23:14 13/01/2017
Những chuyến xe xuôi ngược như chở mùa xuân tỏa đi khắp ngả. Cánh xe ôm, xích lô coi thời điểm này là mùa làm ăn chính. Ngoài việc đón đưa khách ra các bến xe, bến tàu, nhà ga, họ còn tất bật với dịch vụ vận chuyển hoa, cây cảnh đến nhà dân, cũng như các cơ quan, công sở. Tất bật “mùa làm ăn” Những ngày này, không khí Tết đã bắt đầu len lỏi đến từng ngôi nhà, ngõ phố. Các tuyến đường đã khoác lên mình những màu sắc tươi mới từ cờ hoa, đèn màu. Đặc biệt, hoa, cây cảnh được người ta bày bán khắp nơi. Những chuyến xe xuôi ngược như chở mùa xuân tỏa đi khắp ngả. Cánh xe ôm, xích lô coi thời điểm này là mùa làm ăn chính. Ngoài việc đón đưa khách ra các bến xe, bến tàu, nhà ga, họ còn tất bật với dịch vụ vận chuyển hoa, cây cảnh đến nhà dân, cũng như các cơ quan, công sở. Ông Lê Văn Chiến, 46 tuổi, thường ngày làm xe ôm đón, đưa khách ở ngã 5 Cát Bi, dịp này khá đắt hàng. Khách quen, khách lạ không những đều đều, ông Chiến còn được nhiều người thuê chở hoa, cây cảnh từ vườn ra phố, hoặc tới địa chỉ người mua chơi Tết. Ông Chiến chia sẻ: “Năm nay thời tiết có vẻ không thuận nên hoa, cây cảnh không được đẹp bằng mấy năm trước, nhưng nhu cầu thì vẫn không giảm đi. Các cơ quan, công sở vẫn cố gắng tậu được cây đào, mai, quất thật to để trưng bày. Chở thuê món cây cảnh tết nói chung cũng mệt vì đường đông. Có lúc làm không hết việc, chạy vã cả mồ hôi. Bù lại, thu nhập rất khá, nhiều khi còn được khách hàng thưởng vì chở đến nơi an toàn. Gì chứ ngày năm bảy trăm là có thừa... cho nên phải tận dụng hết công suất để kiếm tiền tiêu tết. Năm chỉ một lần mà”... Cũng không bỏ lỡ “thời cơ vàng” những ngày cận tết, ông Nguyễn Tiến Quang (vốn chạy xích lô vẫn chở hàng cho một cửa hàng vật liệu xây dựng) đã xin chủ cho nghỉ tết trước để ra đường Lê Hồng Phong chở thuê cây cảnh. Ông Tiến bảo: “Tết nhất sắp đến mà nhà thì chưa mua sắm được gì, đồng tiền giờ ngặt lắm. Thôi phải tranh thủ ra đây kiếm được mấy cuốc hàng, nhưng lại gặp mưa rét cũng cực. Đành cố gắng, chứ tôi bị khớp nên cứ tối về là đau ran khắp cả người”. Nói đoạn, ông Tiến uể oải bế chậu quất lên xe, chở đến cho một cơ quan ở phố Minh Khai. Không riêng gì cánh xích lô, xe ôm, dịp này cũng là “mùa làm ăn” và cùng với đó, những người dọp dẹp nhà cửa, thợ sơn sửa nhà và cả những người thu mua đồng nát cũng rất bận rộn. Sắp tết thì nhà nào cũng muốn có sự tươi mới nên tống tiễn đi một số đồ cũ. Và tất nhiên, mấy chị “ve chai” thu bội. Chị Phạm Thị Thoa, ở Tràng Minh (Kiến An) tâm sự: “Thu mua phế liệu đã là nghề truyền thống của gia đình. Những ngày cuối năm thường phải chạy toát mồ hôi để tận thu, dù mệt song có thêm thu nhập, trang trải cho cái Tết. Chị em chúng tôi còn kiêm thêm việc dọn, rửa nhà cho những gia đình có nhu cầu. Dọn nhà vừa được tiền công, vừa được chủ nhà “khuyến mại” cho một số đồ cũ nên cũng lợi lắm. Tôi huy động cả nhà để đi làm việc này”... Cho mùa xuân thêm vui Dù không khí tết đã bắt đầu rộn ràng, nhưng khái niệm vui chơi, sắm sửa thì vẫn chưa thể đến với những người mà ví tiền còn xẹp lép. Họ đang còn phải căng sức ra để kiếm tiền kể từ trẻ già, trai gái, người lao động tự do hay là sinh viên, trí thức. Em Trần Thu Trang, quê Nam Định, sinh viên đại học Hàng Hải vừa hoàn thành thi học kỳ. Thay vì nghỉ ngơi, em đã xin trông hàng, phụ bán hàng cho chủ một hiệu tạp hóa ở phố Quang Trung. Công việc bắt đầu từ sáng sớm kéo dài đến tận khuya, chủ yếu là trông đồ, lấy các loại hàng hóa theo yêu cầu cho khách. Suốt ngày Trang luôn chân, luôn tay, ít khi có thời gian nghỉ. Trang bộc bạch: “Việc bán hàng những ngày này khá chạy, nhiều người mua quà đi biếu, mua gửi về quê, mua cho gia đình... Nói chung là mệt nhưng mà vui, em được chủ bao cơm, trả công ngày 200 nghìn. Giờ đến tết cũng được khoản nho nhỏ về quê ăn tết”.
Một người bạn sinh viên của Trang thì không đi làm thuê mà tự kinh doanh riêng, đó là Ngọc Hà, ở phố Phan Bội Châu. Tranh thủ nhà có chút mặt tiền, Hà mua hoa tươi và “phụ kiện” để bán. Nhờ có chút kinh nghiệm cắm hoa học từ bạn bè, những lẵng, giỏ hoa tươi được đôi bàn tay khéo léo của Hà tạo ra trông thật đẹp mắt, thu hút được một lượng lớn khách ghé thăm. Hà thủ thỉ: “Ngày tết hầu như nhà nào cũng chơi hoa tươi nên em tranh thủ kinh doanh loại hàng này. Em còn thiết kế thêm thiệp năm mới xinh xinh để tặng cho khách để lấy lòng. Nếu thuận lợi như mấy năm trước kiểu gì cũng bỏ túi được cả chục triệu, phụ giúp bố mẹ sắm tết”. Với những cô gái như Trang, Hà dù sao cũng có địa điểm để kinh doanh hay làm thuê, còn vất vả nhất có lẽ là những người bán hàng rong. Những loại hàng hóa bình dân thường thì những ngày gần tết không mấy ai quan tâm lắm. Mẹ con chị Phạm Thị Mai, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, lách cách hàng tá hàng gồm tất, ví, bông tai... ghé một quán ăn đường Đà Nẵng. Đứa bé chừng 10 tuổi bưng một chiếc rổ nhỏ trên đó có ít phong kẹo cao su, mấy gói tăm, bông ngoáy tai... nhanh nhẹn đi mời khách, nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu. May có một cụ già gọi cô bé đến gần, mua cho bé lon nước ngọt. Cụ ân cần hỏi thăm cô bé từ tuổi tác, hoàn cảnh gia đình đến việc ăn ngủ ra sao, rồi thì buôn bán lời lãi thế nào, có ai bắt nạt không... Còn cô bé chỉ cười, ánh mắt sáng lên, có lẽ cô đang gặp một trong những vị khách tốt bụng. Uống xong lon nước, cô bé lễ phép chào. Ông cụ nắm lấy tay cô và không quên để vào rổ hàng của cô bé một ít tiền. Cô bé mừng quýnh chạy tới khoe với mẹ. Sau chuyện tôi được biết, trước đây, chị Mai cũng có một gia đình sung túc. Thế rồi, chồng chị không may qua đời do tai nạn giao thông. Một nách, chị phải nuôi ba con nhỏ và bố mẹ già, ruộng nương thì ngày càng cằn cỗi, nếu sống bằng nghề nông thì khó trang trải nổi cho 6 miệng ăn, chị mới quyết định dắt theo một đứa con nhỏ dạt ra Hải Phòng làm nghề bán rong. Chị nói: “Bán rong thực tình có vất vả thật, nếu cố đi thì cũng kiếm được ngày trăm hơn trăm kém. Tôi làm cái nghề bán rong này cũng được 5 năm rồi, mà cũng chỉ làm khi nông nhàn. Lúc nào vào vụ vẫn phải về â gieo, gặt với bố mẹ. Gần tết rồi, mẹ con cố gắng bán ít hôm nữa, có tiền mua cho tụi nhỏ ở quê mấy bộ quần áo, lợp lại cái mái nhà, ngày tết mà mưa dột thì khổ”... Tết nguyên đán Đinh Dậu đã cận kề. Trên phố phường tấp nập hay những vùng quê, những mảnh đời miệt mài mưu sinh với niềm tin vào sự no đầy, ấm áp trong mùa xuân mới. Phóng sự của Quảng Bình |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt