Mua hàng online: Kẻ khóc người cười

10:42 21/06/2019

Mạng xã hội ngày càng phát triển, điện thoại di động giá rẻ với những tiện ích đặc biệt là những nhân tố chủ yếu thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nở rộ. Cũng từ đây, biết bao chuyện dở khóc dở cười về mua hàng qua mạng xuất hiện…

Chuẩn bị cho chuyến du lịch của gia đình đi Nha Trang, chị Trần Thị Nguyệt lên mạng tìm mua cho cậu con trai 6 tuổi chiếc ba lô để đựng một số vật dụng cá nhân của cậu bé. Cẩn thận xem sản phẩm trực tiếp qua live stream chứ không phải ảnh web, thậm chí còn yêu cầu người bán hàng để sát sản phẩm vào camera để xem chất liệu, cuối cùng chị cũng quyết định mua ba lô hình người nhện với giá 230.000 đồng.

Mua hàng online nhiều khi người tiêu dùng lâm vào cảnh dở khóc dở cười

Ngày khởi hành, trong ba lô của cậu bé chỉ có chiếc áo chống nắng, 1 bộ quần áo dự phòng, mũ lưỡi trai và khẩu trang. Vậy mà đến nửa chuyến đi đã quai ba lô do máy mũi chỉ dài đã tuột mất 1 bên. Để chữa cháy, chị phải mua cái kim băng gài tạm. Và sau chuyến du lịch 4 ngày 5 đêm thì cậu bé trở lại Hải Phòng với 2 bên quai đeo 4 cái kim băng gài chặt như cái miệng cười méo xệch của mẹ.

Giờ cho tiền có lẽ Hoàng Xuân cũng không muốn “cân não” cho những giao dịch online. Qua facebook, cô biết một người chuyên order hàng Quảng Châu. 1,2 triệu tiền đặt cọc (trị giá 50%) cho chiếc túi siêu cấp nhái nhãn Gucci đã được chuyển khoản. Theo lời hứa ban đầu từ 7-10 ngày là hàng về, vậy mà nửa tháng, 1 tháng rồi 2 tháng trôi qua mong đợi vẫn mỏi mòn. Có hỏi thì bao giờ cũng là do nước bạn cấm biên, do biên phòng cửa khẩu siết chặt, do chưa thông quan.

Để “xin” lại số tiền đã đặt cọc, Xuân đã phải nghĩ hết nước hết cái, nào là nhũn nhặn hỏi thăm hàng đến đâu, “like” nhiệt tình những bức ảnh của chủ facebook, rồi hứa hẹn cùng mấy chị em công ty sẽ đến tận nhà mua nhiều hàng. Sau chiến thuật mềm mại trong tức điên ấy, Xuân cũng được chuyển trả 1/3 số tiền đặt cọc do chủ facebook nại lý do chị mất 1 nửa, em cũng mất nửa tiền để chuyển khoản cho bên kia. Cứ giữ tiền cọc để đây khi nào hàng về em sẽ chuyển cho chị…

Trên đây chỉ là 2 trong vô số trường hợp “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mua hàng online mà rất nhiều người đã trải qua. Mạng xã hội với zalo, facebook càng phát triển thì nhu cầu sử dụng dịch vụ mạng để giao dịch thương mại điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến và tiện dụng hơn. Không thể phủ nhận những tiện ích mà các dịch vụ này mang lại cho người tiêu dùng như tiết kiệm thời gian, chi phí, cơ hội lựa chọn cũng đã dạng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện rất nhiều thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng sự tín nhiệm của người mua hàng để chiếm đoạt tài sản. Một số hình thức lừa đảo phổ biến là các đối tượng thường yêu cầu đóng, đặt trước một khoản tiền hoặc toàn bộ giá trị hàng để mua điện thoại, máy tính, mỹ phẩm, quần áo, túi xách... Các đối tượng còn lập tài khoản trên những diễn đàn rao vặt, đăng thông tin có nội dung nhận đặt hàng gửi về từ nước ngoài, giá rẻ hơn nhiều so với hàng công ty; sau đó yêu cầu khách hàng có nhu cầu đóng trước một khoản tiền để đặt cọc và chờ ngày hàng về; khi số tiền đã đủ lớn thì xóa tài khoản, thông tin cá nhân và không thực hiện trả hàng như đã cam kết. Hoặc có trả hàng thì chất lượng sản phẩm so với ảnh mẫu quả đúng là một trời một vực.

Cần thận trọng khi mua hàng online

Cách đây không lâu, báo An ninh Hải Phòng cũng đã nhận được đơn của chị Báo An ninh Hải Phòng nhận được đơn thư của chị Bùi Thị T, sinh 1973, ở xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên. Chị T sau nhiều lần vào fanpage được nhiều người ở Khánh Hòa theo dõi (nhatrangclub), thấy trang facebook cá nhân của người có tên Si Tuyển chào hàng với giá mềm. Chị T chủ động kết bạn và đặt vấn đề mua một lượng khá lớn quần áo có tổng giá trị 13,9 triệu đồng.

Chị T đã chuyển 8,9 triệu đồng trong 2 lần cho chồng người này tên là Nguyễn Văn Hoàng và còn thiếu 5 triệu đồng. Theo chị T, sở dĩ chị chuyển tiền trước cho Si Tuyển là vì người này hứa sẽ chuyển hàng ngay khi nhận được khoản tiền trên. Còn chị Thủy khi nhận được số hàng mới thanh toán 5 triệu đồng còn lại trong tổng đơn hàng.  

Sau khi nhận được 8,9 triệu đồng mà chị T và người thân chuyển, người đứng tên facebook Si Tuyển đã liên tục nhắn tin hối thúc chị T phải chuyển hết số tiền còn lại thì mới chịu chuyển hết hàng. “Tôi sinh nghi, gọi mesenger không nghe, hỏi địa chỉ cụ thể để nhờ người quen đến kiểm tra hàng, trả tiền nhưng không đồng ý”. Sau đó chủ hàng “thách thức, bảo hủy đơn hàng nếu sau 1 tuần tôi không chuyển hết tiền và tôi phải chịu hậu quả là mất tiền. Tôi đã chụp được hình cô ta từ trang đại diện. Khi tôi đưa hình vào trang Nha Trang club, cô ta xuống thang và hứa sẽ chuyển hàng”. Khi chị T yêu cầu chuyển hàng đúng như mẫu đã chốt nhưng chủ hàng này vẫn không chuyển mà lại nhắn tín đòi chuyển hết số tiền còn lại”…Sau nhiều lần đòi lại tiền mà không nhận được hồi âm, chị T quyết định gửi đơn tố cáo hành vi của người phụ nữ có tên trên đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và cơ quan công an.

Theo bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa, sau khi nhận đơn, đơn vị đã tiến hành xác minh thì trên thực tế không có số điện thoại của người bán hàng trực tiếp. Từ số điện thoại nạn nhân cung cấp về các đối tượng, chúng tôi đã tiến xác minh nhưng mỗi lần gọi điện, các đối tượng hoặc không nghe máy hoặc tắt máy ngay. Ngoài ra, người bán còn cho địa chỉ ở đường Phong Khê, thành phố Nha Trang thì địa phương không có con đường đó. Đây là thủ đoạn gian dối của những đối tượng bán hàng qua mạng”....

Như vậy, giao dịch thương mại qua các trang mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong khi người tiêu dùng thường là người chịu thua thiệt trong khi các chế tài để quản lý và xử phạt hành vi gian lận thương mại vẫn còn nhiều chỗ chưa kín kẽ. Do đó, khi tham gia mua bán hàng trên mạng, người tiêu dùng cần thận trọng, cần tìm hiểu kỹ và chỉ nên giao dịch với các cửa hàng, công ty có uy tín nhằm tránh lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười như đã kể trên.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích