Ngày 9-2 (giờ Hà Nội), Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược quân sự quốc gia 2011, kêu gọi phát triển lực lượng tập trung hơn vào châu Á. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 Mỹ rà soát lại biện pháp và cách thức quân đội sẽ áp dụng để thúc đẩy các lợi ích quốc gia.
| Lính Mỹ tại thành phố Ramadi, Iraq |
Tài liệu Chiến lược quân sự quốc gia Mỹ năm 2011 dày 21 trang, được Lầu Năm Góc xây dựng nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, răn đe và đánh bại sự xâm lược, tăng cường an ninh khu vực và quốc tế cũng như định hình lực lượng tương lai. Văn bản này được Hội đồng liên quân sửa đổi bởi vì phiên bản trước, vốn ra đời ba năm sau vụ khủng bố 11-9, chỉ tập trung vào ba mục tiêu chính gồm: bảo vệ nước Mỹ; ngăn chặn xung đột và các vụ tấn công bất ngờ; đánh bại kẻ thù. Tài liệu năm nay được xem như một tuyên bố rộng về cách thức quân đội Mỹ sử dụng lực lượng cũng như ưu tiên hỗ trợ và huấn luyện nhằm giúp Mỹ đạt được những mục tiêu an ninh.
Theo nội dung tài liệu, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định môi trường an ninh toàn cầu ngày nay đang thay đổi nhanh chóng và có nhiều thách thức. Vì vậy, quân đội Mỹ cần tăng cường vai trò lãnh đạo và hợp tác cùng các quốc gia khác. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh và liên minh, như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO,) đồng thời mở rộng hợp tác với Liên minh châu Phi, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự. Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên khẳng định Mỹ và đồng minh sẵn sàng di chuyển lực lượng tới bất kỳ đâu và bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, Chiến lược 2011 cũng khẳng định Washington có thể đứng riêng nếu cần thiết.
Bản chiến lược quân sự quốc gia mới công bố còn vạch ra vai trò của các quân chủng bộ binh, hải quân, không quân và thủy quân lục chiến trong việc bảo vệ nước Mỹ trong những năm tới. “Phải điều lực lượng tới những nơi có nguy cơ”, Lincoln Tribune dẫn lời thiếu tướng hải quân John Roberti cho hay. Ông Roberti cho rằng chiến lược mới tập trung vào châu Á vì nền kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng sang khu vực này, các sức mạnh quân sự cũng đang nổi lên và nhiều thay đổi về chính trị đang diễn ra tại đó.
Theo Roberti, các yếu tố quan trọng của môi trường chiến lược toàn cầu như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, toàn cầu hóa, thảm họa thiên nhiên, thay đổi khí hậu, tội phạm mạng, cạn kiệt tài nguyên, bệnh dịch, tranh chấp thương mại và các nhóm cực đoan đều đang hiển hiện tại châu Á. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen nhấn mạnh rằng việc đổi hướng tập trung sang châu Á không có nghĩa là Mỹ sẽ triển khai thêm quân tại Nhật hay Hàn Quốc. Chiến lược này có thể là thay đổi loại hình nhân lực và tăng cường các cuộc tập trận trong khu vực.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì Chiến lược quân sự quốc gia 2011 của Mỹ có nhiều điểm khác biệt hơn so với phiên bản năm 2004 - chỉ dừng lại ở việc kêu gọi quân đội bảo vệ đất nước, ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ và đánh bại các thế lực thù địch. Chiến lược 2011 cũng khẳng định quân đội Mỹ cần nắm vai trò lãnh đạo trong việc liên kết các cơ quan chính phủ Mỹ với các đối tác dân sự và quân sự nước ngoài để giải quyết những vấn đề đe dọa đến an ninh và sự ổn định.
VIỆT ANH (tổng hợp) |