Một gia đình năm anh em xả thân vì nước

10:46 28/08/2017

Tại khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo có trang trí dãy phù điêu rất ấn tượng với khách tham quan, trong đó có những bức tái hiện hình ảnh phong trào yêu nước oanh liệt của nhân dân Vĩnh Bảo hồi đầu thế kỷ 20. Ngược dòng thời gian, chúng ta trở về năm 1927, đến với câu chuyện về năm anh em trong một gia đình ở Cổ Am, Vĩnh Bảo, những người đã gây dựng và tham gia tích cực phong trào yêu nước này.

Thày giáo Đào Văn Lĩnh - người gieo mầm cách mạng

Đầu năm 1927, ở Vĩnh Bảo có hội đọc sách báo tên là “Tứ dân liên hiệp đoàn” do thày giáo Đào Văn Lĩnh phụ trách. Thày giáo Lĩnh sinh năm 1900, người làng Cổ Am, tổng Đông Am thuộc huyện, dạy học ở Hải Phòng.

Thầy Lĩnh xuất thân trong một gia đình gia giáo, là con trai tri huyện Đào Văn Đạo (cụ Đạo đỗ cử nhân, được bổ làm tri huyện ở nhiều nơi, cuối cùng ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vì thế, nhân dân quen gọi là Cụ Huyện Văn Giang).

Do được học hành, có tri thức nên người thanh niên Đào Văn Lĩnh sớm tiếp thu được những tư tưởng mới tiến bộ. “Tứ dân liên hiệp đoàn” (sĩ, nông, công, thương) đề ra nhiệm vụ: Chống hủ tục, rượu chè, cờ bạc, cô đầu, chấn hưng nội hoá, bài trừ ngoại hoá…

Cuối năm 1927, ở Hà Nội, sau một thời gian vận động, tại Nam Đồng Thư xã (một nhà xuất bản tiến bộ), Nguyễn Thái Học đã thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng do ông làm Chủ tịch Tổng bộ. Đường lối chiến lược của Đảng là: “Trước làm cách mạng Quốc gia, sau làm cách mạng Thế giới”.

Đảng lấy lực lượng trí thức tiểu tư sản, tư sản dân tộc làm nòng cốt, chủ trương bạo động dùng vũ lực đánh đổ bộ máy thống trị thực dân phong kiến, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam Quốc dân Đảng đã phát triển mạnh mẽ lan rộng khắp các tỉnh ở Bắc kỳ.

Trước đó, trong thời gian học Trường Sư phạm ở Hà Nội, Đào Văn Lĩnh đã kết bạn và có cùng chí hướng, hoạt động với Nguyễn Thái Học. Do vậy, khi Việt Nam Quốc dân Đảng chính thức ra đời (25-12-1927), Đào Văn Lĩnh đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của phong trào yêu nước này ở khu vực miền Duyên hải Bắc kỳ và tổ chức “Tứ dân liên hiệp đoàn” của thày giáo Lĩnh ở Vĩnh Bảo nhanh chóng biến thành Quốc dân Đảng, dần dần phát triển cơ sở ở nhiều nơi như Tiên Am, Nam Am, Nam Tả, Giang Biên, Quý Xuyên, Điềm Niêm, Bầu… nhưng mạnh nhất là cơ sở ở Cổ Am. Việt Nam Quốc dân Đảng theo chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn (mục tiêu phấn đấu: Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc).

Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh bộ “Việt Nam Quốc dân Đảng” Hải Phòng, Đào Văn Lĩnh đã chỉ đạo các tổ chức hoạt động chống thực dân Pháp, phong kiến, đánh đổ bọn địa chủ cường hào gian ác, tay sai để đem lại độc lập cho đất nước, mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đây cũng là mục tiêu mà Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam sau này lựa chọn, đưa vào thành tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” dưới Quốc hiệu: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ năm 1976 là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). 

Bên cạnh đó, thày giáo Lĩnh còn vận động nhiều anh, em của mình là Đào Văn Thê, Đào Văn Chiểu, Lê Huy Tích, Trịnh Khắc Dần, Trần Trọng Tự, Đào Trọng Uẩn, Đào Trọng Chính, Đào Nguyên Minh, Đào Nguyên Hiểu, Đào Nguyên Niết, Đào Nguyên Thê... cùng tham gia chống Pháp.

Phát hiện ra tính chất cách mạng, chống đối nguy hiểm của Việt Nam quốc dân Đảng, từ năm 1929, thực dân Pháp ra sức truy lùng, bắt bớ những người yêu nước và phá vỡ hàng loạt các cơ sở cách mạng của đảng này ở Hà Nội và các tỉnh. Ngày 23-12-1929, thày giáo Lĩnh địch bắt ở Hải Phòng.

Khởi nghĩa: “Không thành công cũng thành nhân”

Một người anh cùng cha khác mẹ của Đào Văn Lĩnh là Đào Văn Thê được lãnh trách nhiệm thay thày Lĩnh, giữ vững sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng với chi bộ ở Cổ Am và Vĩnh Bảo, Phụ Dực (Thái Bình). Đến cuối năm 1929, ở Vĩnh Bảo đã có thêm 5 chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng nữa thành lập. 

Trước những tổn thất nặng nề do thực dân Pháp gây ra, các lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng xác định không thể khoanh tay ngồi chờ bị tiêu diệt, quyết định Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Sơn Tây, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình...

Nhận được lệnh khởi nghĩa, chi bộ Cổ Am do Trần Quang Diệu (Riệu) lĩnh trách nhiệm chỉ huy cướp chính quyền ở Vĩnh Bảo. Còn Đào Văn Thê chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình.

Nhượng Tống - một trong các thủ lĩnh của Việt Nam Quốc dân Đảng trong cuốn sách “Nguyễn Thái Học 1902 - 1930” (NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2014), kể lại: “…đêm hôm rằm, anh em ở Phụ Dực, mặc binh phục và mang bom, dao cùng ít khẩu súng dài, súng ngắn, tất cả chừng một trăm người sán vào vây huyện và chiếm lấy khí giới.

Xong đó, anh em kéo sang Vĩnh Bảo, cách đó mười lăm cây số. Nhưng đến nơi thì các bạn ở địa phương đã chiếm được huyện rồi” và “Việc đánh Vĩnh Bảo là do anh Trần Quang Riệu chỉ huy. Chiều hôm 16, anh giả vờ hốt hoảng vào báo với lão Hoàng Gia Mô, tri huyện ở đó rằng: “Bẩm quan lớn! Tôi nghe tin bọn cách mệnh đêm nay nó định lấy huyện!”.

Hoảng hốt, tên Mô gọi tài xế sắp ô tô đem theo bốn tên lính hộ thân, sang đồn Ninh Giang để cầu cứu. Lão Đồn trả lời rằng lính đồn còn phải coi đồn, không thể giúp gì được. Nói rồi lại giục tên Mô mau về mà coi huyện. Thất vọng, tên Mô luống cuống, rồi nhanh trí nó bảo tên người nhà cởi bộ quần áo nâu cho nó mặc.

Xong, (...) đành phải lại lên ô tô mà tìm lối quay về. Về đến đầu chiếc cầu xi măng gần huyện thì vang trời hai, ba tiếng nổ. Ô tô bị bom đã hỏng máy, nằm quỵ bên đường!”.

Do vậy quân khởi nghĩa bắt được và xử tử Hoàng Gia Mô. Nhưng ngay sau đó, máy bay Pháp đã đến ném bom triệt hạ làng Cổ Am. Một ký giả Pháp theo dõi cuộc hành quân đàn áp Cổ Am đã thuật lại: “Nhà cầm quyền thuộc địa tuyên bố cần phải trừng phạt nguyên cả làng. Cổ Am bị oanh tạc ngày 16-2-1930 với một phi đội 5 phi cơ. Sau khi thả 57 trái bom các phi cơ còn xả súng đại liên xối xả xuống khu vực làng này và vùng phụ cận....”.

Cuộc khởi nghĩa bị thất bại nhanh chóng, Đào Văn Thê, Trần Quang Diệu bỏ trốn nhưng sau này cũng bị bắt cùng nhiều đồng chí của mình.

Sau khi đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp tiến hành xét xử những người tham gia. Ngày 9-8-1930, Đào Văn Lĩnh - người bị mật thám bắt trước khi nổ ra khởi nghĩa, bị Hội đồng Đề hình Hà Nội kết án đày đi biệt xứ, giam giữ tại Côn Đảo

Ngày 7-11-1930, tại Hải Dương, Hội đồng Đề hình tiến hành xử 193 bị cáo liên hệ đến cuộc nổi dậy ở Phụ Dực và Vĩnh Bảo. Sau bảy ngày, Hội đồng đã tuyên án: 8 tử hình, 28 khổ sai chung thân, còn lại là các hình phạt khác. Trần Quang Diệu bị tuyên án tử hình tại Hải Dương, còn Đào Văn Thê bị lưu đày ra Côn Đảo.

Kết cục, năm anh em trong một gia đình (ba anh em trai: Đào Văn Lĩnh, Đào Văn Chiểu, Đào Văn Thê và hai anh em rể) đều bị tống ngục Côn Đảo với mức án tù khổ sai. Theo những người cùng bị tù với thày giáo Đào Văn Lĩnh ở Côn Đảo sau này được trả tự do, về quê cho biết: Tại nhà tù Côn Đảo - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, thày giáo Lĩnh vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, bất hợp tác với kẻ địch, có lần ông tuyệt thực hàng tuần chống lại chế độ cai trị hà khắc của nhà tù thực dân Pháp.

Do bị tra tấn dã man, bị lao động khổ sai, sức yếu, cuối cùng ông đã hy sinh vào ngày 24-9-1931. Sau này, vào năm 2002, ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Còn ông Đào Văn Thê, vào đầu năm 1936, có tin cho biết đã hi sinh ở giữa biển trong chuyến vượt ngục Côn Đảo bằng bè, mảng.

Cũng cần nói thêm rằng: Nguyễn Thái Học lên kế hoạch tổng khởi nghĩa đồng loạt nhiều nơi ở Bắc Kỳ nhưng do nhiều yếu tố (tổ chức chưa chặt chẽ, sự chuẩn bị chưa kĩ càng, khởi nghĩa trong hoàn cảnh bị động, tin tức bị lộ) nên khởi nghĩa chỉ diễn ra khá quyết liệt ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao, Phụ Dực, Vĩnh Bảo...

Nơi nổ súng đầu tiên và quyết liệt nhất là ở Yên Bái, do đó sự kiện này thường được gọi chung là Khởi nghĩa Yên Bái. Cuộc tổng khởi nghĩa với khẩu hiệu “Không thành công cũng thành nhân” tuy thất bại nhưng đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước, chí căm thù bè lũ cướp nước và tay sai của nhân dân Việt Nam, nhân dân Hải Phòng nói chung, nhân dân Cổ Am, Vĩnh Bảo nói riêng.

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong tác phẩm: “Một vài đặc điểm cách mạng Việt Nam” - NXB Sự thật, Hà Nội 1959 đã nhận xét: “Sau cuộc bạo động Yên Bái, ngọn cờ phản đế, phản phong, ngọn cờ giải phóng dân tộc đã chuyển dần qua tay giai cấp vô sản, vì vậy, từ năm 1930 trên dải đất Việt Nam, phong trào chống đế quốc, giành độc lập, giải phóng dân tộc chỉ là những phong trào do giai cấp vô sản lãnh đạo”.

Nguyễn Dương

Thành phố Hải Phòng đã đặt tên đường phố tôn vinh các lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng yêu nước như Nguyễn Thái Học, Ký Con, Phó Đức Chính…, mong sao thành phố sẽ có những con đường, công trình công cộng mang tên những anh hùng liệt sỹ của Phong trào yêu nước này như Đào Văn Lĩnh, Đào Văn Thê, Trần Quang Diệu... để vinh danh những người con Hải Phòng đã quên thân vì nghĩa lớn.

Nguyễn Dương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông