Mỗi nhà một cảnh: Gieo nhân tốt…

09:36 11/04/2019

Nhiều ngày nay, mọi người ở Khoa tiết niệu quen với hình ảnh cứ tầm hơn 11h lại có một người phụ nữ tất tả mang đồ ăn đến cho người bệnh đang điều trị sau phẫu thuật. Hỏi ra mới biết đó là chị Mai – con dâu bà Nụ.

Bao giờ cũng vậy, trong lúc mẹ chồng ăn, chị Mai lại lịch kịch mang khăn, áo ra giặt sạch rồi đem phơi ngoài hành lang. Sau đó chị mở tủ đồ kiểm tra giấy vệ sinh, sữa, thuốc bổ, nước uống còn thừa thiếu thế nào để bổ sung. Sau đó chị mới tranh thủ ăn nốt rồi lại vội vã đi làm cho kịp giờ.

Hồi đầu mới phẫu thuật, sức khỏe yếu bà không đi lại được, một tay chị vệ sinh, bưng bê, chu đáo, tận tâm như thể mẹ ruột. Chiều tối lại có người đàn ông dắt theo 2 đứa cháu đang độ tuổi mẫu giáo thăm bà. Trong lúc lũ trẻ líu ríu chải tóc, bóp chân cho bà, bố chúng thường rủ rỉ ngồi nói chuyện. Biết bà thích ăn vặt, bao giờ trước khi về anh cũng mua lúc thì cái bắp ngô, củ khoai nướng mật hay khúc sắn bung để tối hai mẹ con rỉ rả.

Tầm 7h30 tối, khi chuẩn bị cơm nước cho gia đình xong xuôi, chị Mai lại lên trông bà để ba bố con về. Vợ chồng chú út nhà ở x,a ban ngày rảnh thì qua chăm còn không đêm nào phải ở lại để trông cả.

Phòng bệnh có 6 giường. Những lúc rảnh rỗi, mọi người kể cho nhau nghe chuyện gia đình. Hóa ra chị Mai là con dâu cũ của bà Nụ. Còn người chồng và hai đứa cháu kia là con của chị với người chồng sau.

Chị Mai về làm dâu nhà bà Nụ được 5 năm, sinh hạ thằng cu rất khôi ngô kháu khỉnh. Những tưởng hạnh phúc sẽ kéo dài mãi không ngờ trong một lần đi làm về, Bách – con trai bà – bị tai nạn giao thông. Nỗi đau mất con khiến bà yếu hẳn.

Cách đây 8 năm, khi thằng út đến tuổi lấy vợ, bà chia khu đất đang ở ra thành 3 lô. Một lô bà ở làm nơi thờ phụng tổ tiên, một lô cho vợ chồng thằng út, một lô bà định dành cho cháu đích tôn.

 Nhà bà Nụ trước kia vốn ở ven đô, những năm gần đây khi tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như vũ bão, gần nghìn mét vuông đất vườn của bà giờ chuyển thành mặt đường có giá hàng tỷ. Đêm trước ngày giỗ thứ 10 của con trai, bà Nụ không ngủ được. Từ lâu bà đã nung nấu một ý định mà chắc rằng con bà cũng sẽ ưng lòng. Nghĩ vậy bà nhỏm dậy, lẳng lặng bước đến bàn thờ con, thắp nén hương ứa nước mắt thương cảnh người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh…

Thế rồi sau bữa giỗ, khi cả gia đình tề tựu đông đủ, bà Nụ lặng lẽ mở tủ, lấy ra tấm bìa đỏ, khẽ khàng nói với con dâu:

- Mẹ định sau này khi cháu Phong trưởng thành mới dành miếng đất này cho cháu. Nhưng mẹ nghĩ rồi, con cũng là con mẹ. Mấy năm nay sức khỏe mẹ yếu không trông được Phong nên cháu theo con về ngoại. Nhà con bên đấy cũng khó khăn. Nếu mẹ cứ giữ cũng chẳng ai trách được nhưng thế thì cuộc sống của con, của cháu vất vả quá. Mẹ đã làm thủ tục cho con lô đất này. Con bán đi, mua cái nhà tầng gần cơ quan để hai mẹ con có chỗ ở đàng hoàng. Tiền thừa con gửi tiết kiệm phòng thân. Bách đã mất được 10 năm, con cũng 33 tuổi rồi, nên tìm một chỗ nương thân, mẹ không cản…

***

*

Quyết định cho con dâu lô đất vàng đất bạc, còn động viên con dâu đi lấy chồng của bà Nụ trở thành đề tài bàn tán của thiên hạ một thời. Người khen thì ít mà kẻ chê thì nhiều, nào là “gửi trứng cho ác”, rồi nào là “Tò vò mà nuôi con nhện”.

5 năm sau khi nhận được lô đất mẹ chồng cho, lo xong xuôi cho cậu con trai đầu du học ở Nhật, Mai mới lập gia đình lần 2 ở cái tuổi 38. Chồng cô hơn cô 2 tuổi, là người hiền lành, chịu khó.

Biết chuyện gia đình Mai, chồng Mai cảm kích tấm lòng nhân ái của bà nên mỗi khi có việc, anh xắn tay đôn đáo gánh vác chả khác việc nhà mình. Ở cái tuổi ngoài 70, khi mà bệnh tật cứ sầm sập kéo đến, nằm trên giường bệnh, bà Nụ cảm nhận được hết ý nghĩa của câu “gieo nhân tốt, gặt quả lành”. Những lúc này, khi mà bệnh tật đến giày vò, thử thách sức khỏe và tinh thần của bà thì sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của con, của cháu là động lực tuyệt vời để bà vượt qua. Quả thật, chưa bao giờ bà phải hối hận vì quyết định của mình!

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông