16:07 21/06/2019 Ông Tình vốn là đội trưởng đội bê tông, vừa về hưu được hơn một năm. Con cái phương trưởng, lập gia đình riêng cả. Mọi việc sẽ bình bình trôi qua, ông bà tưởng rằng sẽ túc tắc sống bằng lương hưu nếu như không có chuyện bà Hường – vợ ông đột nhiên ngã bệnh.
Đi viện khám mới biết bà bị suy thận. Chữa trị nhiều nơi mà không thuyên giảm. Thời gian gần đây bệnh bà càng kém, một tuần phải chạy thận 3 lần. Thế là bao đồ đạc, tài sản lần lượt ra đi vì bà Hường không có thẻ bảo hiểm y tế, cũng chẳng có lương hưu.
Các con mặc dù đã chung tay hỗ trợ bố mẹ nhưng đứa nào cũng nghèo, chả đỡ đần được bao. Đã có lúc trong lúc quẫn, ông Tình dự định sẽ bán nốt căn nhà đang ở để về quê. Số tiền dư ra để chữa trị cho vợ. Vậy nhưng nếu về quê lại khó khăn trong việc tuần 3 lần đưa bà đến bệnh viện chạy thận cho vợ. Cái khó bó cái khôn khiến ông Tình nhiều lúc thấy chán chường, mệt mỏi.
Ngồi phe phẩy cái quạt ở ngoài hành lang chờ vợ, ông Tình buồn bã nghĩ đến số tiền cần phải chi để mua thuốc bổ cho vợ. Còn gần 2 tuần mới hết tháng, chả lẽ lại gọi con. Nghĩ đến đây ông sốt ruột không ngồi được. Ông đứng dậy bước tha thẩn ra ngoài. Đang đi bỗng có tiếng còi xe ô tô ré lên khiến ông giật mình. Ngẩng lên thấy chiếc ô tô sang trọng bóng loáng đang xè xè bên cạnh. Ông vội né sang bên cạnh nhường đường rồi lầm lũi bước tiếp. Vừa dợm bước vào quán nước, nghĩ tiếc tiền ông lại quay đi, lòng se lại trong nỗi hổ thẹn cái khó khiến con người trở nên hèn kém.
- Anh Tình, có phải anh Tình không?
- Cậu là…
- Em là Phong đây, Phong “còi” đây, anh còn nhớ không?
Ký ức vụt hiển hiện khiến ông Tình bật ra nụ cười:
- Hóa ra là Phong “còi”. Trông giờ khác quá! Sao cậu vẫn nhận ra tôi à?
Ông Tình trân trân nhìn người đàn ông sang trọng trong chiếc sơ mi kẻ sọc và chiếc quần âu là phẳng đứng.
- Bác có thể quên em, còn em thì không bao giờ quên bác.
Thật khó hình dung cách đây gần 30 năm, anh chàng Phong gầy gò, đen sạm quần áo lúc nào cũng lấm lem vôi vữa và nồng nồng mồ hôi lại có diện mạo như ngày hôm nay. Hồi đó đội bê tông do ông Tình làm đội trưởng có gần 40 người. Do là dân lao động tứ xứ nên ai nấy ăn nói đều bỗ bã, dung tục.
Trong đám người nhộn nhạo, xô bồ đó, Phong lẳng lặng tách ra bởi cách nói chuyện kiệm lời và ít va chạm. Mọi người sẽ không để ý đến cậu chàng nếu như không có ngày đang trộn bê tông Phong lăn ra xỉu vì đói. Nhìn hình dáng đen đúa, nhỏ xíu đang nằm co quắp, ông Tình bất giác chạnh lòng. Cu cậu chỉ hơn thằng lớn nhà ông chục tuổi chứ mấy.
Hỏi chuyện mới biết bố Phong nghiện rượu và là người cục cằn. Cứ rượu vào là lôi vợ con ra đánh. Trận nọ nối trận kia khiến mẹ Phong suy nhược cơ thể phải nhập viện. Còn Phong phải bỏ học đi làm thợ trộn bê tông kiếm tiền đỡ đần mẹ. Biết tình cảnh, ông Tình gọi Phong đến nhà nói chuyện. “Mỗi tháng mày mất 150.000 tiền cơm bụi mà ăn không no, cứ đưa tiền đó cho vợ tao, bà ấy nấu ăn cho đảm bảo”...
Gần 3 năm bà Hường cần mẫn sáng sáng dậy sớm nấu cơm cho vào cặp lồng để hai chú cháu. Tưởng rằng mọi việc sẽ cứ bình bình trôi qua nếu không có ngày Phong rơm rớm nước mắt xin nghỉ. Nguyên do mẹ Phong mất vì bệnh, giờ chẳng còn gì níu kéo cậu ở cái gia đình ấy nên cậu sẽ vào Nam để kiếm tìm một cuộc sống mới.
Tiễn Phong ra bến tàu, mãi khi tàu chuẩn bị chuyển bánh, ông Tình mới dúi cho cậu cái phong bì, bên trong là toàn bộ số tiền ăn mà Phong đã gửi vợ chồng ông gần 3 năm qua. Bởi ông biết, nếu ông đưa trước, với cá tính của Phong, cậu sẽ không bao giờ nhận lại.
“Ăn khế trả vàng”, sau khi biết hoàn cảnh, Phong – giờ đã là giám đốc Công ty xây dựng bê tông có 6 chi nhánh tại 6 tỉnh thành đã trả nợ ân tình với người đồng nghiệp năm xưa. Thẻ bảo hiểm y tế cho bà Hường đã được mua để bà yên tâm chữa bệnh. Toàn bộ chi phí cho việc thuốc thang bồi dưỡng sức khỏe của bà được thanh toán định kỳ. Và mùng 10 hàng tháng, thẻ ngân hàng của ông lại “ting ting” báo hiệu được chuyển khoản 10 triệu đồng.
Có lẽ trong mơ ông Tình cũng không ngờ hành động nhỏ của vợ chồng ông năm xưa lại có ngày được báo đáp như vậy.
Bùi Hạnh
16:02 06/08/2023