Mỹ và Nhật Bản đang chuẩn bị cho các biện pháp đối phó mạnh tay và bất ngờ nếu CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo.
| Hình ảnh vệ tinh cho thấy bãi phóng đã chuẩn bị |
Phát biểu với báo giới sau các cuộc thảo luận ở Washington ngày 2-4, quan chức ngoại giao hàng đầu Nhật Bản phụ trách các vấn đề châu Á Shinsuke Sugiyama cho biết Tokyo đang tìm kiếm một phản ứng phối hợp của quốc tế đối với vụ phóng tên lửa, được Triều Tiên lên kế hoạch từ ngày 12 đến 16-4. Ông Sugiyama không giấu diếm rằng Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận “mọi biện pháp cần thiết” nếu phía Triều Tiên không lưu tâm tới yêu cầu của cộng đồng quốc tế, quyết tiến hành vụ phóng vệ tinh gây nhiều quan ngại này. Tuy nhiên, ông Sugiyama từ chối cho biết chi tiết về những tác động của các biện pháp này đối với Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho hay Mỹ thông cảm với nỗi lo ngại của Nhật Bản và đã lên tiếng yêu cầu Triều Tiên rút lại kế hoạch.
Được biết, Bình Nhưỡng đã mời các quan chức Nhật Bản tới theo dõi vụ phóng tên lửa nhưng phía Tokyo đã cự tuyệt. “Việc bất kỳ quan chức Nhật Bản nào tham gia giám sát việc phóng tên lửa mang vệ tinh cũng là không phù hợp”, phát ngôn chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura nói như vậy và xác nhận Triều Tiên đã gửi lời mời đến các quan sát viên ở Cơ quan Khám phá Không gian Nhật Bản (JAXA). Ông Fujimura kiên quyết yêu cầu Triều Tiên không phóng tên lửa. Được biết, tuần trước, nội các của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã bật đèn xanh cho việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ nước này.
Cùng ngày 2-4, giới chức cấp cao Hàn Quốc cũng cảnh báo “nếu CHDCND Triều Tiên phát động hành động khiêu khích có vũ trang nhằm vào thủ đô Seoul và các khu vực dân cư quanh thành phố thì chúng tôi có kế hoạch phản công nhằm vào thủ đô Bình Nhưỡng và các khu vực trọng yếu khác bằng tất cả hỏa lực sẵn có. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc còn dự đoán tên lửa có gắn vệ tinh Gwangmyongsong-3 của Triều Tiên có khả năng đạt tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ. Khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa có gắn vệ tinh Gwangmyongsong-2 vào năm 2009, tầng 2 của tên lửa có tầm bắn tới 3.846km và lần này cho thấy Triều Tiên đã phát triển công nghệ phóng tên lửa với tầm bắn hơn 10.000 km.
Báo chí Hàn Quốc dẫn một đánh giá của giới tình báo nước này cho rằng một vụ phóng vệ tinh như kế hoạch mà Triều Tiên đã thông báo vào tháng Tư này sẽ tiêu tốn khoảng 850 triệu USD, tương đương với số lương thực cho 19 triệu dân trong 1 năm. Việc xây dựng bãi phóng tên lửa dự kiến sẽ tiêu tốn của Bình Nhưỡng 400 triệu USD trong khi tên lửa và lượng thuốc nổ của nó sẽ lần lượt có giá là 300 triệu USD và 150 triệu USD. Nguồn tin cho biết thêm tổng số chi phí 850 triệu USD trên sẽ đủ mua 2,5 triệu tấn ngô của Trung Quốc, đủ để nuôi sống 19 triệu trên tổng số 24 triệu dân của Bắc Triều Tiên (khoảng 80%) trong vòng 1 năm.
VIỆT ANH (tổng hợp) |