty vẫn cười nhạo ông về chuyện trong mỗi chuyến hàng xa, những lúc rảnh cánh tài xế thường nằm ngủ, “xòe quạt” hay kiếm em út thì ông Nam lại lôi sách kinh tế ra đọc. Chuyện đó đã trở thành giai thoại và cái tên Nam “hâm” cũng trở thành biệt danh tên ông hồi đó.

Quả thật không ai ngờ người bị gán là “hâm” ấy lại làm nên cơ đồ. Khác với những đồng nghiệp có tâm lý “cha chung không ai khóc” thì ông Nam ghi điểm với những chuyến hàng giao trả bình yên, xe cộ được sử dụng, bảo dưỡng cẩn thận nên ít hỏng hóc, ít lỗi phạt trong các chuyến đường dài. Trong cuộc sống, ông được lòng mọi người bởi cách sống chỉn chu, nghiêm túc. Vậy là sau 5 năm làm thuê, vào một chiều cuối tuần không thể nào quên, sau khi lĩnh lương, Nam được ông chủ nhắn ở lại. Trong bóng chiều chạng vạng, ông Toán vỗ vai Nam thân mật:

- Tớ biết cậu là người đàng hoàng và có chí hướng. Vậy ý cậu có muốn làm lái xe của tớ suốt đời không?

- Không, em muốn được như anh và hơn thế nữa...

Nhìn vào ánh mắt của Nam, ông Toán tin là cậu trai trẻ này sẽ làm nên sự nghiệp… Vậy là với số tiền com cóp sau mấy năm làm thuê, cộng với số tiền ông Toán cho và cho vay, ông Nam đã mua được chiếc xe rơ-moóc.

Sau 10 năm, số xe do ông Nam làm chủ đã nhân lên vài chục chiếc. Và sau hơn 20 năm, dưới trướng ông có vài trăm xe đầu kéo. Không dừng ở đó, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông còn mở thêm dịch vụ sửa chữa xe đầu kéo và đầu tư bến bãi cho thuê.

Khi kinh tế ổn định, tìm đến người chủ cũ đầy ân tình ấy thì được tin ông Toán đang mắc ung thư. Thực ra ông Toán chỉ là chủ doanh nghiệp với năm đầu xe. Hai cô con gái trưởng thành lập gia đình đều không theo nghiệp bố. Sức khỏe kém, bệnh tật liên miên khiến ông phải bán bớt xe để lấy tiền chữa bệnh. Khi ông Nam biết tin thì căn bệnh của ông Toán đã ở giai đoạn cuối. “Còn nước còn tát”, mọi chi phí sinh hoạt, chữa trị cho ông Toán ở nước ngoài đều được ông đài thọ. Và sau khi ông Toán mất đi, hàng tháng, cứ vào ngày mùng 10 định kỳ, tài khoản vợ ông Toán lại được công ty ông chuyển 15 triệu, ròng rã suốt hơn 10 năm trời.

Những năm gần ông Nam lui dần về phía sau. Ông để con trai điều hành mảng vận tải đường bộ, còn ông mở hướng phát triển mảng vận tải thủy nội địa. Mấy năm nay vận tải đường bộ bị khủng hoảng khiến doanh thu sụt giảm. Số đầu xe bị thu hẹp, nhân sự giảm còn một nửa…

**

*

Ông Nam lặng lẽ ngồi xuống ghế, thở dài bảo con:

- Con có biết cách đây 30 chục năm, để mua được cái xe đầu tiên đến 3/4 số tiền là nhờ bác Toán cho và cho mượn không? Nếu như theo cách nghĩ của mọi người, ông ấy là chủ, ông ấy cứ việc làm giàu, việc gì mà phải cho thằng làm thuê cho mình vay mượn. Vậy mà ông ấy lại giúp bố đó.

Thấy con trai nín lặng cúi đầu, ông trầm giọng:

- Không phải công ty bố đang điều hành không có khả năng chuyển cho bác Toán gái số tiền đó. Nhưng bố để cho con – người sau này sẽ kế thừa tất cả các công ty của bố - hàng tháng phải ký séc để con nhớ rằng, chúng ta có được như ngày hôm nay là nhờ gia đình bác ấy. Việc chúng ta đang làm là trả nợ ân tình. Làm kinh doanh phải giữ chữ tín, phải thu phục được lòng người. Bất kể là người làm công, đối tác hay khách hàng, có hiểu được điều đó thì con mới thành công. Bố nói vậy, nếu con vẫn “quên” nữa thì từ nay bố sẽ trả thay con.

Phát ngẩng lên nhìn bố, ở cái tuổi gần 70 mái tóc muối đã nhiều hơn tiêu. Tiếng là dần lui về “dưỡng lão” nhưng chính ông lại nhường phần ổn định cho con trai, còn mình thì dấn thân sang tỉnh khác đầu tư, tìm hướng đi mới cho công ty. “Bố mình ngày xưa hai bàn tay trắng dựng lên cả sản nghiệp này, lẽ nào mình mới va vấp khó khăn đã nhụt nhuệ khí”, Phát quả quyết nhìn thẳng vào mắt bố:

- Bố nói thế con hiểu rồi. Từ nay con sẽ không “quên” nữa đâu, bố yên tâm đi…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông