Mỗi nhà một cảnh: Chữ “Duyên”…

11:25 16/04/2019

Hoa từ từ cho xe sát lại vỉa hè, cô dừng xe, tắt máy rồi bước xuống mở cốp. Cầm phong bì đã được dán kín, nhìn quanh thấy đường vắng lặng chẳng có ai, cô cẩn thận bóc từng chút một. Cũng may vừa dán, hồ dán chưa khô nên mở được, cô mở ví, lấy thêm 200.000 đồng nữa cho vào phong bì thành 500.000 đồng. Dán lại cẩn thận rồi cô quả quyết lên xe nổ máy…

Mấy ngày nay không thấy bà An – bà cụ bán nước gần cổng trường nơi Hoa dạy học – đẩy xe nước đến khiến cô thắc mắc. Bà An thoạt nhìn đã thấy dễ mến. Dáng người gầy gò, nhỏ bé với gương mặt phúc hậu. Nhìn bà, Hoa cứ hình dung tới bà ngoại mình ở quê, thân thuộc và gần gũi lạ kỳ.

Bà An bán không nhiều, sáng tầm 10 giờ hơn mới đẩy xe nước ra cổng trường. Bà bán rất rẻ, cốc nước sạch sẽ, đầy đặn mà chỉ có một hai nghìn đồng, nhiều cháu bé bà còn cho không lấy tiền.

Hoa thấy mến bà bán nước hiền hậu này lắm. Mến từ cách ăn mặc giản dị, lối nói chuyện gần gũi, hiền hậu đến nếp bán hàng sạch sẽ. Cô đoán chắc bà nghèo bởi quanh năm suốt tháng chỉ vài bộ quần áo màu sắc thanh nhã. Chiếc nón cũ với dây quai màu tim tím từ khi cô về trường đến nay vẫn không thay, thấy tróc cả lớp lá bên ngoài.

 Hỏi chuyện bà bảo hiện sống cùng người cháu, Hoa tự nhiên thấy mủi lòng. Cô đoán con cái bà không may vắn số để lại cho bà đứa cháu côi cút. Nhà nghèo, cả hai bà cháu phải trông chờ vào xe nước nhỏ. Vậy mà bà bán rẻ quá, tính ra gần như cho không, vậy thì sao sống nổi. Nghĩ vậy nên mỗi lần uống nước của bà, cô thường giả bộ không có tiền lẻ, cốc nước 1.000 đưa 2.000, khi bà trả tiền lại cô thường ừ ào bảo để đấy lần sau uống tiếp đỡ mất công trả. Bà thường trêu tiền này bà để dành sau này cưới vợ cho cháu. Hay cô giáo chịu lấy cháu bà để bà đỡ phải trả!

Hai bà cháu quý nhau lắm nên gần tuần nay không thấy bà, Hoa thấy thương thương. Tháng trước bà cũng nghỉ hơn 1 tháng. Chiều qua gọi điện hỏi thăm, thấy bà bảo bị đau khớp trở lại. Nghĩ thương bà lão bán nước nghèo hiền hậu, sáng nay dạy xong 2 tiết đầu, cô liền tranh thủ ghé thăm.

Tìm theo địa chỉ bà cho, nhìn số thì đúng rồi nhưng Hoa cứ sợ mình nhầm. Bởi căn nhà số 6 trong ngõ 125 Đoàn Kết này không phải nhà mái ngói lụp xụp như cô vẫn hình dung mà là ngôi nhà 3 tầng khang trang sơn màu vàng kem với cánh cửa sắt sơn trắng trang nhã. Sợ mình đi nhầm, Hoa loanh quanh một hồi chỉ có mỗi nhà số 6. Tần ngần, Hoa rút điện thoại ra gọi, tiếng bà An nhẹ nhàng đầu bên kia. Còn đang thắc mắc bỗng có tiếng kẹt cổng rồi dáng người gầy gò quen thuộc của bà An xuất hiện.

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bên trong ngôi nhà, đồ đạc trang trí rất sang trọng. Vừa kéo tay cô ngồi xuống ghế, bà An vừa gọi to:

- Bình ơi, lấy nước mời cô giáo đi con! Cháu nội bà đấy, nó ngoan lắm. Tí gặp xem có ưng cháu bà không nhá.

Hoa nghe thấy tiếng “dạ” rõ to rồi từ trên tầng 2, rồi một anh chàng cao lớn, điển trai trong bộ thể thao màu xanh nước biển huỳnh huỵch chạy xuống. Đưa nước mời bà, đến lượt Hoa, chợt nhìn thấy chiếc nón lá Hoa đang ấp vào người, anh chàng khẽ tủm tỉm cười. Gặp ánh mắt nhấp nháy đầy ý nghĩa, biết anh chàng hiểu được nguyên do xuất hiện của chiếc nón lá, Hoa đỏ bừng mặt.

Hỏi ra mới biết bà An có hai người con. Người con trai cả sống ở Đức, cô con gái út lấy chồng ở Bình Dương. Bà An không muốn theo con định cư ở nước ngoài nên Bình là cháu nội sống với bà từ bé. Hiện Bình đang làm ở một công ty viễn thông lớn của thành phố. Chuyện bà bán nước hàng ngày thực ra để có việc, đỡ thời gian dằng dặc cứ quanh quẩn một mình với ngôi nhà rộng lớn những khi cháu đi làm. Tiền thu được, cuối năm bà ủng hộ Quỹ xóa đói giảm nghèo của khu phố cả.

Được cô giáo dễ thương đến thăm, bà An mừng lắm, líu ríu hỏi chuyện liên tục. Hoa thì thần người nghĩ: “Tưởng nhà người ta nghèo, đi đường áy náy phải dừng xe cho thêm vào phong bì. Chiều qua còn vòng mấy chợ để mua chiếc nón thay nón cho bà cụ. Ai ngờ”…

 Nghe lời mời ở lại ăn trưa với hai bà cháu, Hoa vội vàng tìm cớ phải về trông các cháu để từ chối. Dắt xe cho Hoa qua khoảng sân rợp mát, trước khi giao xe cho cô, Bình trìu mến:

- Bà nội kể cho tôi nghe nhiều chuyện về cô giáo lắm. Nhất là hình như mỗi lần mua hàng của bà, cô đều có ý giúp tôi nữa thì phải. Vậy cô giáo cho tôi xin số điện thoại nhé. Hôm nào cô rảnh, trân trọng mời cô đi cà phê để bày tỏ lòng cảm ơn. Cô đồng ý nghe…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông